Ông Lịch cho rằng, gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương-TPP là một tín hiệu rất đáng mừng cho Việt Nam, tuy nhiên, TPP muốn có hiệu lực thì phải được Quốc hội 12 nước phê chuẩn. Nhiều khả năng, phải từ giữa năm 2016 tới đầu năm 2017 thì TPP mới chính thức có hiệu lực.
Đại biểu Quốc hội, TS. Trần Du Lịch. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Việc gia nhập TPP sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế của Việt Nam, thưa ông?
Trong những tháng cuối năm, đầu năm tới, tâm lý thị trường sẽ tốt hơn, vì TPP có ý nghĩa rất quan trọng đối với một nền kinh tế hướng vào xuất khẩu như Việt Nam. Đồng thời nó cũng mở ra một sự chuyển động lớn, đặc biệt với một số ngành như da giày, dệt may. Trong đó có những nước mà triển vọng xuất khẩu của Việt Nam rất lớn, ví dụ như Hoa Kỳ. Lúc đó thị phần DN Việt Nam ở một số thị trường sẽ mở ra.
“TPP đòi hỏi một sự tự do thương mại cao hơn. Nghĩa là khi người ta mở cửa cho mình thì mình cũng phải mở cửa cho người ta. Lúc đó chúng ta phải cạnh tranh gay gắt ngay trên sân nhà”.
TS Trần Du Lịch
Với đặc điểm TPP là một loại hình thương mại tự do cao nhất mà tới nay các nước đã cam kết, sẽ thúc đẩy DN cũng như Chính phủ Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh ở trong nước. Do đó, chúng ta phải tiếp tục đổi mới thể chế, cải thiện môi trường đầu tư để giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh, thay đổi về mặt chiến lược sản phẩm, thị trường, trong đó có thị trường nguyên liệu. Chẳng hạn trước đây nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ thì bây giờ phải thay đổi xuất xứ, phải nâng tỷ lệ nội địa hóa lên.
Theo ông Việt Nam cần phải chuẩn bị những gì trong thời gian tới?
Chúng ta phải chuẩn bị ba việc. Thứ nhất, bắt buộc phải có một công bố chi tiết tuyên truyền những thách thức và cơ hội cũng như chi tiết nội dung mà chúng ta đã ký kết TPP. Để từ đó DN có thể hiểu được chỗ nào là cơ hội, chỗ nào là thách thức.
Thứ hai, phải xem lại toàn bộ khung pháp luật hiện nay xem cái gì chưa tác động tốt cho môi trường đầu tư. Thứ ba, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề, phải thay đổi phương thức đào tạo để giúp DN giảm chi phí.
Đó là những việc mà Chính phủ, DN phải làm, vì TPP cơ hội rất lớn nhưng thách thức cũng rất nhiều. Năng suất lao động của chúng ta hiện nay thấp nhất, thì phải nâng cao lên. Rồi khi mở cửa thị trường sẽ trở thành thách thức ngay với thị trường trong nước. Do vậy phải tính toán lại trên một tổng thể để có thể hưởng lợi từ TPP.
Tôi xin nhấn mạnh rằng, gia nhập TPP, Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất. Những thách thức bên cạnh đó cũng rất lớn, nhưng vì sao chúng ta tin sẽ mang lại thành công? Khi gia nhập WTO, nhiều người cũng lo lắng chúng ta không cạnh tranh nổi, nhưng thực tế cho thấy DN Việt Nam lớn mạnh hơn nhiều. TPP có trình độ cao hơn thì Việt Nam sẽ phải có mức phấn đấu cao hơn. Thường khi ít thách thức thì chúng ta chần chừ, nhưng khi đứng trước thách thức lại luôn nỗ lực rất cao, đó là đặc điểm của DN Việt Nam hiện nay.
Các nước kỳ vọng thỏa thuận này sẽ góp phần nâng cao mức sống của người dân, đặc biệt đối với dân nghèo?
Chắc chắn rồi, vì tác động của nó là rất lớn mà việc đầu tiên là nó tạo ra rất nhiều việc làm. Chính điều này sẽ giúp xóa đói giảm nghèo tốt nhất. Đó là cơ hội để một bộ phận nông dân đang thiếu việc làm sẽ có việc làm.
Ông kỳ vọng gì vào việc minh bạch hóa của nền kinh tế, đặc biệt trong mua sắm Chính phủ, quản trị DN nhà nước?
TPP buộc chúng ta phải minh bạch, phải hướng tới một nền kinh tế lành mạnh, tránh chuyện gian dối kiểu hàng giả, hàng nhái. 11 nước còn lại đều có trình độ phát triển về thị trường rất cao, chúng ta phải hướng tới một nền kinh tế thị trường như họ. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại.
Cảm ơn ông.
Chứng khoán “phấn khích” vì TPP
Thông tin đàm phán hiệp định TPP kết thúc thành công được công bố chính thức đã giúp thị trường chứng khoán trong nước có phiên giao dịch ngày 6/10 bùng nổ cả về điểm số và thanh khoản.
Chỉ số VnIndex đóng cửa phiên giao dịch tăng 11,29 điểm (1,98%) lên 581,29 điểm; HNX-Index tăng 1,65 điểm (2,09%) lên 80,47 điểm. Tâm lý tích cực đẩy thanh khoản thị trường tăng vọt lên 240 triệu đơn vị, ứng với giá trị 3.677 tỷ đồng.
Không chỉ các cổ phiếu được cho là hưởng lợi từ TPP như ngành dệt may, thủy sản, logistic mà các cổ phiếu bluechip cũng có giao dịch mạnh và tăng giá tích cực. Tuy vậy, trái với tâm lý hứng khởi của nhà đầu tư trong nước, khối ngoại giao dịch khá dè chừng khi chỉ mua ròng 5,6 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Khánh Huyền