Sáng 15/11, Toà án Nhân dân (TAND) cấp cao tại TPHCM đã tạm hoãn phiên toà phúc thẩm xét xử vụ án “tranh chấp quyền sở hữu vốn góp trong công ty TNHH” xảy ra tại công ty TNHH Sản xuất Thương mại Tây Sơn (công ty Tây Sơn). Thời gian mở lại phiên toà phúc thẩm sắp tới sẽ được toà án thông báo sau.
Nguồn tin riêng của Tiền Phong cho biết nguyên nhân tạm hoãn phiên toà phúc thẩm là do phía bị đơn xin dời lại ngày khác do phải chấp hành các quy định về cách ly phòng chống dịch COVID-19.
Trước đó, TAND cấp cao tại TPHCM đã có giấy triệu tập ông Liên Khui Thìn (nguyên đơn) và các đương sự liên quan tham dự phiên toà phúc thẩm sau khi phía bị đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND TPHCM.
Bản án sơ thẩm của TAND TPHCM đã chấp thuận yêu cầu khởi kiện của ông Liên Khui Thìn, tuyên bố vô hiệu các giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp vào công ty TNHH Sản xuất Thương mại Tây Sơn giữa bà Nguyễn Thị Tuyết Mai và các đương sự liên quan.
Bản án tuyên huỷ 9 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đăng ký thay đổi) mà Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TPHCM đã cấp cho công ty Tây Sơn từ năm 2000 đến 2016.
Theo đơn khởi kiện của ông Liên Khui Thìn, năm 1996, ông và bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cùng thành lập công ty Tây Sơn với vốn điều lệ là 3 tỷ đồng. Công ty được UBND TPHCM cấp giấy phép, trong đó ông Thìn và bà Mai mỗi người góp 50% vốn.
Công ty TNHH Tây Sơn đặt trụ sở tại biệt thự số 198 Võ Thị Sáu (quận 3) |
Trong thời gian ông Thìn đang chấp hành án tù, ông Phạm Nguyễn Minh Đức và ông Phạm Minh Đạo đã nhận toàn bộ vốn và tài sản của công ty Tây Sơn. Sau khi chấp hành án xong vào năm 2009, ông Thìn phát hiện sự việc và đã nhiều lần liên hệ để giải quyết nhưng bà Mai, ông Đức và ông Đạo không hợp tác. Vì vậy, ông Liên Khui Thìn đã khởi kiện ra toà.
Theo bản án sơ thẩm, trong 9 lần công ty Tây Sơn đăng ký thay đổi, có 3 lần đăng ký thay đổi thành viên (lần 1, lần 3 và lần 5) nhưng trong hồ sơ đăng ký do cơ quan đăng ký kinh doanh cung cấp chỉ có lần đăng ký thay đổi thứ 5 (ngày 9/10/2010) có hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp bằng văn bản. Hai lần trước đều không có văn bản hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp lưu tại cơ quan đăng ký kinh doanh.
Tại phiên toà sơ thẩm, phía bị đơn cùng những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cho rằng các giao dịch chuyển nhượng vốn góp nói trên là hợp pháp. Cụ thể, theo nội dung công văn số 123/CV-TA ngày 22/8/2000 của TAND TPHCM (do thẩm phán Nguyễn Đức Sáu ký) trả lời công ty Tây Sơn thì ông Liên Khui Thìn không còn là thành viên công ty sau khi bản án hình sự sơ thẩm vụ án Epco – Minh Phụng có hiệu lực.
Tuy nhiên, hội đồng xét xử (HĐXX) không chấp nhận căn cứ phía bị đơn đưa ra. Bản án nhận định việc bà Nguyễn Thị Tuyết Mai giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp của mình trong công ty cho ông Đỗ Thế Minh (chưa phải là thành viên công ty trước khi đăng ký thay đổi thành viên lần thứ 1) mà không hỏi ý kiến ông Liên Khui Thìn là thành viên còn lại của công ty; cũng như việc công ty Tây Sơn đăng ký thay đổi lần 1 và thay đổi thành viên (tức xoá tên ông Liên Khui Thìn và đưa tên ông Đỗ Thế Minh vào danh sách thành viên) mà không có quyết định của Hội đồng thành viên là vi phạm Luật Doanh nghiệp năm 1999, xâm phạm quyền thành viên của ông Liên Khui Thìn.
Một phần bản án sơ thẩm của Toà án Nhân dân TPHCM |
Do đó, bản án sơ thẩm khẳng định giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp giữa bà Nguyễn Thị Tuyết Mai với ông Đỗ Thế Minh là giao dịch vô hiệu (do có nội dung trái pháp luật). Đồng thời, giấy chứng nhận đăng ký thay đổi lần 1 (tháng 9/2000) do Phòng Đăng ký Kinh doanh thuộc Sở KH&ĐT TPHCM cấp là quyết định cá biệt trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của ông Liên Khui Thìn.
Ngoài ra, trong hồ sơ đăng ký của các lần thay đổi sau có lưu quyết định của Hội đồng thành viên nhưng các thành viên tham gia vào công ty sau lần đăng ký thay đổi thứ nhất đều không hợp pháp nên yêu cầu khởi kiện của ông Liên Khui Thìn là có căn cứ và được chấp nhận.
Ngày 16/4/2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 25/QĐ-CSKT-P10 về “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại công ty TNHH EPCO (TPHCM) và một số đơn vị có liên quan.
Về ý kiến của các đương sự cho rằng ông Liên Khui Thìn không còn là thành viên công ty Tây Sơn căn cứ theo nội dung công văn số 123/CV-TA của Toà án Nhân dân TPHCM, bản án sơ thẩm cho rằng công văn nói trên không phải là bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của toà án.
“Nội dung công văn giải thích vấn đề không thuộc phạm vi xét xử của vụ án hình sự đã được tuyên xử bởi Bản án hình sự sơ thẩm số 1590/HSST của TAND TPHCM mà chính công văn này đề cập”, bản án nêu.
Theo ông Liên Khui Thìn, những tài sản của ông bị thất thoát và bị chiếm đoạt tại Công ty Tây Sơn, bao gồm biệt thự số 198 Võ Thị Sáu (Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM) có tổng diện tích 1.704 m2 và Khu dự án du lịch nghỉ dưỡng tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có quy mô 3 ha