Chống độc quyền, nhìn từ ngành viễn thông
Tại phiên họp, ĐBQH Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) băn khoăn, việc sửa đổi luật lần này có chống được độc quyền điện hay không, đến khi nào thì hết độc quyền, đến khi nào người dân được tham gia vào thị trường nhiều hơn, đến khi nào thì minh bạch…?
“Chúng ta đã đổi mới ngành bưu chính viễn thông rất xuất sắc. Ngày xưa, gọi một cuộc điện thoại rất tốn kém. Giờ dùng rất thoải mái, rất chuẩn”, ông Minh nêu ví dụ để khẳng định việc xã hội hóa sẽ mang lại nhiều kết quả tốt.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài. Ảnh: QH |
Phản hồi ý kiến, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài lý giải, hiện nay đã quy định rất rõ độc quyền Nhà nước trong lĩnh vực điện gồm những gì, trong đó chủ yếu là độc quyền điều độ điện và các dự án điện mang tính chất quan trọng, mang tính an toàn của hệ thống điện để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Còn nhiều vấn đề khác trong đầu tư, truyền tải đã có quy định xã hội hóa.
“Để đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng theo Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị, một số lĩnh vực xương sống phải độc quyền Nhà nước, còn các lĩnh vực khác sẽ xã hội hóa, giảm độc quyền tối đa nhưng vẫn đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng”, ông Hoài nhấn mạnh.
Vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo tách Trung tâm Điều độ điện quốc gia từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về Bộ Công Thương. Hiện tại, nguồn điện của EVN chỉ còn khoảng 38% trong tổng công suất hệ thống điện quốc gia. Vì thế, EVN và các đơn vị khác cùng tham gia vào thị trường điện như một doanh nghiệp bình thường.
“Sửa Luật Điện lực lần này có chống được độc quyền hay không? Nhà nước độc quyền tới đâu, giao lại đầu tư cho các ngành kinh tế khác thế nào?”
ĐBQH Đinh Ngọc Minh
Phân bón không đánh thuế, hay đánh thuế 5%?
Cùng ngày, thảo luận về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), các đại biểu bày tỏ quan tâm mức thuế suất 5% quy định tại dự thảo luật. Trước những luồng ý kiến khác nhau, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đưa ra hai phương án. Phương án 1, đề nghị giữ phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) như quy định hiện hành. Phương án 2, thống nhất với cơ quan soạn thảo, chuyển nhóm ngành hàng này vào diện chịu thuế GTGT 5%.
ĐBQH Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) tán thành phương án 1, cho rằng, nếu chuyển từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5%, sẽ tăng chi phí sản xuất nông nghiệp, khai thác ngư nghiệp, trong khi đây là những đối tượng cần được quan tâm.
ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phát biểu: “Một đất nước phát triển nông nghiệp như Việt Nam mà không có một ngành sản xuất phân bón đàng hoàng, phải điều chỉnh lên, điều chỉnh xuống chính sách như thế này, tôi cho rằng như vậy là không ổn”.
Ông hy vọng Việt Nam có một ngành sản xuất phân bón hiện đại, bình đẳng với thế giới, không phụ thuộc bên ngoài. “Nếu ngành sản xuất phân bón tốt thì người dân, ngành nông nghiệp, xã hội được hưởng lợi”, ông nói.