Hà Nội:

Sức mua hàng Tết yếu

Dù sức mua yếu nhưng giá các loại thịt tăng từ 10-30%. Ảnh: Phong Cầm
Dù sức mua yếu nhưng giá các loại thịt tăng từ 10-30%. Ảnh: Phong Cầm
TP - Hiện, đã vào dịp cao điểm sắm Tết nhưng sức mua tại các chợ truyền thồng, siêu thị, hội chợ Xuân đều giảm so với năm trước.

Đồ khô ế ẩm

Theo khảo sát của PV Tiền Phong, tại các chợ truyền thống như Ngọc Hà (Ba Đình), Nghĩa Tân (Cầu Giấy), Phùng Khoang (Hà Đông)... cho thấy tình hình buôn bán ế ẩm dù Tết đã cận kề. Sáng 23/1, tại chợ Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội), cả dãy ki ốt dài bán miến gạo, mộc nhĩ, nấm hương không một bóng khách vào ra. Tiểu thương ngồi buôn chuyện, đọc báo, thêu thùa vì vắng khách. Ghé vào sạp đồ khô hỏi mua hàng, chị Linh chủ cửa hàng bỏ ngay tờ báo đang đọc xuống mừng rỡ ra mặt. “Cửa hàng chị chỉ còn nấm loại 2 giá 400.000 đồng/kg, còn nấm loại 1 cao hơn 50.000 đồng/kg đã bán hết. Năm nay bán chậm nên chị nhập ít. Mỗi loại chỉ lấy vài cân để phục vụ Tết”, chị Linh nói.

“Hiện, đang bước vào đợt cao điểm mua sắm Tết, các siêu thị đều tăng nguồn hàng dự trữ nhưng nhu cầu mua sắm của người dân không cao.

Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú

Có mặt tại quầy thực phẩm đồ khô tại chợ Long Biên (Hà Nội) cả buổi sáng nhưng chỉ có vài ba khách hỏi mua hàng, một vài người hỏi giá tham khảo. Chị Nguyễn Thị Hiền, chủ cửa hàng bán thực phẩm khô tại chợ Long Biên buồn bã nói: “Những năm trước, vào thời điểm này, tuy không phải chen lấn như những ngày cận Tết người dân cũng nhộn nhịp mua sắm. Còn năm nay, gần 1 tuần nữa đến Tết mà khách đi qua chỉ hỏi giá tham khảo, không thấy mua. Tôi không dám nhập hàng nhiều vì lượng khách mua chỉ cầm chừng. Cả ngày may ra có chục khách vào mua hàng”.

Cùng chung cảnh ngộ, các tiểu thương tại chợ Hôm (Hai Bà Trưng, Hà Nội) ngồi thảnh thơi vì không có khách. Còn quầy hàng bán ô mai, mứt khô của bác Thư chào mời khách hết lời mỗi khi gặp khách. “Chưa năm nào ế như năm nay. Hy vọng đến 27, 28 Tết khách kéo tới chứ không nhà tôi mất Tết. Dù hàng nhập giảm một nửa so với năm ngoái nhưng với tình hình thế này chắc ra giêng tôi phải bán hàng sớm”, bác Thư nói.

Tại Hội chợ Xuân 2014 ở Trung tâm Triển lãm Giảng Võ, nhiều quầy hàng bánh, mứt kẹo được trang trí đẹp mắt nhưng chỉ hấp dẫn khách tham quan mà ít khách xuống tiền mua hàng. Một khách hàng đi hội chợ chia sẻ: “Đến giờ tôi vẫn chưa được thưởng Tết nên không có tiền mua sắm. Tôi đi tham khảo giá trước, đồng thời cho con đi chơi để lấy không khí chứ năm nay buồn lắm”.

Sức mua không cao

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Cty Vissan cho biết, dịp Tết năm nay so với năm trước lượng mua sắm tăng nhưng không cao. Ông Mười phân tích: Hiện, các siêu thị và doanh nghiệp đều bán hàng đến 30 Tết và mở hàng từ mùng 2 Tết nên thói quen tích trữ hàng của người dân thay đổi. Thay vì nồi thịt to ăn tết như xưa, nay nhiều gia đình chỉ có nhu cầu nồi thịt nhỏ. Nhiều gia đình hiện đại ngày nay có nhu cầu chơi nhiều hơn ăn. Vì vậy, các doanh nghiệp phải thay đổi cách kinh doanh để phục vụ khách hàng.

Đại diện siêu thị Big C cho biết, dù lượng khách đến siêu thị tăng đột biến vào dịp cuối tuần nhưng giỏ mua hàng của người dân ít đi.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết, năm nay sức mua của người dân giảm sút do tình hình kinh tế khó khăn. “Hiện, đang bước vào đợt cao điểm mua sắm Tết, các siêu thị đều tăng nguồn hàng dự trữ nhưng nhu cầu mua sắm của người dân không cao. Cả người giàu và người nghèo đều cân đối chi tiêu. Người giàu thay vì mua đồ ngoại thì lựa chọn hàng Việt chất lượng cao còn người nghèo chọn hàng khuyến mại. Sức mua dịp Tết sẽ tăng 15% nhưng tăng cơ học còn thực chất chi tiêu của người dân không tăng”, ông Phú nói.

Giá đào không cao hơn năm ngoái

Đào - quất Tết năm nay dù giảm giá vẫn ế khách. Chị Hà Thị Thương “đánh” đào từ Thái Bình lên Hà Nội bán cho biết, 3 ngày bán tại đây chỉ được 10 cây. Giá đào năm nay không cao hơn năm ngoái, dao động từ 400.000-600.000 đồng/cây. Giá quất mềm hơn đào vì năm nay thời tiết thuận lợi, quất tại làng Tứ Liên (Tây Hồ) được mùa, có giá từ 200.000-500.000 đồng/cây.

Các mặt hàng thiết yếu như rau, thịt đang tăng giá từng ngày. Thịt lợn, thịt bò, gà tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/kg so với tuần trước. Rau xanh tăng 30% với đầu tuần.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.