Sư tử ngoại nhe nanh trước nhà truyền thống Cơ Tu

TP - Bê tông, hàng rào sắt, sư tử đá nhe nanh và những bình gốm Trung Quốc…, tất cả đều có ở trong nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu, nằm ở huyện Nam Giang (Quảng Nam). 

Sư tử ngoại nhe nanh trước nhà truyền thống Cơ Tu ảnh 1 Sư tử đá Trung Quốc nhe nanh

Truyền thống của ai?

Đóng tại thôn Crung (xã Cà Dy, huyện Nam Giang), nằm sát ngay cạnh trung tâm hành chính huyện, nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu là nơi tổ chức các ngày hội toàn dân. 

Không có ngày hội, nhà truyền thống huyện Nam Giang đóng cổng im ỉm. Cổng bằng sắt, hàng rào cũng bằng sắt đã gỉ sét theo thời gian. Án ngữ ngay trước bậc thềm tam cấp là hai con sư tử đá nhe nanh. Đây được xem là linh vật của văn hóa Trung Hoa. Ở ngay phía trên là hai bình gốm, cũng là của Trung Quốc, rất xa lạ so với chum chóe của đồng bào Cơ Tu. Sàn bằng gạch bông, cột xi măng cốt thép giả gỗ, đèn chùm lộng lẫy. Nhà truyền thống không khác gì một tiền sảnh khách sạn hạng sang ở thành phố.

Cụ A lăng Bảy (thôn Crung) - một già làng sống ngay cạnh nhà truyền thống, thở dài: Một năm mấy lần lễ hội tổ chức ở đây. Già buồn lắm, nhìn cái nhà chẳng có gì truyền thống văn hóa của dân làng. Văn hóa Cơ Tu nó khác, không lộn xộn hổ lốn như thế này.   

Theo quan sát của chúng tôi, có lẽ nét truyền thống chỉ còn lại mấy bức hình về loài vật, về con người dân tộc được thể hiện trên mấy bức gỗ ở trong và trước căn nhà. Tuy nhiên, những hình vẽ về phong tục tập quán, sinh hoạt sản xuất của đồng bào ở phía trước nằm khuất ngay sau hai con sư tử đá nhe nanh trợn mắt. Du khách tham quan, đồng bào Cơ Tu ở địa phương ngày ngày đặt câu hỏi: Không biết ngôi nhà này gìn giữ truyền thống của ai?

“Có sư tử đá càng thêm sinh động”

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông A Viết Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang thản nhiên cho rằng, với sự xuất hiện của hai con sư tử đá là linh vật văn hóa Trung Quốc chẳng có vấn đề gì lớn ở đây. “Có nó (tức 2 con sư tử) thì không gian văn hóa càng thêm sinh động. Không vấn đề gì đâu” - ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, nhà truyền thống huyện được khánh thành và đưa vào sử dụng từ năm 2009, ngay từ khi hoạt động đã có 2 con sư tử ở đó rồi. Ông Sơn không bàn chuyện vì sao nhà truyền thống Cơ Tu lại được trang trí đèn chùm, gạch bông mà cho rằng, phải cốt thép bê tông hóa, hàng rào, cổng, cột cũng như tất cả đều bằng sắt, xi măng là bởi không muốn bị đàm tiếu nhà truyền thống góp phần… phá rừng! Riêng về bình gốm Trung Quốc và 2 con sư tử, ông Sơn nói: “Trang trí thêm cho nó phong phú, sinh động cái khuôn viên của mình thôi”. 

Được xây dựng trên diện tích 2,5 ha, nhà truyền thống Cơ Tu đưa vào sử dụng năm 2009, từ đó đến nay chỉ sửa chữa nhỏ 2 lần, chưa thay đổi hiện trạng. “Đây là nơi mà chúng tôi kỳ vọng sẽ gắn liền với các chuỗi liên kết du lịch ở miền tây xứ Quảng. Mục đích quan trọng nhất là thông qua ngôi nhà cùng các hoạt động ở đây, giáo dục cho thế hệ con cháu hiểu về truyền thống xa xưa của người Cơ Tu, hiểu về một vùng đất cách mạng” - ông Sơn nói.

Nhà truyền thống Cơ Tu Nam Giang được xây dựng và trang trí với nhiều hiện vật, linh vật ngoại lai phản cảm. Tuy nhiên, khi nói về mục đích xây dựng nhà truyền thống này, ông A Viết Sơn, Phó chủ tịch huyện lại nhấn mạnh: Đó là nơi bảo tồn văn hóa truyền thống địa phương, là nơi diễn ra các lễ hội truyền thống hằng năm, nơi để các diễn đàn đại đoàn kết dân tộc, tổ chức các ngày kỷ niệm lớn của huyện.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.