Nhà nghiên cứu văn hóa giân dan Nguyễn Hùng Vĩ:

Sự tung hô nhất thời không thể là tôn sùng!

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đặng Hùng Vĩ
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đặng Hùng Vĩ
TP - Theo ông Nguyễn Hùng Vĩ - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nguyên giảng viên khoa Văn học (ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội), cho rằng, nhiều thanh thiếu niên “hâm mộ” những nhân vật “giang hồ mạng” là hiện tượng đáng lo ngại nhưng không phải toàn bộ giới trẻ đều như vậy. 

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, không thể gọi những “giang hồ mạng” đó là thần tượng được. Trong tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Hán, hai chữ thần tượng chỉ dùng để chỉ những cái gì khiến người ta ngưỡng mộ, tôn sùng. Một đám người hùa theo cái xấu không đại diện cho giới trẻ. Sự tung hô nhất thời không thể là tôn sùng hay ngưỡng mộ. Chưa kể, nhiều người đến đó là sự hiếu kỳ, chứ không phải ai cũng tôn sùng. Không ai xem Herostratos (kẻ đốt đền Artemis thời Hy Lạp cổ để mong nổi tiếng trong lịch sử - PV) là thần tượng cả. 

Sự hùa theo của một bộ phận giới trẻ với những hiện tượng đó là rất đáng quan ngại trong văn hóa xã hội hiện nay. Tâm lý nói chung, học cái sai, cái dại thì rất dễ, rất mau; còn học cái đúng, cái khôn thì rất khó. Các trường phái nghiên cứu tâm lý học trên thế giới đều đã khẳng định như vậy. Lịch sử các tôn giáo, các triết học, các lý thuyết giáo dục tồn tại hàng ngàn năm cho thấy, việc tạo nên con người có đạo đức, có tri thức, văn minh là một quá trình khó khăn, dài đằng đẵng và chưa bao giờ là kết thúc. “Sự bùng nổ của internet có rất nhiều điểm tốt, nhưng với không gian mạng, cái xấu sẽ ùa vào rất nhanh. Một tâm thế xã hội để tiếp nhận cái tốt chưa phổ biến và sẵn sàng như tâm thế tiếp nhận cái xấu. Thành ra, thế giới ảo đang làm khổ thế giới thật”, ông Nguyễn Hùng Vĩ nói.

Ông Nguyễn Hùng Vĩ cũng cho rằng việc hướng dẫn giới trẻ là cả một công cuộc lâu dài của nhà trường, gia đình, xã hội, truyền thông, thiết chế chính trị... chứ không riêng gì ai. Giáo dục gia đình là nền tảng. Bố mẹ, ông bà, anh chị là những người hướng dẫn đầu tiên. Có nhiều gia đình vì vất vả kiếm sống, không chăm sóc các con được. Tình thương con cái ai cũng có, nhưng điều kiện dạy dỗ thì không phải ai cũng đủ.

Các thần tượng bao giờ cũng hấp dẫn. Chỉ có thần tượng rởm mới không đủ sức hấp dẫn. Truyền thông và sự trục lợi đã tung hê quá nhiều thần tượng dởm. Chính sự rởm hóa mọi mặt, các thần tượng rởm mới gây “tội” trong chuyện này. 

Còn thần tượng thật, bản thân họ chứa đựng những phẩm chất, những năng lực đặc biệt. Khi chưa khám phá được các năng lực, các phẩm chất đó một cách khoa học thì nó vẫn có những bí hiểm. Đó cũng là phần chiêm ngưỡng và tôn sùng, làm nên sự hấp dẫn. 

“Đã là thần tượng, họ thường vượt qua chuẩn mực đời thường. Mong muốn của xã hội, hướng tới thần tượng đích thực phải qua quá trình thường xuyên, lâu dài và kiên nhẫn. Các giải pháp như đạo đức, pháp luật, giáo dục, truyền thông, nghệ thuật, đoàn thể... phải luôn luôn chú trọng một cách đồng bộ”, ông Vĩ nói thêm. 

“Kinh nghiệm của những tôn giáo hàng ngàn năm là tổ chức dạy đạo đức bằng các biểu tượng và bài học ngụ ngôn cùng nền nghệ thuật của họ một cách không mệt mỏi. Khi cái xấu có nguy cơ thành “lệ”, điều cần thiết nhất lúc này là “luật”. Thượng tôn pháp luật lúc này đang là giải pháp hữu hiệu”.


Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đặng Hùng Vĩ

MỚI - NÓNG