Tai nạn nhiều sao vẫn xà xẻo kinh phí đường ngang xe lửa?

Điểm đường ngang nối ra Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Nghi Lộc - Nghệ An. Ảnh: Sỹ Lực
Điểm đường ngang nối ra Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Nghi Lộc - Nghệ An. Ảnh: Sỹ Lực
TP - Nhiều vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng liên tục xảy ra do đường ngang dày đặc, thiếu an toàn, khiến cho toàn xã hội bức xúc. Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) luôn “kêu” thiếu kinh phí cải tạo đường ngang. Tuy nhiên, kết luận của Thanh tra Bộ GTVT mới đây cho thấy, số tiền làm đường ngang, dù ít, đang bị xà xẻo đủ đường.

Có hạng mục tăng giá 610 lần

Bộ GTVT vừa có kết luận thanh tra công tác tổ chức, quản lý và thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 133 đường ngang trên toàn quốc năm 2015 theo Quyết định 994/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ do Tổng Cty ĐSVN làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 170 tỷ đồng.

Kết luận thanh tra do Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông ký ban hành chỉ ra nhiều sai phạm ở hầu hết các khâu của dự án này, trong đó có nhiều sai sót nghiêm trọng ngay từ khi lập dự án.

Kết quả thanh tra nêu rõ, hai đơn vị khảo sát thiết kế dự án (Cty KSTK công trình giao thông và Cty tư vấn và Thương mại Việt Hưng) đều có nhiều sai phạm. Chẳng hạn, tại điểm đường ngang, mặt đường còn tốt nhưng đơn vị khảo sát thiết kế đưa phương án đào bỏ toàn bộ mặt đường; trong khi chỉ cần giữ nền đường cũ, mở rộng một phần; thiết kế hệ thống tiếp địa (chống rò rỉ điện) hoàn toàn mới, không kết hợp với hệ thống hiện có. Đặc biệt, đối với đường ngang Km7+528, công tác khảo sát, thiết kế, thẩm định và phê duyệt ngoài phạm vi của dự án với giá trị lên tới gần 1 tỷ đồng.

Cùng đó, Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng đường sắt còn khảo sát sai một số hạng mục các đường ngang như đường ngang Km735+300, thiết kế sử dụng 3 cột điện lực, trong khi thực tế không phải sử dụng cột nào; đường ngang Km598+050, thiết kế sử dụng 3 cột điện lực, thực tế sử dụng 1 cột; cáp điện đi theo thiết kế 1.480m, nhưng thực tế chỉ sử dụng 80m. Với đường ngang Km7+528, công tác khảo sát, thiết kế ngoài phạm vi của dự án gây lãng phí không cần thiết cho dự án tới 225 triệu đồng.

Đặc biệt, thanh tra cũng xác định được nhiều sai phạm liên quan đến áp dụng đơn giá. Cụ thể, một số đường ngang sai đơn giá đất đắp; đường ngang Km252+085 tính sai đơn giá sản xuất thép hình cho tấm đan bê tông các loại; đường ngang Km81+215, Km90+400 tuyến đường sắt Yên Viên-Lào Cai tính sai đơn giá nhựa đường... Cá biệt, dự toán duyệt đơn giá 6.100 đồng/lít nước xây dựng; trong khi giá thị trường là 10 đồng/lít (tức đội giá gấp 610 lần). Tổng sai sót liên quan đến dự toán gần 600 triệu đồng.

Ngay cả công tác thẩm tra dự toán, ĐSVN cũng thuê các đơn vị không đủ năng lực. Chẳng hạn, Cty Đầu tư xây dựng Giang Đông đến thời điểm nhận công việc tại dự án chưa từng làm dự án tương tự, cán bộ thẩm tra không có bằng cấp phù hợp.

Chia nhỏ để chỉ định thầu, nhận quá lương kiêm nhiệm

Đoàn thanh tra cũng nêu rõ, Tổng Cty ĐSVN lập kế hoạch đấu thầu phân chia các gói thầu theo từng đường ngang, áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu là chỉ định thầu rút gọn (giá gói thầu dưới 500 triệu đồng) là chưa hợp lý, làm tăng chi phí tư vấn đầu tư xây dựng. Đoàn thanh tra cho rằng, ĐSVN nên gộp các đường ngang cùng khu vực, có tính chất kỹ thuật tương tự nhau thành các gói thầu.

Ngay cả với hạng mục bảo hiểm công trình, ĐSVN cũng chia thành 133 gói, dù theo đặc điểm và tính chất của công trình có thời gian thi công ngắn (khoảng 1 tháng), nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, giá trị bảo hiểm thấp nhưng chủ đầu tư vẫn thực hiện trình tự như 1 gói thầu là không phù hợp, làm tăng chi phí của các dự án.

Không chỉ làm thất thoát chi phí, trong quá trình thực hiện dự án, Tổng Cty ĐSVN không phân công một bộ phận chuyên trách, dẫn tới các tồn tại như nhân sự tham gia quản lý dự án còn thiếu một số chứng nhận quản lý. Thậm chí, kết luận nêu: Thời gian tổ chức thi công của dự án chủ yếu tập trung vào tháng 12/2015. Trong khi, có đến 36 người nhận lương kiêm nhiệm 12 tháng, nhiều người nhận lương kiêm nhiệm nhiều tháng ngoài thời điểm thi công dự án.

Kết luận thanh tra cũng nhận định: Trách nhiệm để xảy ra những tồn tại, sai sót trên thuộc về Tổng Cty ĐSVN và các ban nghiệp vụ liên quan; các đơn vị tư thiết kế, tư vấn giám sát, tư vấn thẩm tra trong quá trình quản lý thực hiện dự án. 

Lãnh đạo Bộ GTVT giao Tổng Cty ĐSVN rà soát giảm trừ giá trị dự toán duyệt, giá trị hợp đồng các gói thầu tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Giá trị giảm trừ các hạng mục được nêu cụ thể trong kết luận thanh tra là hơn 1,8 tỷ đồng, yêu cầu ĐSVN  tiếp tục rà soát...

Ngoài việc thu nộp lại tài chính, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cũng yêu cầu Tổng Cty ĐSVN và các ban, cá nhân liên quan nghiêm túc kiểm điểm những sai sót nêu trong kết luận thanh tra, đề ra những biện pháp khắc phục, xử lý trách nhiệm tập thể và cá nhân. Thời hạn thực hiện và báo cáo về Bộ GTVT kết quả trước ngày 31/3.

Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban ATGT quốc gia, trong tháng 2/2017 (trùng với cao điểm Tết nguyên đán), toàn quốc xảy ra 21 vụ tai nạn đường sắt (tăng gần 91% so với tháng 1/2017), làm 17 người chết, 16 người bị thương, trong đó có nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng. Các vụ tai nạn còn gây thiệt hại nặng nề cho phương tiện đường bộ, đoàn tàu, đường ray, gián đoạn toàn hệ thống đường sắt, thiệt hại nặng nề về kinh tế - xã hội.

Hầu hết các vụ tai nạn đường sắt đều liên quan đến đường ngang. Hiện toàn quốc có hơn 1.500 đường ngang hợp pháp (do Tổng Cty ĐSVN chịu trách nhiệm) và hơn 4.000 đường ngang bất hợp pháp (giao địa phương quản lý).

Mỗi năm, Tổng Cty ĐSVN được giao hơn 2.000 tỷ đồng để duy trì hệ thống đường sắt. Tuy nhiên, số tiền này chủ yếu được sử dụng cho việc vận hành, duy tu tuyến đường hiện có; một phần nhỏ dành nâng cấp đường ngang. Phần lớn các dự án cải tạo đường ngang, đảm bảo hành lang đường sắt, Tổng Cty ĐSVN đều được cấp thêm vốn.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
TPO - Về việc 500 hộ gia đình có nhu cầu cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nhiều năm chưa thể thực hiện do vướng điều chỉnh quy hoạch Sân bay Nội Bài, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại các quy định, sớm giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.