Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 908 ca, trong đó, riêng Hải Dương có 724 ca, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (34 ca), Bắc Ninh (5 ca), Bắc Giang (2 ca), TPHCM (36 ca ), Hoà Bình (2 ca), Hà Giang (1 ca), Điện Biên (3 ca), Bình Dương (6 ca), Hải Phòng (4 ca ), Hưng Yên (3 ca).
10 tỉnh, thành phố đã 34 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới COVID-19 trong cộng đồng gồm: Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và TPHCM.
Sáng 19/3 Bộ Y tế cho biết, theo Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia (TCMR) trong ngày 18/3 đã triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại 4 tỉnh: Hà Giang (70), Điện Biên (56), Bà Rịa - Vũng Tàu (87) và Bình Dương (84).
Đến cuối giờ chiều 18/3 có thêm 3.492 người được tiêm chủng vắc xin COVID-19, nâng tổng số người đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 lên 27.546 người. Tất cả đều là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương.
Thời gian tới, việc kiểm soát dịch COVID-19 phụ thuộc nhiều vào việc phát triển vắc xin. Tuy nhiên, nguồn cung ứng vaccine nhập khẩu còn hạn chế và dự kiến đến năm 2022, vắc xin do Việt Nam sản xuất mới được đưa vào sử dụng. Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiếp tục duy trì các biện pháp phòng, chống dịch đơn giản, kinh tế và hiệu quả theo thông điệp 5K.
Ngày 18/3, Liên hợp quốc (LHQ) đưa ra cảnh báo rằng dịch COVID-19 nhiều khả năng sẽ phát triển thành căn bệnh xuất hiện theo mùa.
Được biết, một nhóm chuyên gia gồm 16 thành viên do Tổ chức Khí tượng thế giới thành lập với nhiệm vụ tìm hiểu khả năng các yếu tố khí tượng và chất lượng không khí ảnh hưởng đến sự lây lan của COVID-19. Nhóm chuyên gia nhấn mạnh nếu kéo dài nhiều năm, COVID-19 sẽ là căn bệnh hoành hành mạnh theo mùa. Các mô hình nghiên cứu dự báo tình trạng lây lan virus SARS-CoV-2 gây COVID-19 sẽ bùng phát theo mùa qua thời gian.
Tuy nhiên, cho đến nay, khả năng lây lan của COVID-19 dường như chịu ảnh hưởng chủ yếu bởi các biện pháp can thiệp của các chính phủ như bắt buộc đeo khẩu trang, hạn chế đi lại, hơn là thời tiết. Do đó, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh rằng không nên chỉ căn cứ vào các điều kiện về thời tiết và khí hậu để nới lỏng các biện pháp phòng chống COVID-19.
Các chuyên gia cho biết các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã cung cấp một số bằng chứng rằng virus tồn tại lâu hơn trong thời tiết khô, lạnh với bức xạ tia cực tím thấp. Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu các tác động của khí tượng có thực sự ảnh hưởng nhiều đến tỷ lệ lây nhiễm trong điều kiện thực hay không.