Sưu tập mang tên “Việt Nam”

Khán giả của Chambord ngỡ ngàng trước tà áo dài thiếu nhi Việt Nam. Anh: Đặng Tiến
Khán giả của Chambord ngỡ ngàng trước tà áo dài thiếu nhi Việt Nam. Anh: Đặng Tiến
TP - Nhà thiết kế Minh Hạnh có mơ ước thầm lặng: Để áo dài nói riêng và thời trang Việt Nam nói chung được hiện diện ở những nơi đẹp nhất, văn hóa nhất.

Hai năm trước đi Pháp, có dịp tham quan lâu đài cổ Chambord, Minh Hạnh tự nhủ: Phải trình diễn ở nơi này. Vua Sáo trong truyện cổ nước Đức đi đến đâu chỉ “đất của tôi” đến đấy, còn Minh Hạnh chỉ có mơ ước thầm lặng: Để áo dài nói riêng và thời trang Việt Nam nói chung được hiện diện ở những nơi đẹp nhất, văn hóa nhất.

Hai lâu đài cổ và những cái “đầu tiên”

Trình diễn ở Chambord là dự định không tưởng - nhiều người nói vậy. Chambord là tòa lâu đài cổ kính nằm ở thung lũng Loire thành phố Blois, được UNESCO xếp hạng Di sản Thế giới từ năm 1981, mỗi ngày đón khoảng 3 ngàn khách tham quan, chưa bao giờ tiếp nhận sự kiện gì na ná thời trang.

Thế rồi vào tháng 9/2013, nhiều cái đầu tiên đã diễn ra. Nhiều người phát biểu lần đầu tiên thấy một chất liệu Việt Nam quý giá, không có ở bất cứ đâu trên thế giới: thổ cẩm, lanh... Lần đầu tiên thấy người mẫu Việt Nam, tận mắt thấy một tà áo dài, nhất là áo dài thiếu nhi.

Khách tham quan tình cờ có mặt và người phục vụ lâu đài đều suỵt suỵt không dám lớn tiếng, về sau họ giải thích, đó là vì lòng kính trọng một di sản đầy giá trị tinh thần cùng hiệu quả kinh tế cao. Một phụ nữ Việt kiều đến xem trên xe lăn, khóc vì nhớ nhà, nhớ tà áo của mẹ của chị ngày xưa. “Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó”, ai đó đã hát như vậy.

Không chỉ áo dài mà còn là những sưu tập có tính khuynh hướng, cập nhật xu hướng thế giới. Trong không gian cổ kính, những bộ váy áo lộng lẫy khoác trên mình người mẫu đủ màu da quốc tịch, được trợ giúp của những chú ngựa chân to nổi tiếng vùng sông Loire, có lúc lại phối với cánh diều Huế, khiến khán giả vô cùng thích thú.

Sưu tập mang tên “Việt Nam” ảnh 1

Trang phục Việt và diều Huế ở Turin Ảnh Đặng Tiến.

Turin, cố đô nước Ý là điểm dừng chân tiếp theo của Minh Hạnh cùng hai nhà thiết kế trẻ Công Khanh, Trọng Nguyên. Sàn diễn cũng là di sản thế giới - lâu đài Borgomme bên dòng sông chảy qua thành phố.

Khán giả là những nhân vật quan chức quan trọng nhất Turin, nhà khoa học, nhà hoạt động văn hóa. Đương nhiên cả kiều bào.

Xem xong, ông Thị trưởng Turin xúc động: “Trong sự phát triển của Việt Nam thì thời trang được đánh giá là lĩnh vực bất ngờ nhất, cho đến hôm nay chứng kiến cuộc trình diễn của các bạn, tôi mới hiểu hết điều ấy”.

Lộng lẫy góc phố Ý

Giữa tháng 11 trong năm, một hôm đoạn phố Lê Phụng Hiểu giáp Lý Thái Tổ - Hà Nội được quây lại để phục vụ một cái đầu tiên nữa.

Lần đầu tiên, góc phố Y - tên người Ý đặt cho đoạn phố “của mình” - do có sứ quán và nhà riêng đại sứ, đã biến thành sàn diễn thời trang lung linh độc đáo với đèn nến ở vệ đường, piano kê sát lề đường.

Chiếc piano này sẽ được pianist Phó An My chơi đầy ngẫu hứng trên nền tung bay của những tà áo đầy cảm hứng sáng tạo. Khán giả ngự trên ghế phủ vải trắng muốt kê vỉa hè hoan hỉ thấy mình may mắn được dự phần vào đêm “Những thiên thần nước Ý”.

Ngài đại sứ và những người đàn ông lịch lãm đồng sự của ông không tham gia trình diễn như lần trước ở KS Metropole, nhưng cũng có cử chỉ và lời nói nồng nhiệt dành cho sáng tạo của Minh Hạnh và Công Khanh.

“Thời trang, đó còn là nghệ thuật, là lịch sử. Thời trang từng đóng vai trò chưa xứng đáng trong quan hệ hai nước, từ nay sẽ khác”- đại sứ Lorenzo Angeloni nói.

“Thời trang, đó còn là nghệ thuật, là lịch sử. Thời trang từng đóng vai trò chưa xứng đáng trong quan hệ hai nước Việt Ý, từ nay sẽ khác”

Lorenzo Angeloni, Đại sứ Ý tại Việt Nam

Kể từ năm 2012, đại sứ quán Ý đã biến chương trình hợp tác xuân thu nhị kỳ với Minh Hạnh thành sự kiện thường niên. Những kỳ tích kiến trúc nghệ thuật của Ý đều từng hiện hữu trên những bộ trang phục Việt Nam, gây hiệu ứng đặc biệt.

Ý tưởng của Minh Hạnh- trình diễn trên con phố đẹp của Hà Nội, biết đâu sẽ trở thành một “tập quán”, tất nhiên là với sự cho phép của UBND thành phố.

Nhớ hồi nào tại Festival Huế, ý tưởng trình diễn áo dài đi bộ trên cầu Tràng Tiền cũng là sự kiện ở cố đô. Minh Hạnh còn có mơ ước tà áo dài “vừa bản sắc vừa hiện đại” sẽ được những cô gái Huế có gương mặt trong vắt trình diễn trong những đại cảnh, bố cục lạ lẫm hơn nữa ở Festival Huế, trên nền nhạc Con đường cái quan của Phạm Duy.

Chịu không nổi thì làm sao?

Mỗi năm, Minh Hạnh- người coi vai trò tiên phong trong lĩnh vực thời trang của mình như số phận không thể tránh khỏi, thường tổ chức những chuyến du diễn tại các trung tâm thời trang lớn của thế giới, kết hợp đưa đàn em thiết kế đến học hỏi.

Quang Huy, Thương Huyền - những nhà thiết kế trẻ của Hà Nội trong ngôi nhà chung Vietnam Designer House, kể: “Đi Quảng Châu, bọn em vắt chân lên cổ không kịp cô. Toàn bị cô “đập đầu vào tường” xui mua cái này cái nọ bởi đẹp và rẻ vậy, chịu sao nổi”.

“Chịu sao nổi”, ngán ngẩm bởi đi đến đâu thấy “người ta làm hết cả rồi, còn gì cho mình làm nữa đây”. Nói vậy chứ chính vì gi gỉ gì gi cái gì cũng có ở thủ phủ thời trang Trung Quốc này, nơi cung hàng cho cả thế giới, mà “mình muốn tồn tại thì phải làm khác đi”.

Có câu “buôn ve chai, bán cẩm lai” trong nghề thiết kế, nghĩa là vốn bỏ ra ít nhưng lãi khủng cả về danh tiếng, tiền bạc? Minh Hạnh: “Câu đó vừa đúng vừa không đúng. Nếu được thiết kế đúng, chất liệu bình thường có thể làm nên sản phẩm cực kỳ giá trị, đúng là “cẩm lai”. Ngược lại chất liệu quí giá đến đâu nhưng không được thiết kế đúng, sẽ trở nên tầm thường, gây phản ứng ngược”.

Xem bộ sưu tập của Công Khanh, Quang Nhật trong Tuần lễ Thời trang Xuân hè cuối năm ở Hà Nội, hiểu vì sao họ được Minh Hạnh đặt niềm tin, trao giải Ngôi sao Thiết kế Việt Nam (Quang Nhật) hoặc cùng chị du diễn khắp thế giới (Công Khanh).

Với Minh Hạnh, từ cái thiệp mời, túi đựng quà cũng phải đẹp, độc đáo! Ví dụ thiệp mời họp báo có thể là chiếc khăn lụa màu mốt năm nay, trên đó in thông tin sự kiện “hữu hạn” nhưng ai cũng muốn đeo nó không chỉ một mùa. 

Vé mời sự kiện thời trang cuối năm là tờ lịch in trên vải mềm để trong nhà cả năm; hoặc thiệp bằng bìa cứng đính đá. Có người xuýt xoa thích thú rồi bảo: Cũng chỉ là giấy mời thôi mà, rồi cũng phải cho vào sọt rác. Minh Hạnh quan niệm “trước khi cho vào sọt rác cũng phải đẹp đã”.

Trong sô thời trang quốc tế ở Quảng Châu hồi tháng 8, Minh Hạnh mang đi nhiều bộ da cá sấu giá thành vài ngàn đô/bộ. Hình ảnh hoa sen - quốc hoa tương lai, được dùng làm nền khi người mẫu trình diễn.

Người mẫu Trung Quốc, Nga, Ucraina xúng xính trong những bộ váy áo không lẫn vào đâu được, và bao giờ Minh Hạnh cũng chọn những cô gái có nét mũi, miệng nhỏ nhắn xinh đẹp để mặc áo dài, còn trang phục khác thì không cần để ý lắm. Áo dài quan trọng thế!

Bởi áo dài, đó là hồn cốt tinh hoa của người Việt trải bao đời. Về cuộc chinh phục dài hơi của mình cũng như của thời trang Việt Nam, chị tâm niệm: Phải chinh phục bằng bản sắc văn hóa cộng với tính hiện đại được cập nhật luôn luôn. Không vì “truyền thống, bản sắc” mà lại đưa ra hình ảnh cũ kỹ, thiếu sáng tạo. Bởi mọi người trên thế giới này đều mong muốn tiếp cận cái mới cái lạ để rồi khám phá tiếp.

Thời trang, đó không chỉ là thời trang, với Minh Hạnh thời trang chính là văn hóa. Vậy chị có cho rằng thiếu văn hóa là thiếu tất cả? “Đó là chân lý, đó là sự vĩnh cửu”.

MỚI - NÓNG