Đánh trúng tâm lý của người trẻ
Tiếp xúc với nhiều học sinh cấp 2, cấp 3, khi hỏi về Khá Bảnh (tên thật Ngô Bá Khá, SN 1993, quê Bắc Ninh - nhân vật vừa bị công an Bắc Ninh bắt), đa số các em đều biết và có thể kể vanh vách về nhân vật này. Đặc biệt, nhiều em còn có thể diễn lại điệu múa quạt gây sốt của Khá Bảnh một cách thành thục.
Nguyễn Thị Thùy Trang (học sinh lớp 8, ngụ Q.Tân Phú), kể: “Lúc đầu em không biết Khá Bảnh là ai, nhưng nhiều bạn trong lớp hay nhắc đến và cho xem clip, em thấy hay nên đăng ký theo dõi xem cho vui thôi”. Theo Trang, những clip của các “giang hồ mạng” khá vui và thú vị. Các bạn chủ yếu xem để giải trí chứ ít ai học theo.
“Thực ra trên mạng xã hội có nhiều clip về người làm việc tốt, từ thiện, giúp đỡ xã hội… còn những người nói năng thô lỗ, hành động kỳ quặc thì không nhiều. Do vậy khi clip về những “giang hồ mạng” đăng tải, ai cũng tò mò vào xem vì nó lạ. Em xem vì không muốn mình trở nên lạc hậu, “nhà quê” khi nói chuyện với các bạn, còn thần tượng những người này thì không em không có”, Trang chia sẻ.
Cũng không thần tượng Khá Bảnh nhưng Hữu H. (học sinh lớp 10 trường PTTH ở Q.3) lại để kiểu tóc bờm ngựa của Khá Bảnh. Rồi từ cách ăn mặc, nói chuyện… đến cả điệu múa quạt góp vui khi đi tiệc tùng với bạn bè, H. cũng thực hiện các giống các “giang hồ mạng”.
“Thực ra là em nể hơn là thần tượng. Lý do là họ dám sống thực với chính mình, dám bộc lộ sở thích, ăn mặc, để kiểu tóc mình muốn… chứ không theo một khuôn phép, quy tắc nào cả. Em nghĩ, đã từng có lúc cũng muốn nổi loạn như vậy nhưng lại không dám. Giờ xem được các clip này, em như tìm được chính mình vậy”, H. chia sẻ.
Nhiều bạn trẻ thừa nhận, đời sống giang hồ là một thế giới cực kỳ gây tò mò đối với họ. Trước khi xuất hiện trên mạng xã hội, các em chỉ biết “xã hội đen” qua sách báo, phim ảnh. Nay, có hẳn một kênh của giang hồ mạng. Chỉ cần một lần đăng ký, vài cú nhấp chuột là biết tất tần tật cuộc sống của một giang hồ như thế nào. Khi người trẻ tò mò vào xem rồi chia sẻ, bình luận và rồi mong muốn được gặp ngoài đời thực cũng là điều dễ hiểu.
Theo các chuyên gia tâm lý, “giang hồ mạng” đã chọn lối đi có tính toán hẳn hoi, đánh trúng tâm lý của người trẻ. Đó là sự nổi loạn, muốn thể hiện cái tôi “ngông” của mình. Đôi khi cũng muốn trở thành “anh hùng” cho người khác phải “ngán” mình. Như Khá Bảnh đã từng cho biết phương châm sống của mình: “Lẽ đời là phải sống đẹp. Sống với bản lĩnh thật sự của chính mình. Bước đường Bảnh đi, chiếc gương chiếu sáng 2 từ quân tử”.
Dù nội dung xoay quanh 2 từ “quân tử” nhưng cách nhân vật này thể hiện khiến nhiều người không khỏi lo ngại. Các nhân vật hội anh em “giang hồ mạng” tự xưng có xuất thân từ bảo kê, đòi nợ thuê. Họ xuất hiện trong các video thường lấy bối cảnh từ các cuộc vui chơi trác táng, “giải quyết công việc” và đếm tiền. Điều này tạo nên hình mẫu mơ ước của giới trẻ: không làm vẫn rủng rỉnh tiền bạc, xe hơi đắt tiền và được chơi “tới bến”.
Nhanh chóng rơi vào quên lãng
Thực tế, Việt Nam không thiếu những thần tượng tốt đẹp, truyền cảm hứng cho nhiều người khác. Thế nhưng những nhân vật này vẫn chưa tạo được sự sinh động, mới lạ mà vẫn còn mang vẻ đạo mạo, lý thuyết. Và lẽ thường, những gì mang tính triết lý, quy chuẩn thường ít nhận được sự quan tâm hơn cái mới lạ, phá cách.
Nhiều người đặt câu hỏi, vì sao những người có lý lịch bất hảo, vào tù ra tội, chỉ dựa vào những clip trên mạng mà một bộ phận giới trẻ lại tung hô như người nổi tiếng, chào đón họ như một “người hùng”? Phải chăng, giới trẻ đang “khủng hoảng” thần tượng?
Chị Hoàng Kim Ngân (Đại học Oulu, Phần Lan) cho rằng, việc thích thú ngưỡng mộ một ai đó nhiều khi chỉ là cảm giác bề ngoài. Đó có thể vì vẻ đẹp, giàu có, thông thái, sự hài hước nhưng nhiều khi cũng chỉ vì họ có vẻ ngoài độc đáo, trang phục có phong cách, kiểu nói chuyện chẳng giống ai hay cách hành xử yêng hùng không sợ trời đất. Những giá trị tốt đẹp như yêu thương hòa bình, hợp tác, tôn trọng dường như là những thứ cũ kỹ và sáo rỗng với nhiều bạn trẻ.
Giờ đây, giới trẻ có vẻ như coi trọng những giá trị cá nhân hơn, có xu hướng tìm kiếm những yếu tố kích thích, thú vị, mới lạ trong cuộc sống như một cách thư giãn. Chính vì vậy những hành vi phá vỡ nguyên tắc, thể hiện cá tính, thậm chí nguy hiểm, phạm luật cũng được nhìn nhận là có tính kích thích, mang tính giải trí đối với người xem.
Trước “giang hồ mạng” Khá Bảnh, Việt Nam đã xuất hiện nhiều hiện tượng mạng “làm mưa làm gió” một thời, nhưng đa số đều nhanh chóng rơi vào thảm cảnh “chóng nở nhanh tàn”. Như L.R nổi lên như một người truyền cảm hứng cho giới trẻ, được công kênh, chào đón khắp mọi nơi dù giọng ca dở tệ; B.T “hở, quẩy” đủ kiểu, quay clip rồi tung lên mạng chỉ để PR bản thân; công chúa thủy tề T.S hay hotgirl T.V làm đủ mọi cách từ phát ngôn gây sốc, phẫu thuật thẩm mỹ… chỉ là muốn nhiều người biết đến mình. Họ cũng kiếm được lượng người theo dõi lớn nhưng cuối cùng vẫn nhanh chóng rơi vào quên lãng, phai nhòa trong ký ức cư dân mạng. Và cuối cùng nhiều người trong số đó phải đi tìm một công việc phù hợp với trình độ, khả năng của mình để kiếm sống.
Cần có những chuẩn mực đúng đắn về thần tượng“Tuổi thọ của những “người hùng lệch lạc” hay “thần tượng ảo” ấy rất ngắn ngủi, vì đơn giản nó không mang lại giá trị đích thực cho xã hội. Do vậy, việc giới trẻ tung hô, ngưỡng mộ “giang hồ mạng” cũng chỉ là trào lưu nhất thời, rồi sẽ nhanh chóng rơi vào quên lãng”.
Chị Hoàng Kim Ngân (Đại học Oulu, Phần Lan)
Trên nhiều diễn đàn mạng, người ta lấy làm ngạc nhiên đặt câu hỏi: “Chuẩn” thần tượng của một bộ phận giới trẻ vì sao ngày càng dễ dãi? Nếu như trước đây, “thần tượng” là mỹ từ để chỉ những tấm gương xuất chúng, sở hữu những tố chất quý báu khiến người khác phải ngưỡng mộ, cảm phục; thì nay, vì sao những “ngôi sao ảo” trên mạng, nổi tiếng chủ yếu nhờ những kệch cỡm, hợm hĩnh cũng trở thành “thần tượng” của một bộ phận giới trẻ?
Ths tâm lý Lê Minh Huân, giảng viên khoa Tâm lý học (trường ĐH Sư phạm TPHCM) cho rằng có nhiều nguyên nhân như mặt trái của truyền thông, áp lực học tập, người cổ vũ trong lứa tuổi “nổi loạn”. “Bản tính phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”, những bạn trẻ thần tượng “giang hồ mạng” cha mẹ, thầy cô không biết hoặc có biết đi chăng nữa cũng chưa chắc đã có cách can thiệp, định hướng phù hợp. Bên cạnh đó, các chương trình giáo dục của nhà trường dù có nhắc đến chuyện định hướng giá trị, giáo dục đạo đức, đặc biệt là chọn “thần tượng” nhưng cập nhật thực tế, thực tiễn chưa kịp thời hiệu quả. Dẫn đến cái gì học sinh không tìm được ở trường lớp, gia đình thì tự mày mò trên mạng xã hội, từ bạn bè…
“Mạng xã hội, internet như “cái chợ trời” nên giới trẻ dễ bị lây lan, nhiễm những điều không tốt cũng là điều dễ hiểu. Giới trẻ cần có những chuẩn mực đúng đắn về thần tượng, để không phải lãng phí thời gian vào những hiện tượng mạng xã hội như Khá Bảnh”, Ths Huân khuyến cáo.