Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975:

Sức mạnh từ sự thần tốc, quyết chiến!

TP - Góp phần quan trọng làm nên chiến thắng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đó là sự lãnh đạo hết sức sáng tạo, biết nắm lấy thời cơ của Đảng và quân đội ta. Từ kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976 đã được rút xuống còn một năm, và từ một năm đã rút xuống còn ba tháng…
Sức mạnh từ sự thần tốc, quyết chiến! ảnh 1

Quân giải phóng chiến trường Thiết giáp của ngụy tại căn cứ Nước Trong (Biên Hòa). Từ đầu tháng 4/1975, các binh đoàn chủ lực của ta từ khắp các hướng tiến về Sài Gòn, tấn công địch với sức mạnh vũ bão và tiêu diệt toàn bộ tuyến phòng thủ từ vòng ngoài của địch. Ảnh: Hứa Kiểm (TTXVN)

Vai trò của Tổng hành dinh

Phát biểu tại Hội thảo “Vai trò của cơ quan tổng hành dinh trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975” do thành phố Hà Nội tổ chức ngày 14/4, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Viện trưởng Viện lịch sử Đảng cho rằng một trong những điều quan trọng tạo nên thành công của cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đó là Đảng ta đã biết nắm lấy thời cơ, biết vận dụng linh hoạt chiến thuật và chiến lược để luôn giành thế chủ động tiến công tiêu diệt địch. Từ kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976 đã được rút xuống còn một năm, và từ một năm đã rút xuống còn ba tháng…

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đảng đánh giá: Thắng lợi quan trọng nhất của Hiệp định Paris là quân Mỹ thì ra, còn quân ta thì ở lại. Chúng ta đã thực hiện được vế đầu rất căn bản là đánh cho Mỹ cút và giờ đây là đánh cho Ngụy nhào, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hội nghị lần thứ 21 BCH Trung ương Đảng khóa III họp vào tháng 7/1973 đã xác định: Con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất kể trong tình hình nào, ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công và chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng miền Nam tiến lên.

Kế hoạch chiến lược dự định thực hiện theo hai bước: Bước một, năm 1975, mở cuộc tiến công rộng khắp ba vùng rừng núi, nông thôn, đồng bằng và đô thị; đánh bại về cơ bản chương trình bình định của địch, làm tan rã một bộ phận quan trọng chủ lực quân đội Sài Gòn. Bước 2, năm 1976 thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tây Nguyên được xác định là chiến trường chủ yếu trong tiến công.

Tận dụng thời cơ trong và ngoài nước

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Nixon từ chức liên quan đến vụ nghe trộm điện thoại, Hội nghị Bộ Chính trị đã họp vào cuối tháng 9/1974 xác định: Nhiệm vụ cấp bách lúc này là động viên những nỗ lực cao nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tiến công và nổi dậy cuối cùng. Sau khi đánh thăm dò và giành chiến thắng lớn trong chiến dịch đường 14, giải phóng toàn tỉnh Phước Long, bên cạnh chiến lược cơ bản 2 năm, Bộ Chính trị còn dự kiến một kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975 khi thời cơ chiến lược xuất hiện.

“Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.

Trích Mệnh lệnh ngày 7/4/1975 của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi các Bộ Tư lệnh toàn miền Nam

Chỉ tính trong vòng 1 năm từ đầu năm 1974-1975, Bộ Tổng tư lệnh đã  đưa vào chiến trường miền Nam 410.000 lượt người gồm nhiều quân binh chủng và nhiều quân trang, thiết bị, vật tư, lương thực phục vụ chiến đấu. Ngay sau khi quân ta giành thắng lợi vang dội ở mặt trận Tây Nguyên, chính quyền Sài Gòn hoang mang cực độ. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã quyết định rút quân khỏi Kon Tum, Pleiku, rút chạy khỏi Tây Nguyên. Chớp lấy thời cơ chiến lược này, quân ta thừa thắng xông lên, truy kích, giải phóng Huế, Đà Nẵng và các tỉnh duyên hải miền Trung. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã nhận thấy thời cơ có thể giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975 như dự kiến. Trên nhiều mặt trận, quân địch liên tục suy yếu.

   

Theo Đại tá Trần Ngọc Long, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, ngay sau khi đập tan lực lượng của địch tại Tây Nguyên, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo phải đồng thời tấn công và giải phóng các đảo, khẳng định chủ quyền trên biển Đông. Ngày 4/4/1975, thay mặt Bộ Tổng tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi một bức điện đặc biệt cho Khu ủy, Bộ Tư lệnh Khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân chính thức giao nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa và coi đó là nhiệm vụ rất quan trọng. Ngày 28/4 quân ta đã làm chủ đảo Sinh Tồn và sau đó là đảo Trường Sa Lớn.

Sau khi giành thắng lợi tại Đà Nẵng và nhiều chiến trường, Bộ Chính trị nhận định: Nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng Tư năm nay, không để chậm. Phải hành động thần tốc, táo bạo và bất ngờ. Phải tiến công ngay lúc địch hoang mang, suy sụp. Ngày 10/4/1975, bộ chỉ huy Chiến dịch Sài Gòn-Gia Định quyết định tập trung lực lượng và binh khí kỹ thuật, phát huy sức mạnh tổng hợp tạo thành thế áp đảo nhanh chóng, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch còn lại, đập tan ngụy quyền từ trung ương đến cơ sở, giải phóng Sài Gòn-Gia Định, tạo điều kiện giải phóng miền Nam.

Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị đồng ý đổi tên Chiến dịch giải phóng sài Gòn-Gia Định thành Chiến dịch Hồ Chí Minh. Chiều ngày 26/4/1975, từ năm hướng (Bắc, Đông, Đông Nam, Tây, Tây Nam), các cánh quân đồng loạt nổ súng tiến công, mở màn cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử! Với khí thế tiến công dũng mãnh, áp đảo về lực lượng và thế trận, trưa ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh đã kết thúc với thời gian ngắn nhất trong lịch sử chiến dịch có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Thần tốc, táo bạo!

Phân tích về những bước ngoặt của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, TS Nguyễn Đình Lê (Đại học KHXH&NV Hà Nội) và Th.S Lê Đình Hùng (Học viện Chính trị, Bộ Công an) cho rằng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã thực sự có sáng tạo và quyết đoán đặc biệt, biết tận dụng những thời cơ trong và ngoài nước. Điển hình như vụ Tổng thống Mỹ Nixon phải từ chức và kết quả của chiến thắng đường 14 Phước Long. Sự kiện Phước Long diễn ra khi Bộ Chính trị đang họp bàn về kế hoạch giải phóng miền Nam và có ý nghĩa như một trận trinh sát chiến lược, thăm dò phản ứng của Hoa Kỳ.

Như vậy qua 2 năm thăm dò, bài toán về thời cơ giải phóng miền Nam đã được trải nghiệm. Cân nhắc thế và lực của hai bên, trong các hội nghị của Bộ Tư lệnh tối cao diễn ra từ cuối năm 1974 đến đầu năm 1975 tại Tổng hành dinh, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã đi đến quyết định quan trọng: cách mạng miền Nam có đủ điều kiện và cần thiết phải tiến lên giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong thời gian ngắn.

Th.Phan Sỹ Phúc, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Lịch sử quân sự Việt Nam khẳng định, trong rất nhiều bức điện, chỉ thị của Tổng hành dinh đến các chiến trường thì bức điện khẩn ngày 7/4/1975 của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp là một bức điện đặc biệt được đảng viên, chiến sỹ coi là “kim chỉ nam” góp phần đẩy nhanh tốc độ tiến công thẳng vào sào huyệt của địch, giành thắng lợi nhanh chóng, trọn vẹn. Mệnh lệnh ấy thực sự còn là nguồn lực tăng thêm ý chí quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta.


MỚI - NÓNG