Tái diễn hình thức quảng cáo bằng xe bịt bùng, diễu phố Hà Nội

Xe quảng cáo dự án bất động sản rong ruổi trên phố
Xe quảng cáo dự án bất động sản rong ruổi trên phố
TPO - Thời gian gần đây, các con phố Hà Nội lại tiếp tục xuất hiện các xe khách cỡ lớn dán tràn quảng cáo, không chở người, di chuyển trên phố nhằm mục tiêu quảng cáo. Đây là hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo, giao thông và gây ùn tắc đường phố và liên tục bị cơ quan chức năng xử lý. 

Gần đây, trên các tuyến phố Hà Nội liên tục xuất hiện các xe khách cỡ lớn, dán kín hầu hết toàn bộ xe chỉ trừ lốp và phần kính lái quảng cáo cho dự án bất động sản của Công ty cổ phần Tập đoàn Sunshine. Các xe này di chuyển liên tục qua nhiều tuyến phố nội thành Hà Nội cả giờ cao điểm và thấp điểm, làm gia tăng thêm áp lực giao thông. Dù xe được dán phù hiệu "xe hợp đồng" nhưng bên trong không có khách. 

Sau khi nhận được phản ánh của Tiền Phong, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Sunshine cho biết đã kiểm tra và cho dừng ngay hoạt động quảng cáo này. Đại diện doanh nghiệp này cũng lý giải, hình thức này do các đơn vị quảng cáo bên ngoài mời chào và bản thân doanh nghiệp chưa từng thực hiện loại hình quảng cáo này, chưa biết rằng đây là việc vi phạm các quy định của Nhà nước.

Tái diễn hình thức quảng cáo bằng xe bịt bùng, diễu phố Hà Nội ảnh 1

Dán kín xe, chạy lòng vòng trên phố là sai quy định, gây ùn tắc giao thông

Gần đây, lực lượng CSGT Hà Nội cũng đã xử lý một số trường hợp vi phạm dạng này. Cụ thể, ngày 30/9/2020, tại 129 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Đại úy Nguyễn Văn Đức, cán bộ Đội CSGT số 7 đã tiến hành tạm giữ giấy phép lái xe của anh Công Quý Cương (Bắc Giang), anh Hoàng Văn Dũng (Bắc Ninh).

Ngày 13/10/2020, tại số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Thượng úy Đỗ Hữu Đức, Cán bộ đội CSGT số 3 đã thu giữ 1 giấy phép lái xe, 1 giấy chứng nhận kiểm định an toàn phương tiện giao thông của anh Lê Quang Vịnh (Bắc Ninh) và yêu cầu buộc dỡ bỏ quảng cáo.

Tái diễn hình thức quảng cáo bằng xe bịt bùng, diễu phố Hà Nội ảnh 2 Một xe quảng cáo cho siêu thị Điện máy Xanh cũng từng được Tiền Phong phản ánh dán bịt bùng, diễu phố, sai quy định 

Trước đây, báo Tiền Phong cũng có bài về việc dán quảng cáo tràn kín xe, nguy cơ mất an toàn giao thông trên đường Thái Hà, Hà Nội. Một chiếc xe 45 chỗ phủ kín quảng cáo của hệ thống siêu thị Điện máy xanh di chuyển; một chiếc ô tô 45 chỗ dán hình quảng cáo cho bộ phim “Người nhện xa nhà” rong ruổi trên nhiều tuyến phố Hà Nội; các xe trung chuyển cư dân của một hệ thống đô thị ở Hưng Yên ra vào trung tâm Hà Nội cũng được dán quảng cáo dịch vụ, sản phẩm phủ kín kính hai bên thành xe; xe buýt công cộng cũng xuất hiện hình thức quảng cáo tràn kính lên hai bên thành xe.

Lâu nay khái niệm sơn hoặc dán đề can thân xe chỉ hiểu là sơn, dán ở hai bên thân xe, tập trung nhất là ở hai bên cánh cửa lên xuống. Nhưng gần đây, nhiều xe chỗ nào sơn được là sơn, chỗ nào dán được là làm, việc dán đề can phủ toàn bộ kính sau của xe, che cả ô kính mà người lái có thể nhìn kính chiếu hậu bên trong xe. Việc dán đề can quảng cáo này ẩn chứa nguy cơ gây mất an toàn. Việc các xe cỡ lớn, không chở khách, chỉ phục vụ mục tiêu quảng cáo cũng gây áp lực cho giao thông.

Dán đề can bao quanh xe vi phạm các quy định nào, xử lý ra sao?

Điều 32 Luật Quảng cáo 2012 quy định: “Không được thể hiện sản phẩm quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện giao thông. Sản phẩm quảng cáo không được vượt quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông. Việc thể hiện biểu trưng, logo, biểu tượng của chủ phương tiện giao thông hoặc hãng xe trên phương tiện giao thông phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông.”

Khoản 2 Điều 55 Luật Giao thông đường bộ 2008: “Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo (nhà sản xuất) hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”. Chuyên gia giao thông nhận định: Với các xe quảng cáo dán kín kính phía sau sẽ che tầm quan sát của gương chiếu hậu, việc quảng cáo trên kính sẽ hạn chế tầm nhìn, khiến cho hành khách phía trong không quan sát, phán đoán được tình hình phía ngoài xe để có phản ứng phù hợp. Đặc biệt, khi xe ôtô xảy ra tai nạn, nếu chất liệu quảng cáo không đảm bảo, hành khách sẽ không thể đập vỡ kính để thoát hiểm. Việc dán quảng cáo toàn bộ xe cũng vi phạm quy định về việc tự ý thay đổi màu sơn xe.

Về mức xử phạt, điểm a khoản 1 Điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định: Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với cá nhân, từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với tổ chức là chủ ô tô tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn của xe không đúng với giấy đăng ký xe.

Điều 61 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo quy định: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi quảng cáo tại mặt trước, mặt sau và trên nóc của một phương tiện giao thông; quảng cáo vượt quá diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của một phương tiện giao thông theo quy định. Buộc tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.

MỚI - NÓNG