> Luôn có tinh thần Điện Biên trong giới trẻ
> Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tạo niềm tin, nghị lực phi thường
Nội năng của người trẻ rất lớn
Trước sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi, trong hàng triệu người dân tưởng nhớ, viếng và tiễn đưa bác phần lớn là thanh niên. Nhìn dòng bạn trẻ trong dòng người tiễn biệt Đại tướng, ông có suy nghĩ gì?
“Không phải không có lý khi người ta dùng từ Bác thân thương gọi Bác Hồ và Đại tướng! Thế hệ hiện nay, nhất là trong đội ngũ lãnh đạo cần học tập tấm gương của Bác Hồ, Đại tướng vì nước vì dân. Bác Hồ từng nói: “Lo trước cái lo của dân, vui sau cái vui của dân”. Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến |
Trong dòng người ấy, tôi cảm động khi có những cụ già râu tóc bạc phơ, đặc biệt hơn là lớp trẻ thế hệ 8X, 9X. Đối với lớp người đi trước, hình ảnh Bác Giáp in đậm trong họ 2 thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ là điều dễ hiểu. Nhưng ở lớp trẻ đã in sâu hình ảnh người cùng niềm tôn kính, tiếc thương, đó là điều rất đặc biệt. Trên đường đưa linh cữu Đại tướng về đất mẹ, chỗ nào cũng có đông đảo thanh niên, thậm chí thiếu niên, xếp hàng trật tự. Tôi nhìn thấy trên gương mặt của mỗi người toát lên sự thành kính. Đó là ấn tượng rất sâu sắc với tôi.
Dòng người vào viếng tại nhà riêng Đại tướng. |
Theo ông, vì sao rất nhiều bạn trẻ thế hệ 8X, 9X và cả những em sinh năm 2000 trở lại đây không sống trong chiến tranh, thậm chí chưa hề có ký ức, kỷ niệm với Bác Giáp nhưng họ đã có những tình cảm sâu sắc với người?
Điều đó chứng tỏ họ tiếc thương, kính trọng từ con tim để chúng ta thấy được thế hệ trẻ luôn hướng tới cái tâm.
Nhiều người đánh giá lớp trẻ hiện nay một cách lệch lạc, chỉ nhìn thấy mặt trái, mặt xấu mà chưa thấy mặt sáng. Sự trỗi dậy của lớp trẻ khi có những sự kiện như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi, hay có lũ lụt, hay có nguy cơ đe dọa biển đảo… Họ rất tự nguyện, hoàn toàn không có gì thúc ép, họ tự đến với nhau siết chặt vòng tay, cầm nến... Tôi thấy nội năng của những người trẻ rất lớn, lúc ấy, họ thể hiện được hết bản chất tốt đẹp của lớp trẻ.
Thức tỉnh công bộc
Trong những ngày quốc tang, trên bản tin Thời sự Đài THVN nhận định: “Đại tướng mất đi để thức tỉnh giới trẻ” nhưng nhiều bạn trẻ phản hồi rằng: Đây chính là dịp để thức tỉnh một số quan chức thì đúng hơn! Ông nghĩ sao về điều này?
Tôi cho rằng sự ra đi của Đại tướng thức tỉnh tất cả. Thức tỉnh nhiệt huyết, nghị lực của lớp trẻ; Thức tỉnh những người trải qua hai cuộc kháng chiến, sống qua nhiều thế hệ thời đại khác nhau nhưng cùng hướng về đạo đức, chữ nhân của Đại tướng; Những người nằm trong bộ máy công quyền nhưng không thể hiện mình là công bộc của dân lại có hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng thì qua sự kiện này sẽ nhìn lại mình và sẽ sống có nhân, nghĩa để lại tiếng thơm muôn đời. Điều này không thức tỉnh một thế hệ, lớp người mà là toàn dân.
Khi chứng kiến người dân đổ ra hai bên đường tiễn đưa Đại tướng ở quê Quảng Bình hay những nơi ghi dấu ấn như Điện Biên Phủ, Cao Bằng, An Toàn Khu hay những nơi chưa in dấu ấn sâu đậm của Đại tướng như vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nam bộ, họ cũng thể hiện tâm thức rất tốt hướng về Đại tướng. Mỗi người có tâm tư riêng nhưng đều hướng Thiện, kính yêu cái Tâm, Đức độ, nhân cách cao đẹp của Đại tướng.
Đánh giặc thời nay là chống tụt hậu
Chia sẻ tại diễn đàn báo Tiền Phong, nhiều bạn trẻ mong muốn để có những chiến thắng như Điện Biên Phủ thời bình, cần có những Đại tướng về kinh tế. Theo ông, làm sao để có những Đại tướng như giới trẻ mong muốn?
Không chỉ giới trẻ mà nhân dân cả nước đều mong có những Điện Biên trên những mặt trận mới Kinh tế, Giáo dục, Khoa học kỹ thuật.
Trên mặt trận KHKT cũng thế, Đại tướng từng nói KHKT nối dài cánh tay của người lao động, tiếp sức cho người lao động nên luôn cải tiến, sáng tạo. Những hội nghị về cải tiến KHKT, sáng tạo hay phát minh sáng chế, Đại tướng đều tới dự và tặng thưởng.
Những trận Điện Biên Phủ mới là những trận đánh giặc lớn nhất là tụt hậu về kinh tế, giặc lạc hậu về KHKT; Những Điện Biên Phủ thời nay là đột phá chiến lược về mặt kinh tế, xã hội, nguồn nhân lực. Đó chính là ước mong của Đại tướng, cũng như của chúng ta hiện nay để có vị trí xứng đáng trên thế giới. Hình ảnh Việt Nam không chỉ có anh hùng trong chiến đấu mà còn năng động, thông minh, đột phá trong kinh tế, đạt được thành tựu giáo dục.
Bài học sâu sắc về Tâm, Tài, Đức
Ông đánh giá thế nào về việc nêu gương của đội ngũ lãnh đạo, lớp người đi trước đối với giới trẻ?
Qua sự ra đi của Đại tướng để lại bài học sâu sắc là cái tâm, đức tận tụy vì nhân dân trong chiến tranh và thời bình. Vì thế để lại những tấm gương cho lớp người đi trước hiện nay. Những người lãnh đạo cần đi theo học tập tấm gương của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ông từng chia sẻ trên báo chí, có đức tin mọi việc tốt đẹp hơn, đặc biệt trong sự kiện ra đi của Đại tướng, cả dân tộc đau chung, khóc cùng. Vậy để người trẻ lập thêm những Điện Biên như Đại tướng mong muốn, họ cần phải làm gì? Cơ chế nào giúp họ thực hiện được điều đó, thưa ông?
Với cương vị quản lý nhà nước, xã hội thì những nhà quản lý cần tạo điều kiện vật chất, tinh thần cho lớp trẻ; tạo cho họ hướng đi, định hướng đích đến cụ thể để lớp trẻ phát huy hết tài năng, trí tuệ. Trong một cơ quan, tổ chức tạo điều kiện cho họ cống hiến, hoạt động. Đôi khi lớp trẻ buồn chán, ưu tư vì đồng lương ít, mức sống thấp do môi trường không tạo sự bình đẳng, thuận lợi cho họ rèn luyện, phấn đấu; mạnh dạn giao cho nhưng người trẻ những việc khó, vùng khó. Nhưng giao nhiệm vụ phải gắn với tạo điều kiện (cả về vật chất lẫn tinh thần).
Chúng ta cũng từng phát động nhiều phong trào trong thanh niên có hiệu quả, kết quả chứ không chỉ hô hào chung chung. Vấn đề phải hiệu quả, công bằng trong khen thưởng để người trẻ thấy giá trị của sức lao động bỏ ra. Cứ nói họ làm đi, nhưng không tạo điều kiện gì thì họ chỉ có bàn tay trắng chắc sẽ khó thực hiện được nhiệm vụ được giao.
Cảm ơn ông!
Đại tướng từng đề nghị chưa thông qua Luật Giáo dục
Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất quan tâm tới sự nghiệp trồng người. Ông Lê Như Tiến kể với độc giả Tiền Phong, năm 2005, lần đầu tiên Quốc hội thông qua luật về Giáo dục, ngày 19/5, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có viết thư gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An: “Ngày mai (tức là 20/5/2005 - NV), Đại tướng đề nghị chưa nên thông qua Luật Giáo dục”. Điều này tôi nghĩ không khác gì việc kéo pháo vào Điện Biên Phủ, rồi lại phải kéo ra. Đại tướng lý giải trong bức thư, ông đọc dự thảo Luật Giáo dục thấy có nhiều vấn đề chưa được xử lý thấu đáo, thấu tình đạt lý như luân lý, mục tiêu, nội dung giáo dục. Đại tướng quan tâm làm rõ chương trình giáo dục, hệ thống sách giáo khoa, đặc biệt là các tiêu chuẩn đối với giáo viên. Đại tướng cho hay, nhà giáo là người ươm trồng những tài năng, nên chương về nhà giáo cần phải đậm đà hơn. Trước bức thư như vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đề nghị tôi liên hệ với văn phòng của Đại tướng để bố trí Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Trần Thị Tâm Đan sang làm việc với Đại tướng. Ngay chiều 19/5, tuy đang mệt yếu, nhưng nghe tin lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ sang làm việc, Đại tướng dậy tiếp ngay. Những vấn đề trăn trở của Đại tướng được ban soạn thảo, ủy ban thẩm tra làm việc suốt mấy ngày để chỉnh lý lại những điều Đại tướng góp ý. Đại tướng vui hơn và nói rằng: “Nếu các đồng chí chỉnh lý được như thế thì tôi yên tâm”. Đồng chí Nguyễn Văn Yểu đưa Đại tướng bản dự thảo mới nhất, Đại tướng tập trung vào những nội dung quan tâm, rồi nói: “Các đồng chí đã sửa thế này, tôi yên tâm. Nếu giữ như bản dự thảo thì chưa nên thông qua Luật Giáo dục!”. Kỷ niệm này để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc về tấm lòng của Đại tướng quan tâm tới sự nghiệp trồng người. Đại tướng cũng mong rằng Việt Nam có những trường đạt được chất lượng cao trên quốc tế. |
Phương Hiếu
thực hiện