Hai sĩ quan hải quân cấp cao của Indonesia cho biết hình ảnh vệ tinh thời tiết Himawari-8 của Nhật Bản, cũng như hình ảnh từ một vệ tinh châu Âu cho thấy một làn sóng ngầm đã xuất hiện ở khu vực nơi tàu ngầm KRI Nanggala-402 mất tích.
Sóng ngầm nằm trong lòng đại dương, và khác hoàn toàn với vùng nước xung quanh về nhiệt độ, độ mặn.
Ông Iwan Isnurwanto, người đứng đầu trường Tham mưu và Chỉ huy Hải quân, đồng thời là cựu thủy thủ tàu ngầm, cho biết: “Nếu tàu ngầm bị sóng ngầm dội từ trên xuống, thì chẳng khác nào chúng ta đang đối đầu với thiên nhiên. Sóng sẽ kéo, đẩy tàu ngầm trong chớp mắt. Con người chắc chắn không thể chống lại thiên nhiên.”
Ông Isnurwanto giải thích rằng có sự khác biệt về mật độ nước biển giữa Eo biển Lombok và vùng nước sâu hơn nhiều ở phía Bắc Bali – nơi tàu ngầm KRI Nanggala-402 được tìm thấy.
Vào ngày 21/4 – ngày xảy ra vụ tai nạn, có một dòng dịch chuyển mạnh mẽ từ cao xuống thấp, tạo ra một làn sóng ngầm khổng lồ từ Eo biển Lombok (sâu 200m-400m) xuống vùng biển phía Bắc Bali (sâu hơn 1.000m).
“Chúng tôi đang nói đến trường hợp khoảng 2 triệu đến 4 triệu mét khối nước ập vào bạn. Liệu bạn có thể chống đỡ nổi không? Tàu ngầm Nanggala đã lặn xuống độ sâu 13m, và có thể họ đã bị cuốn vào sóng ngầm.”
Vòng hoa được thả xuống biển để tưởng nhớ 53 thủy thủ tàu Nanggala. Ảnh: Reuters |
Đô đốc Muhammad Ali, trợ lý Tư lệnh Hải quân Indonesia, trong khi đó cho biết những hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ được tính đến trong những chiến dịch tương lai, và hải quân sẽ nghiên cứu sâu hơn.
“Một cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành. Sẽ mất một thời gian. Chúng tôi sẽ mời các chuyên gia tàu ngầm tham gia phân tích, không chỉ là chuyên gia trong nước mà còn có thể cả chuyên gia từ nước ngoài. Chúng tôi có các hội nghị quốc tế về tàu ngầm. Hội nghị tàu ngầm châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức hai năm một lần và có sự tham gia của tất cả các hạm đội tàu ngầm trên toàn thế giới”, Đô đốc Ali nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Ba, 27/4.
Người phát ngôn hải quân Indonesia - Julius Widjojono trước đó cho biết tàu ngầm mất liên lạc ở độ sâu 600m đến 700m dưới nước, trong khi theo thiết kế, tàu chỉ có thể chịu được độ sâu tới 500m.
Hải quân Indonesia nhận định sự cố mất điện có thể xảy ra trong quá trình lặn tĩnh, khiến tàu ngầm mất kiểm soát và không thể kích hoạt quy trình khẩn cấp để nổi lên.
Theo Đô đốc Ali, tàu cứu hộ MV Swift của Singapore hôm thứ Ba vẫn tiếp tục tích cực tham gia nỗ lực trục vớt xác tàu ngầm. Các ngư lôi mà tàu ngầm mang theo, mỗi quả nặng khoảng 2 tấn, đã được tìm thấy.
“Chúng tôi hiện đang tập trung trục vớt các vật thể nhỏ hơn, vì thiết bị điều khiển từ xa dưới nước chỉ có khả năng nâng những vật thể nặng tối đa 150kg”, ông Ali nói thêm.
Trong khi đó, thân nhân thủy thủ đoàn đã kêu gọi cơ quan chức năng trục vớt thi thể những người xấu số.
Ông Wahyudi (52 tuổi), cha của thủy thủ Pandu Yudha Kusuma, nói: “Chúng tôi hiểu rằng điều đó có thể mất thời gian. Nhưng gia đình, vợ con và cha mẹ, muốn có cơ hội để tiễn biệt họ lần cuối.”