Hình ảnh chim hải âu chết với đầy rác thải nhựa trong bụng, rùa biển đau đớn khi được rút ống hút ra khỏi mũi khiến nhiều người không khỏi rùng mình. Không sai nếu nói cuộc sống tất cả sinh vật đang ngày càng ngập ngụa và mắc kẹt trong nhựa.
Con người cần hành động để tự cứu lấy bản thân và môi trường sống trước khi quá muộn. Nếu chưa thể loại bỏ, chúng ta trước mắt có thể giảm bớt lượng tiêu thụ nhựa bằng cách bắt đầu 9 thói quen mới để theo đuổi lối sống xanh.
1. Luôn mang theo túi có thể tái sử dụng
Mỗi lần đi chợ, siêu thị, cửa hàng tạp hóa, chúng ta có thể mang về hàng chục túi nylon vì tiện lợi và thường được cho miễn phí. Tuy nhiên, toàn bộ sẽ thải ra môi trường và trở thành rác vì không thể tái sử dụng. Hơn nữa, loại túi này mất khoảng 500 năm để phân hủy nên có tác hại kinh khủng với môi trường.
Trong khi đó, một số loại túi có thể tái sử dụng, ít tạo ra rác thải hơn. Luôn mang theo túi vải để đựng đồ thay vì sử dụng túi nylon sẵn có tại các cửa hàng sẽ góp phần bảo vệ môi trường.
2. Hạn chế các loại hộp nhựa
Các loại hộp thủy tinh, kim loại có thể được sử dụng thay thế hộp nhựa để đựng các loại hạt, gia vị, thức ăn và kể cả xà phòng, sữa tắm, bột giặt, nước rửa chén.
Tuy nhiên, không nên vội vứt hết các loại hộp nhựa đang sử dụng. Bạn có thể tiếp tục sử dụng nếu còn tốt và chỉ thay thế dần khi không còn sử dụng được nữa để tránh lãng phí.
3. Mang theo 'bộ dụng cụ'
Đũa, thìa từ gỗ, ống hút, khay đựng thức ăn không làm từ nhựa và một bình đựng nước thủy tinh sẽ giúp loại bỏ các đồ vật làm từ nhựa sử dụng một lần trong cuộc sống của bạn.
“Các nhà hàng, quán nước trên toàn thế giới đang dần quen với việc khách hàng mang theo bộ dụng cụ của mình”, Jay Sinha – người sáng lập cửa hàng trực tuyến mang tên Life Without Plastic – cho biết.
4. Mua với số lượng lớn
Nếu mua những loại thực phẩm được đóng gói sẵn, bạn không nên mua lẻ tẻ mà nên cân nhắc mua với số lượng lớn để hạn chế các loại bao bì. Bạn cũng có thể mang theo hộp thủy tinh để đựng các loại thực phẩm tại chợ. Tuy nhiên, cần cân nhắc về số lượng trước khi mua để tránh quá tải và lãng phí.
5. Mua đồ cũ
Nhiều thiết bị, đồ gia dụng phổ biến hiện nay đều được làm chủ yếu từ nhựa. Trước khi có một chiếc máy giặt, máy hút bụi làm hoàn toàn từ kim loại, hay bất kỳ một vật liệu nào khác mà không phải nhựa, Beth Terry, tác giả của blog My Life – Free Life đề xuất nên mua đồ cũ để sử dụng.
Đây vừa là một cách tiết kiệm tiền, hạn chế việc sản xuất, sử dụng nhựa mới vừa tránh được các khâu bao bì, đóng gói có thể tạo thêm rác thải.
6. Tái sử dụng và tái chế nhựa
Chai nhựa trong, lọ đựng dầu gội đầu, hộp sữa chua, đồ chơi và hộp đựng thực phẩm có khả năng tái chế cao hơn.
Trong khi đó, dao, thìa, nĩa nhựa, cuộn màng bọc thức ăn, cốc nhựa đựng cà phê và nắp đậy thường chỉ dùng được một lần và khả năng để tái chế rất thấp. Vì vậy cần hạn chế mua và sản xuất thêm các sản phẩm này.
7. Mặc quần áo làm từ chất liệu thiên nhiên
Theo ông Siha, sợi tổng hợp là yếu tố chính gây ra ô nhiễm vi nhựa (micro plastic), loại ô nhiễm được cảnh báo gây tác hại nghiêm trọng đến môi trường sống, đặc biệt là các đại dương và sức khỏe con người.
Chọn quần áo làm từ các loại vải có thành phần tự nhiên như cotton, len, gai và lụa sẽ góp phần hạn chế tình trạng này.
8. Tự làm các sản phẩm vệ sinh
Khi hầu hết sản phẩm vệ sinh được đóng gói trong chai nhựa và có chứa các hạt vi nhựa, Chantal Plamondon, người sáng lập Life Without Plastic, đã quyết định trở thành một nhà hóa học tại gia.
“Chúng tôi tự làm kem đánh răng bằng baking soda, dầu dừa và các loại tinh dầu. Chúng tôi làm kem dưỡng da từ dầu dừa hoặc dầu macadamia”, cô cho biết.
9. Sống không cần nhựa
Nếu chỉ có một sự lựa chọn: nhựa. Bạn hoàn toàn có thể không sử dụng. Trước khi hành động, thay đổi thói quen, điều quan trọng nhất chính là thay đổi suy nghĩ, nhận thức.