Dựa vào đặc điểm mô bệnh học, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chia ung thư phổi thành 2 loại chính: ung thư phổi không tế bào nhỏ (Non-Small Cell Lung Cancer) và ung thư phổi tế bào nhỏ (Small Cell Lung Cancer). Trong đó, ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm khoảng 85% các ca.
Khoảng 30% bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ được chẩn đoán ở giai đoạn sớm (giai đoạn 1,2). 70% bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn muộn (giai đoạn 3,4). Vì thế, dù có nhiều bước tiến trong chẩn đoán và điều trị, ung thư phổi vẫn thường có tiên lượng xấu và tỷ lệ sống thêm 5 năm khá thấp.
Tại Việt Nam, đa phần bệnh nhân được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn, chỉ 10-20% được chẩn đoán ở giai đoạn sớm. Theo các BS chuyên khoa ung thư ở giai đoạn sớm bệnh có những triệu chứng rất nghèo nàn, bệnh nhân dễ nhầm lẫn với những bệnh lý về đường hô hấp khác.
Khoảng 80% bệnh nhân ung thư phổi có triệu chứng ho khan, ho kéo dài, khó lý giải nguyên nhân hoặc ho có đờm trắng/nhiều đờm, có khi có bội nhiễm.
Tiến sĩ Đinh Văn Lượng, Phó giám đốc Trung tâm Ung thư Phổi Quốc gia, cũng cho biết khi bệnh nhân có các triệu chứng như ho, khó thở, ho ra máu, ho đờm… thường không còn ở giai đoạn sớm.
Bên cạnh đó, người bệnh còn có thể gặp các triệu chứng khó thở khi gắng sức hoặc vận động liên tục. Ngoài ra, 40-60% người bệnh bị đau ngực.
Thạc sĩ, bác sĩ Thân Văn Thịnh, Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, cũng cho hay nhiều bệnh nhân ung thư phổi có biểu hiện đau đầu do bệnh đã di căn não, hoặc đau xương sống, sườn do di căn xương. Khi phát hiện các bệnh lý trên, đi khám, người bệnh mới phát hiện ung thư.
Ngoài các dấu hiệu trên, ung thư phổi cũng có các triệu chứng chung như mệt mỏi hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân.
Các chuyên gia lưu ý khi có tất cả dấu hiệu này chưa chắc người bệnh đã mắc ung thư nhưng cần lưu ý đến những dấu hiệu lạ và tiến hành kiểm tra ngay để loại trừ căn bệnh, từ đó sớm được điều trị.
Những đối tượng cần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện ung thư phổi bao gồm:
- Nam giới ngoài 50 tuổi.
- Người có tiền sử nghiện thuốc lá, tiếp xúc nhiều khói thuốc.
- Người nghiện rượu, bia.
- Người thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất độc hại.
- Người sống và làm việc trong môi trường bị ô nhiễm.