Sửng sốt!

Sửng sốt!
TP - Có hai sinh linh bé bỏng cất tiếng khóc, chào cuộc đời này, làm sửng sốt, mà là sửng sốt của vui mừng, với những người chứng kiến. Hai bé trai sinh đôi, kết tinh sức mạnh của y học và sự kỳ diệu của tình yêu. Chuyện người sống thụ tinh với người chết, sinh con khỏe mạnh!

Chuyện được tiến sỹ, bác sỹ nam học Lê Văn Vệ, Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, kể lại. Bốn năm trước, một người đàn ông chết khi băng qua đường ray. Người vợ đau đớn, ngất lịm.

Khi tỉnh lại chị lập tức tìm cách liên hệ với bác sỹ nam khoa, yêu cầu giữ lại tinh trùng của chồng. Bác sỹ Vệ, là người nhận điện thoại và thực hiện yêu cầu của người phụ nữ ấy. Tinh trùng sau đó được lưu trữ ở âm 196 độ C và được chăm sóc hằng tháng. Mãn tang chồng, người phụ nữ này gặp bác sỹ Vệ đề đạt nguyện vọng muốn sinh con với người chồng đã chết bằng cách thụ tinh ống nghiệm.

Phép màu đã xảy ra. Người phụ nữ ấy có thai. Ngày 9/12/2013 chị sinh đôi và mẹ tròn con vuông. Người trong cuộc gọi đó là thành tựu y học trong lĩnh vực sinh sản, chưa từng có ở Việt Nam. Giáo sư, Tiến sỹ Thomas D’Hooghe, Đại học Leuven (Bỉ), nơi có bệnh viện trực thuộc trường, với 2.000 giường bệnh, vừa đến Việt Nam dự hội thảo, thốt lên: “Tôi làm ở bệnh viện từ năm 1984. Suốt ngần ấy năm và trước đó ở Bỉ, tôi chưa từng thấy ca thụ tinh ống nghiệm nào đặc biệt như vậy”. Vị giáo sư này ngạc nhiên về sự “đặc biệt” trong y học hay vì tình yêu người phụ nữ ấy dành cho chồng?

Người phụ nữ ấy là ai? Chị là Hoàng Thị Kim Dung, tiến sỹ, giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Những ngày du học ở Pháp, chị đọc được cuốn sách, trong đó có chi tiết người đàn ông chết đột ngột, người ta lấy tinh hoàn vùi vào tuyết, sau đó mang đến bệnh viện lọc tinh trùng để thụ tinh cho vợ sinh con. “Chi tiết định mệnh” ấy giúp chị hiến tặng cuộc đời này sự kỳ diệu cho y học và tình yêu!

Khởi nguồn từ tình yêu và tất cả vì tình yêu với chồng, chị mới nghĩ ra được việc “thụ tinh với người chết”. Trong tình huống ngặt nghèo ấy, bằng tình yêu và trí tuệ, nữ tiến sỹ ấy mới nhớ đến cái chi tiết lập tức “cứu tinh trùng” vốn nằm đâu đó trong ngồn ngộn chi tiết ở sách vở mà chị đọc qua nhiều năm tháng. Chị đã chiến thắng thần chết ở một góc độ khác, khi giữ lại cho người chồng yêu quý hai giọt máu cuối cùng.

Trong những cuộc kiến thiết sau đổ nát như động đất, sóng thần... thì hàn gắn mất mát trong lòng người là khó nhất. Khi đó, người ta thường vịn vào những câu chuyện cụ thể thấm đẫm tình người để đứng dậy và đi tiếp. Sau những đổ nát, mất mát, chị đã kiến thiết lại đời mình, hàn gắn mất mát, tạo niềm tin cho người thân về một ý nghĩa sống khác. Một lối thoát “tốt đẹp đến sửng sốt”.

Có câu “khi trái tim không hướng đến thì mắt thường không nhìn thấy”. Chúng ta không yêu quý, không quan tâm thứ gì đó thì đôi mắt sẽ “mù” đi một cách vô cảm. Với tình yêu của mình dành cho chồng, đôi mắt chị đã thấy cả những thứ mà những đôi mắt chuyên môn y học cũng khó thấy. Tình yêu đã soi sáng cuộc đời chị, soi sáng cho khoa học...

Chị đã mang đến cho cuộc đời này câu chuyện về giá trị sống từ “bi kịch” của đời mình. Cảm ơn chị, “người phụ nữ vô danh”!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG