Tài sản không giải trình được: Đánh thuế 45%, không hợp pháp hóa

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái.
TP - Sáng 11/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 23 cho ý kiến về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi. Nhiều đại biểu cho rằng, không thể mặc nhiên coi tài sản không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc là tài sản tham nhũng.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, đơn vị soạn thảo đã bổ sung các quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực và tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình một cách hợp lý vào dự thảo luật (Điều 59). Theo đó, trường hợp kết luận tài sản, thu nhập thực tế của người có nghĩa vụ kê khai lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý và chưa có dấu hiệu cho thấy phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm này có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội, trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập gửi Kết luận xác minh tài sản, thu nhập đến cục thuế có thẩm quyền yêu cầu thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế.

Xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản

Theo ông Khái, dự thảo Luật tại Điều 123 cũng bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân nhằm xác định thu nhập do vi phạm quy định của khoản 1 Điều 59 Luật PCTN là thu nhập chịu thuế với mức thuế suất là 45% trong biểu thuế toàn phần. Ông Khái cho biết, phương án trên thể hiện rõ tinh thần việc thu thuế không loại trừ trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình một cách hợp lý có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội. Quy định này sẽ tránh cách hiểu theo hướng hợp pháp hóa 55% giá trị còn lại của tài sản, thu nhập không có nguồn gốc rõ ràng hoặc trái với các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết: “Đặc điểm xã hội nước ta là người dân có truyền thống tích lũy, tiết kiệm, tặng cho, thừa kế trong gia đình, tài sản của cán bộ, công chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau (ngoài thu nhập từ lương thì nhiều người còn làm thêm để tăng thu nhập dưới nhiều hình thức)”.

Theo bà Nga, đối với tài sản, thu nhập không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc, pháp luật vẫn chưa có quy định xử lý, trong khi không loại trừ một số tài sản này có thể có nguồn gốc từ tham nhũng, từ vi phạm pháp luật nhưng Nhà nước chưa chứng minh được. Đây là vấn đề lớn, liên quan quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản của công dân được hiến định, nên việc xử lý theo phương án nào cần được cân nhắc để vừa bảo đảm quyền cơ bản của công dân, vừa đáp ứng yêu cầu PCTN. Trong khi Nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội, pháp luật hiện hành cũng chưa quy định buộc người dân phải chứng minh nguồn gốc hình thành số tiền để mua tài sản, nhất là những tài sản có giá trị lớn; chưa quy định đánh thuế đối với tài sản..., việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản nói chung là vấn đề rất phức tạp. Về mặt pháp lý, không thể mặc nhiên coi tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là tài sản tham nhũng để tịch thu bằng biện pháp hình sự theo hướng “suy đoán có tội”.

Cán bộ không nghèo nhưng kê khai rất nghèo

Góp ý tại phiên họp, ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, băn khoăn về thuật ngữ “không giải trình được một cách hợp lý”. Ông Định ví dụ, một cán bộ bảo là tài sản do bố ông ấy để lại, hỏi bố ông ấy thì lại bảo là do ông cụ để lại. “Việt Nam mình ngày xưa chưa có tài khoản cá nhân, chưa có ngân hàng, chưa có thanh toán, không có ai làm chứng, không có cơ sở. Thế nào là giải trình không hợp lý”, ông Định băn khoăn. Ông Định cho rằng, nên có quy định cụ thể, làm rõ thế nào là giải trình không hợp lý, nếu cứ chung chung thì người này có thể cho là hợp lý, người kia cho là không hợp lý, có thể thiếu tính khả thi.

Ông Định cũng đồng tình với quan điểm “suy đoán vô tội”. Theo ông Định, không thể nói việc không giải trình được một cách hợp lý thì đó là tài sản bất minh. Không giải trình được một cách hợp lý nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng không chứng minh được đó là tài sản bất hợp pháp thì phải suy đoán vô tội. Coi như đó là tài sản hợp pháp. “Mà tài sản hợp pháp thì nộp thuế theo khung của Luật Thuế thu nhập cá nhân, chứ không là mức 45% được. Còn khi cơ quan nhà nước chứng minh được đó là tài sản bất minh thì xử lý hình sự, xử lý dân sự, xử lý kỷ luật. Chứ không phải đánh thuế là hợp pháp hóa”, ông Định nói.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến bày tỏ băn khoăn về tính khả thi trong xác minh tài sản thu nhập. Theo ông Chiến, hiệu quả phát hiện tham nhũng chưa cao bởi mới chỉ dựa trên bản tự kê khai tài sản của cán bộ, công chức. “Hầu như họ chỉ kê khai những gì hợp pháp, những tài sản giải trình được, những cái chính đáng. Những tài sản tham nhũng thì không kê khai. Kiểm soát, xác minh cũng chỉ xác minh trong bản kê khai thôi. Không trao quyền để mở rộng xác minh, không thể xác minh con cái đã thành niên, xác minh anh em ruột thịt... thì rất khó”, ông Chiến nói. Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng nhận định, cán bộ không phải nghèo, nhưng kê khai thì rất nghèo. Việc thẩm tra, Quốc hội tiến hành bầu và phê chuẩn nhân sự cũng chỉ mang hồ sơ cho các đại biểu đọc thì rất khó biết mức độ đúng, sai của những bản kê khai đó.

Đề xuất xác minh tài sản khi thăng, phong hàm tướng

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề xuất đưa việc phong, thăng quân hàm cấp tướng trong lực lượng vũ trang vào diện xác minh tài sản bắt buộc tương tự bổ nhiệm, bổ nhiệm lại. Theo ông Chiến, việc này rất cần làm vì quy trình phong, thăng quân hàm cấp tướng chặt chẽ và đây cũng là vinh dự lớn. “Nếu không quy định thì ban soạn thảo dự án luật phải giải thích vì sao”, ông Chiến nói. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đồng tình với đề xuất của ông Chiến. “Việc phong hàm cũng phải kê khai, xác minh tài sản. Không phải gắn với quản lý nhưng là gắn với chức tước”, bà Phóng nói.

MỚI - NÓNG