Tái hòa nhập, sợ nhất kỳ thị

Các cá nhân tiêu biểu chia sẻ những thuận lợi, khó khăn khi tái hòa nhập cộng đồng. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Các cá nhân tiêu biểu chia sẻ những thuận lợi, khó khăn khi tái hòa nhập cộng đồng. Ảnh: Tuấn Nguyễn
TP - Chia sẻ về những khó khăn khi tái hòa nhập cộng đồng của những người vừa chấp hành xong án phạt tù, nhiều người cho rằng rào cản lớn nhất đối với họ không phải là không có công ăn việc làm mà chính bởi sự kỳ thị, xa lánh của những người xung quanh.

Ngày 16/10, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị biểu dương mô hình, cá nhân điển hình thực hiện tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, sau 3 năm thực hiện Nghị định số 80 ngày 16/9/2011 của Chính phủ, công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù đã đạt được những kết quả tích cực.

Song, vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế xuất phát từ những nguyên nhân chủ yếu như cơ chế, chính sách còn chưa hoàn thiện; nhận thức, ý thức trách nhiệm của hệ thống chính trị, của cộng đồng xã hội đối với công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù còn chưa được quan tâm đúng mức.

Theo báo cáo của Trung tướng Cao Ngọc Oánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII, Bộ Công an), có 118 mô hình và 474 cá nhân điển hình, trong đó có 36 mô hình và 43 cá nhân tiêu biểu được Bộ Công an biểu dương, khen thưởng.

Giúp đỡ người cùng cảnh ngộ

“Trở ngại lớn nhất đối với chúng tôi là sự kỳ thị của xã hội. Tôi tràn đầy khát vọng sống nhưng lại bị chao đảo khi gặp phải ánh mắt kỳ thị của cộng đồng. Những người chấp hành xong án phạt tù không ít thì nhiều cũng bị tương tự”. 

Anh Võ Đại Nghĩa

Tại hội nghị, các cá nhân, tổ chức điển hình đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, khó khăn và thuận lợi khi tái hòa nhập cộng đồng.

Anh Lê Thừa Dương Hùng (SN 1973, ở xã Tân Hiệp, Hóc Môn, TPHCM) chia sẻ: “Tôi sinh ra không có cha. Một thời gian sau mẹ tôi lấy một người dượng nát rượu, hay đánh đập vợ con nên tôi bỏ nhà đi bụi, sống đầu đường, xó chợ. Từ năm 1992 đến 1997, tôi đã 3 lần phạm tội cố ý gây thương tích. Sau lần thứ ba thụ án, được sự động viên, giáo dục của cán bộ trại giam, tôi dần nhận ra lỗi lầm, quyết tâm sửa chữa, làm lại cuộc đời”.

Theo anh Hùng, sau khi được đặc xá tha tù trước thời hạn vào năm 2000, anh phải làm đủ nghề để kiếm sống nhưng không thành công. Sau đó, anh đi xin học nghề mộc, có xưởng họ không chấp nhận vì biết quá khứ không tốt đẹp, nơi nhận lại bắt phải nộp 5 chỉ vàng.

Không đào đâu ra tiền, Hùng cho biết anh tự mua dụng cụ về làm mộc. Năm 2005, anh thành lập được cơ sở điêu khắc gỗ Tịnh Tín. Đồng cảm với các em có hoàn cảnh cơ nhỡ không nơi nương tựa giống mình trước đây, anh Hùng tiếp nhận, giúp đỡ dạy nghề cho các em.

Tính từ năm 2005 đến nay, anh đã giúp đỡ, đào tạo nghề cho 187 lượt người, trong đó hơn 50 người ra tù và trên 20 người nghiện hồi gia. Hiện cơ sở của anh đang dạy nghề cho 27 em cơ nhỡ, trong đó có 3 em mới ra tù.

Sợ nhất ánh mắt kỳ thị

Anh Võ Đại Nghĩa (SN 1969, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) từng bị phạt 42 tháng tù giam về tội danh cố ý gây thương tích. Nhờ cải tạo tốt, tháng 4/2002, anh được đặc xá ra tù trước thời hạn. Quyết chí xây dựng lại cuộc sống, khởi đầu từ việc xin chăn nuôi dê, bò và nhận thù lao mỗi năm 6 con dê, đến năm 2007 anh tích lũy được một số vốn, cộng với sự giúp đỡ của người thân trong gia đình, anh thành lập Cty TNHH nông sản Anh Trung.

Hiện Cty của anh Nghĩa thu lợi nhuận hằng năm trên 500 triệu đồng, tài sản lên đến 2,5 tỷ đồng. Cty còn tạo việc làm ổn định cho hàng chục công nhân, vào vụ mùa chính lên đến 200 công nhân.

“Trở ngại lớn nhất đối với chúng tôi là sự kỳ thị của xã hội. Tôi tràn đầy khát vọng sống nhưng lại bị chao đảo khi gặp phải ánh mắt kỳ thị của cộng đồng. Những người chấp hành xong án phạt tù không ít thì nhiều cũng bị tương tự.

Vì vậy, đề nghị các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể ở địa phương cần quan tâm, thăm hỏi động viên họ, giúp họ những việc cần thiết như: Giới thiệu việc làm, bảo lãnh vay vốn làm ăn… để họ sớm hòa nhập với cộng đồng, sống lương thiện” - anh Nghĩa bày tỏ.

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.