Trước câu hỏi của phóng viên về khả năng thải ra các kim loại nặng với nồng độ lớn trong quá trình tẩy rửa và thụ động hóa bề mặt kim loại của Công ty Formosa, ông Nguyễn Xuân Sinh cho biết, vấn đề này đã được đại diện của Cục Hóa chất tham gia vào đoàn kiểm tra liên ngành (do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì) tiến hành xác định.
Tuy nhiên theo ông Sinh, về mặt kỹ thuật, việc tẩy rửa và thụ động hóa bề mặt kim loại của các nhà máy đều như nhau. Quá trình tẩy rửa, thụ động hóa bề mặt kim loại sẽ gồm nhiều bước như tẩy rửa làm sạch dầu mỡ bằng axit và chất kiềm mạnh, thụ động hóa bề mặt kim loại. Ở bước này sẽ làm sạch các oxit kim loại và phosphate hóa bề mặt để bảo vệ mặt thép và đường ống. Trong quá trình này có thể sử dụng nhiều hóa chất và chắc chắn sẽ thải ra các kim loại nặng. Về quy định thì tất cả các chất thải này phải được xử lý trước khi ra ngoài môi trường.
Formosa chưa được phê duyệt kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất
Theo ông Đào Nhật Đình, chuyên gia kỹ thuật môi trường, ông đã tra cứu danh mục các hóa chất mà Formosa nhập về thì thấy có nhiều nhóm hóa chất khác nhau như chất trợ dung, trợ đúc, thường là graphite, đá vôi (dùng khi lò cao của nhà máy đã đi vào hoạt động), phụ gia làm mát dùng tuần hoàn kín, chất chống gỉ, kháng khuẩn. Trong đó, theo ông Đình, cần quan tâm đến chất chống gỉ, kháng khuẩn vì có thể dùng làm sạch đường ống thải ra các hóa chất độc hại.
Liên quan đến việc giám sát sử dụng hóa chất của Formosa, ông Nguyễn Xuân Sinh cho biết, theo Thông tư 20/2013 quy định về biện pháp và kế hoạch phòng ngừa sự cố hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp, tất cả các doanh nghiệp sử dụng hóa chất đều phải lập kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Tất cả các hóa chất được nhà máy sử dụng phải kê khai trong văn bản này. Văn bản sẽ được Bộ Công Thương thẩm định và phê duyệt, sau đó được sao lưu tại Bộ Công Thương, Sở Công Thương.
Sở Công Thương sẽ làm đơn vị thực hiện giám sát hoạt động sử dụng, bảo quản hóa chất và báo cáo lên Bộ Công Thương hàng năm. Phía Công ty Formosa đã lập một kế hoạch này và trình lên Bộ Công Thương. Tuy nhiên, Bộ Công Thương chưa phê duyệt mà yêu cầu công ty phải chỉnh sửa cho phù hợp với các quy định đã ban hành, ông Sinh cho biết.
Kiểm soát, giám sát nước thải còn lỏng lẻo
Tại tọa đàm sáng qua, nhiều chuyên gia đồng tình quan điểm hệ thống giám sát, kiểm soát xả thải ở Việt Nam còn lỏng lẻo. Theo TS Trần Thế Loãn, nguyên Phó cục trưởng phụ trách Cục Kiểm soát ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường, luật pháp của ta quy định nhiều để quản lý các nguồn thải nhưng quy định là một chuyện, năng lực thực thi của cơ quan nhà nước là chuyện khác, chưa đáp ứng được nhu cầu dẫn đến chuyện này, chuyện kia. Ông Loãn cũng cho biết, số lượng các cơ sở xả trộm trong thực tế nhiều hơn nhiều số doanh nghiệp bị cơ quan chức năng phát hiện xả trộm.
Theo ông Nguyễn Xuân Sinh, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương, năng lực của cơ quan theo dõi kiểm soát quản lý hiện nay chưa tốt. Ý thức giữa các doanh nghiệp đầu tư ở Việt Nam còn khác nhau. Các doanh nghiệp của Nhật Bản, châu Âu ý thức tốt, không cần công cụ giám sát vì ý thức của họ cao rồi. Doanh nghiệp châu Á và Việt Nam thì không được như vậy. Trong khi đó, chúng ta không thể trông mong vào ý thức của doanh nghiệp vì đầu tư, vận hành xử lý nước thải, khí thải là tốn kém. Vẫn diễn ra nhiều tình trạng khi có đoàn kiểm tra đến thì vận hành tốt, đi rồi thì xả trộm.
Theo ông Sinh nên thiết lập hệ thống kiểm soát trung gian, tức là không chỉ nhà đầu tư, cơ quan chức năng nắm được các thông số xả thải mà người dân, cảnh sát môi trường cũng có thể giám sát việc xả thải thông qua một số thông số vật lý dễ nhận biết.