Suối đổi màu, cá chết hàng loạt vì doanh nghiệp xả thải

Bể xả của Cty Nguyên Hồng, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: DC
Bể xả của Cty Nguyên Hồng, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: DC
TPO - Dòng suối khu vực biên giới Khuổi Luông bỗng nhiên chuyển màu trắng đục, cá chết hàng loạt. Các ngành chức năng Lạng Sơn xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do 2 doanh nghiệp, xưởng chế biến gia súc xả thải chưa qua xử lý.

Chiều qua (30/11), Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Lạng Sơn chủ trì cuộc họp với các ngành chức năng, UBND huyện Văn Lãng, Lạng Sơn để xác định nguyên nhân dòng suối Khuổi Luông (xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng) bỗng có màu trắng đục và cá chết hàng loạt.

Qua kết quả phân tích mẫu nước từ dòng suối và mẫu nước công ty CP Thương mại sản xuất da Nguyên Hồng (gọi tắt là công ty Nguyên Hồng) chưa qua xử lý xả thải ra dòng suối, các ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn sơ bộ xác định: Dòng suối đổi màu, cá chết là do nồng độ ô xy hòa tan trong nước (gọi tắt là Đ.O) thấp hơn mức cho phép. Xác định từ điểm xả thải của công ty Nguyên Hồng đến khu vực cầu Bản Trang (xã Tân Mỹ) dài chừng 2 km, xuất hiện cá chết.

Suối đổi màu, cá chết hàng loạt vì doanh nghiệp xả thải ảnh 1 Sau khi xả thải, cá chết hàng loạt. Ảnh: DC

Như Tiền Phong đã thông tin, sáng sớm ngày 22/11, đoạn suối Khuổi Luông chảy qua địa phận xã Tân Mỹ xuất hiện màu trắng đục và có mùi hôi khiến cá chết. Đoàn công tác của tỉnh đến hiện trường kiểm tra, giám sát, lấy mẫu phân tích môi trường, xác định nguyên nhân.

Công ty Nguyên Hồng thừa nhận lúc 23h ngày 21/11 đến 1h sáng ngày 22/11, họ đã xả thải khoảng 50m3 nước chưa qua xử lý xuống dòng suối.

Bên cạnh công ty Nguyên Hồng, các ngành chức năng cũng xác định xưởng sơ chế lòng lợn của hộ kinh doanh Hoàng Văn Định đã xải thải nước bẩn xuống suối Khuổi Luông.

Tỉnh Lạng Sơn tiến hành xử phạt hành chính đối với công ty Nguyên Hồng và hộ kinh doanh Hoàng Văn Định; đồng thời yêu cầu các đơn vị này nghiêm túc thực hiện việc quản lý nước thải, không để xả thải tự do ra môi trường; có các biện pháp tích cực để phục hồi thủy sinh dòng suối biên giới Khuổi Luông.

MỚI - NÓNG