Tài sản không rõ nguồn gốc: Tranh luận 'nóng' 2 phương án xử lý

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương
TP - Ngày 25/10, Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau tại dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi. Liên quan đến điều 52, xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội hai phương án: Xử lý bằng con đường tòa án và xử lý bằng thu thuế. Hai phương án này tiếp tục nhận được ý kiến trái chiều từ các đại biểu Quốc hội.

Cần có lộ trình xử lý?

Tại phiên thảo luận, Phó trưởng Ban dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, cần bổ sung cơ chế xác minh tài sản thu nhập. Qua đó, cơ quan quản lý tài sản khi nhận được bản kê khai tài sản thu nhập cá nhân thì gửi hồ sơ về địa phương để xác minh, sau đó gửi cho cơ quan chức năng. Trong trường hợp nghi vấn, cơ quan trung ương sẽ thành lập đoàn tiếp tục xác minh.

Về phương án xử lý tài sản tăng thêm không rõ nguồn gốc, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, cả hai phương án đưa ra đều không đảm bảo. Theo ông Nhưỡng, nếu sử dụng tòa án hành chính thì không có khái niệm này. Còn nếu sử dụng tố tụng dân sự có hai vấn đề quan trọng, một là phải có hợp đồng, hai là có thiệt hại ngoài hợp đồng. 

Còn về phương án đánh thuế, theo ông Nhưỡng lại xuất hiện những vấn đề rất khó giải thích. “Cử tri nói với tôi, kể cả tài sản có được bằng tài sản tham nhũng thì nó cũng đã được mua. Đã được mua thì cũng có nghĩa là nó đã chịu thuế rồi. Vậy chúng ta tiếp tục đánh thuế thì sẽ là biện pháp chồng thuế. Như vậy không ổn cả về khía cạnh chúng ta sử dụng thuế”, ông Nhưỡng cho hay.

Không đồng tình, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) tranh luận với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. Theo ông Hồng, “nói như đại biểu Nhưỡng thì chúng ta không có lối thoát”. Ủng hộ phương án 2, ông Hồng đưa ra lý lẽ để tranh luận lại với đại biểu có ý kiến về phương án 1. Đại biểu đoàn Bình Dương cho rằng, chúng ta phải dùng giải pháp kinh tế để xử lý những vấn đề kinh tế. 

“Hiện nay bí nhất là việc thu hồi tài sản. Đất nước ta đang thiếu nguồn lực, nếu chúng ta xử lý tốt điều này thì sẽ có nguồn lực rất lớn huy động phát triển kinh tế”, tuy nhiên theo ông Hồng, phương án xử lý tài sản này phải có lộ trình, nếu không người dân sẽ đặt vấn đề đang tìm cách hợp thức hóa. “Tôi đề nghị lộ trình đến năm 2025 và cũng có phân loại từng loại tài sản để xử lý. Ví dụ với nhà đất, buộc phải đăng ký, buộc phải sang tên, đóng thuế tài sản chứ không phải thuế tiêu thụ đặc biệt”, ông Hồng nêu.

Khó xử lý tại tòa hay mất niềm tin?

Cũng liên quan đến phương án xử lý tài sản, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị Quốc hội xem xét thật kỹ lưỡng và “không thể đồng tình” với phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được nguồn gốc sẽ chuyển cho tòa án. Ông phân tích, cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan điều tra mà không chứng minh được tài sản thu nhập do vi phạm pháp luật mà có thì không thể có chứng cứ, không có cơ sở pháp lý để quy tội và không thể chuyển cho Tòa án xét xử. 

“Thực tế nhiều vụ án phạm tội nhận hối lộ người ta khai là đưa cho ông A, ông B nhưng tòa cũng không thể kết tội cho ông A, ông B được, bởi vì không có căn cứ. Trong thực tế có những vụ án chủ tịch xã với trưởng phòng quản lý đất đai khi nhận tiền của người dân nhưng bị truy tố thì chủ tịch xã không bị tội mà phòng quản lý đất đai bị tội. Vì có ghi đầy đủ ngày tháng nhận tiền nhưng không có căn cứ cụ thể.

Về tài sản thực tế của cá nhân, theo ông Phương, cơ quan có thẩm quyền không chứng minh được vi phạm pháp luật mà có nhưng lại giao cho tòa xử lý để thu hồi, điều này có vi phạm với Hiến pháp hay không? “Điều 32 Hiến pháp có quy định “mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải, nhà ở, tư liệu sinh hoạt... Như vậy, nhà ở của tôi là tôi có sổ đỏ, pháp luật đã công nhận; xe của tôi đăng ký tên của tôi, tất cả những điều này đã được pháp luật thừa nhận, bây giờ tôi không kê khai thu nhập lại cho đây là bất hợp lý thì cũng không được”, ông Phương phân tích và đồng ý với phương án thu thuế.

Tranh luận với quan điểm này, đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) cho rằng, Hiến pháp quy định giao cho Tòa án thực hiện quyền tư pháp. Tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhân danh nhà nước phán quyết bảo vệ quyền và lợi ích của công dân, của nhà nước, bảo vệ công lý, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. 

“Tòa án là một công cụ của Đảng, Nhà nước mà đại biểu Phương lại không có niềm tin vào Tòa án thì sẽ là mất tất cả”, ông Phong bày tỏ.

Cũng liên quan đến phương án xử lý tài sản, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị Quốc hội xem xét thật kỹ lưỡng và “không thể đồng tình” với phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được nguồn gốc sẽ chuyển cho tòa án” .

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.