Ngày 26/2, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Văn phòng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO) cùng sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI) đã ra mắt ấn phẩm tiếng Việt hướng dẫn toàn cầu các bước thiết thực để triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống đuối nước của Tổ chức Y tế Thế giới.
Giới chuyên môn tin tưởng ấn phẩm này sẽ là nền tảng giải pháp bền vững để chính phủ, các bộ ngành đoàn thể, các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ (NGO), cộng đồng, trường học, các nhà nghiên cứu và các cá nhân sử dụng có hiệu quả trong công tác phòng chống đuối nước trẻ em.
Hàng năm, đuối nước lấy đi sinh mạng của hơn 2000 trẻ em tại Việt Nam, trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em do tai nạn thương tích trên toàn quốc. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai công tác phòng chống đuối nước trẻ em bằng việc Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020, tuyên truyền nâng cao nhận thức của công đồng, cha mẹ về phòng chống đuối nươc trẻ em, tổ chức dạy trẻ các kiến thức kỹ năng an toàn trong môi trường nước, dạy bơi cho trẻ em, cải tạo loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước tại gia đình và công đồng, triển khai việc phối hợp liên ngành phòng chống đuối nước trẻ em và sự tham gia tích cực của cộng đồng, các tổ chức quốc tế trong phòng chống đuối nước trẻ em.
Đặc biệt từ tháng 6/2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu đã triển khai dự án Hỗ trợ với sự hỗ trợ từ Quỹ Từ thiện Bloomberg.
Ấn phẩm Hướng dẫn toàn cầu thực hiện phòng, chống đuối nước được tổ chức Y tế Thế giới xuất bản đề ra 10 chiến lược và biện pháp can thiệp đã được kiểm chứng trong thực tế nhằm hỗ trợ cho nỗ lực giảm thiểu các tai nạn do đuối nước gây ra vì đây là một trong các vấn đề y tế cộng đồng ta có thể ngăn chặn được nhưng chưa được quan tâm đúng mức.
6 can thiệp phòng chống đuối nước trẻ em bao gồm:
(1) Tạo môi trường an toàn tránh xã nguồn nước cho trẻ mầm non
(2) Làm rào để kiểm soát trẻ để tiếp cận nguồn nước
(3)Dạy cho trẻ em tuổi tiểu học trở lên biết bơi và biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước
(4)Xây dựng khả năng chống chịu rủi ro và quản lý rủi ro và các hiểm họa khác ở cấp độ địa phương và quốc gia
(5)Đào tạo người dân kỹ năng cứu hộ và sơ cứu
(6) Xây dựng và thực thi các quy định về án toàn giao thông đường thủy như tàu, thuyền, phà.
4 Chiến lược hỗ trợ can thiệp gồm:
(1) Khuyến khích phối hợp đa ngành
(2) Tăng cường nhận thức của nhân dân về phòng chống đuối nước thông qua truyền thông có chiến lược
(3) Thiết lập kế hoạch an toàn đường thủy quốc gia
(4)Nghiên cứu phòng chống đuối nước trẻ em thông qua thu thập dữ liệu và nghiên cứu bài bản