'Sữa' Danlait: Một vốn ...năm lời
> Sữa dê Danlait chỉ là thực phẩm bổ sung
> Tạm giữ 6.000 hộp sữa Danlait để làm rõ
Nhập về Việt Nam với giá trên 80.000 đồng/hộp, bằng việc thay đổi bản chất sản phẩm: “thực phẩm bổ sung” thành “sữa”, công ty Mạnh Cầm đã bán với giá cao gấp 5 lần giá nhập khẩu, từ đó thu lợi “khủng”.
Sữa Danlait chỉ là thực phẩm bổ sung, công ty nhập khẩu cũng đăng ký với Cục An toàn thực phẩm rằng đây là thực phẩm bổ sung, nhưng khi bán đến tay người tiêu dùng, sản phẩm này biến thành sữa bột. |
Giá bán cao gấp 5 giá nhập
Theo tờ khai hải quan nhập khẩu mặt hàng sữa Danlait của công ty Mạnh Cầm, giá thực phẩm bổ sung sữa Danlait mà công ty này nhập từ Pháp về Việt Nam vào tháng 10/2012 là 80.102 đồng/hộp (dùng cho trẻ ở giai đoạn 1, từ 0-12 tháng tuổi).
Với sản phẩm dành cho trẻ giai đoạn 2 và dành cho trẻ tăng trưởng, giá nhập khẩu lần lượt là 78.796 đồng/hộp và 79.231 đồng/hộp.
Bằng việc “quên” không ghi rõ đây là thực phẩm bổ sung trên nhãn mác, công ty Mạnh Cầm đã bán “sữa bột trẻ em” đến tay người tiêu dùng với giá 410-420.000 đồng/hộp.
Quá trình kiểm tra, chiều 21/2 của cơ quan quản lý thị trường cũng xác nhận: Công ty Mạnh Cầm không thực hiện kê khai và niêm yết giá theo quy định của pháp luật.
Trả lời cơ quan chức năng, ông Đặng Minh Sang, Phó giám đốc phụ trách phân phối và bán hàng của công ty tỏ ra khá “ngây thơ” khi cho rằng việc "bỏ quên" thực phẩm bổ sung hoàn toàn không có dụng ý gì mà chủ yếu là sai sót trong việc ghi tên nhãn mác!
Ngoài ra, theo ông này, việc ghi thông tin này cũng không đến nỗi gây hiểu lầm cho người tiêu dùng và đặc biệt là sức khỏe của trẻ em!
Trao đổi với VietNamNet, chị Cao Ngân Hà – người đầu tiên đặt ra nghi vấn về chất lượng sản phẩm này – cùng một cộng đồng những người đã từng sử dụng Danlait như sữa bột cho con mình – cho biết chính họ cũng không ngờ sự việc lại thành ra thế này, khi mà quá trình thanh tra cho thấy công ty này có nhiều sai phạm, chất lượng sản phẩm cũng có rất nhiều vấn đề.
Trong đó, họ “choáng” nhất về giá bán. “Không ngờ lại có sự chênh lệch lớn như vậy”, chị Hà nói.
Hiện giờ, chị Hà cùng nhiều khách hàng khác mới hiểu vì sao nhiều trẻ ăn “sữa bột” Danlait đã sụt cân vì không đủ dinh dưỡng.
Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm của công ty Mạnh Cầm do Cục An toàn thực phẩm cấp ghi rõ đây chỉ là thực phẩm bổ sung. |
Thông tin được công bố đầy đủ
Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết Cục đã gửi công văn tới Đại sứ quán Pháp đề nghị xác minh thông tin liên quan tới nguồn gốc và xuất xứ của sữa Danlait.
Nội dung xác minh gồm: loại sữa dê Danlait dành cho trẻ em do công ty Mạnh Cầm nhập khẩu có phải do công ty FIT của Cộng hòa Pháp sản xuất không; sản phẩm này có lưu hành trên thị trường Pháp không.
Từ vụ việc này, ngoài chuyện hậu kiểm lỏng khiến doanh nghiệp làm ăn gian dối thì câu chuyện “tiêu dùng thông thái” một lần nữa lại được đặt ra.
Thông tin về Danlait là thực phẩm bổ sung chứ không phải sữa bột đã được công bố đầy đủ trên webstie của Cục An toàn thực phẩm và hiện vẫn tồn tại, người tiêu dùng chỉ cần tra cứu ở đây là đủ để vạch mặt hành vi lừa dối khách hàng của công ty này.
Trao đổi với VietNamNet, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho biết từng lô sản phẩm của công ty Mạnh Cầm đều được kiểm tra nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm và kiểm dịch thú y.
Tuy nhiên, các sản phẩm này đều đảm bảo yêu cầu so với quy định về tiêu chuẩn của “thực phẩm bổ sung”, Cục không hề cấp chứng nhận đảm bảo yêu cầu so với quy định về tiêu chuẩn của sữa bột.
Cục An toàn thực phẩm cho biết không chỉ riêng mặt hàng thực phẩm bổ sung sữa Danlait mà hiện nay, để đảm bảo minh bạch thông tin, bất kể sản phẩm nào được cấp chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm đều được Cục thống kê và đưa thông tin lên website.
Do đó, người tiêu dùng có thể kiểm chứng để phát hiện xem doanh nghiệp đó có bán sản phẩm đúng tên gọi, bản chất hay không.
Cộng đồng những người chung tay đấu tranh, đưa sự việc sữa Danlait ra ánh sáng cho biết sẽ tiếp tục có kiến nghị đến các cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của công ty Mạnh Cầm trong việc này.
Hiện, cơ quan quản lý thị trường đã lấy 3 mẫu sản phẩm Danlait đi giám định chất lượng và giám định thông tin giữa nhãn gốc với nhãn phụ của sản phẩm.
Theo C.Quyên
Vietnamnet