Sự thật về kỹ thuật nâng mũi S-line Hàn Quốc

Hầu hết các thẩm mỹ viện của Việt Nam hiện nay đều quảng cáo các dịch vụ làm thẩm mỹ gắn liền với hai chữ "Hàn Quốc", nhưng có một sự thật rất bất ngờ khi tìm hiểu phương pháp này.

"Qua phim ảnh, người Việt lấy tiêu chuẩn về cái đẹp của người Hàn để hướng tới nên các thẩm mỹ viện luôn gắn quảng cáo với từ “Hàn Quốc”. Tuy nhiên, cách làm đẹp kiểu Hàn Quốc và Việt không khác nhau", đó là nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Huy Thọ - Phó Chủ tịch Hội phẫu thuật và tạo hình thẩm mỹ Hà Nội, nguyên chủ nhiệm khoa Phẫu thuật hàm mặt và tạo hình BV Quân đội Trung ương 108.

Tại sao có “mốt” mũi Hàn Quốc?

TS Nguyễn Huy Thọ cho biết, về cơ bản, hình dáng mũi của người Hàn Quốc rất giống người Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Trong chuyên môn, kỹ thuật nâng mũi, cách xử lý, chất liệu của Hàn Quốc hoàn toàn giống với các nước khác và giống Việt Nam.

Sự thật về kỹ thuật nâng mũi S-line Hàn Quốc ảnh 1

Chất liệu silicon nâng mũi Hàn Quốc (bên trái) và chất liệu nâng mũi của Mỹ (bên phải).

“Không có gì đặc biệt giữa nâng mũi Hàn Quốc và Việt Nam. Cái chính là phải làm sao cho mũi đó hài hòa, phù hợp với tổng thể khuôn mặt. Đó mới là đẹp”, bác sĩ Thọ nhận định.

Tiêu chuẩn của một chiếc mũi đẹp theo tiến sĩ Thọ là thể hiện ở độ dài của sống mũi và độ thanh của cánh mũi. Quan trọng hơn cả là sự kết hợp hài hòa giữa đầu mũi, thân mũi với khuôn mặt.

“Khi làm mũi, sống mũi không được phép thẳng tưng. Nó phải có điểm lõm ở gốc mũi và điểm giáp nối giữa đầu mũi và thân mũi”, TS Nguyễn Huy Thọ cho biết.

Hiện nay, theo nghiên cứu, người Việt Nam có độ dài mũi trung bình 4,5-5cm. Với người có độ dài mũi trên 5cm được coi là mũi dài; 4cm được coi là mũi ngắn và dưới 4cm là rất ngắn. Việc phẫu thuật thẩm mỹ cho mũi hoàn toàn có thể khắc phục được những khiếm khuyết đó.

Nói về khái niệm nâng mũi kiểu S-line đang “nóng” tại các TMV không khác “nâng mũi Hàn Quốc”, Phó Chủ tịch hội Phẫu thuật và tạo hình thẩm mỹ Hà Nội-Nguyễn Huy Thọ cho biết, trong các tài liệu Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ không có khái niệm hay nội dung nào có nói đến làm mũi kiểu S-line.

“Chúng tôi không có khái niệm làm mũi kiểu S-line. Có lẽ cái tên này xuất phát từ việc người họa sĩ nào đó phác họa nhân vật có sống mũi hình chữ S mềm mại, từ đó xuất hiện khái niệm đó. Đó không phải là từ chuyên môn”, TS Thọ nói.

Việt Nam chuộng làm lỗ mũi chữ “O” thành chữ “A”

Việc nâng sửa mũi đối với người châu Âu và châu Á cần thực hiện khác nhau bởi hình dáng mũi người của hai châu lục này khác nhau.

Bác sĩ Thọ cho biết, nếu như người châu Âu có mũi to, gồ, khoằm thì phần lớn người châu Á có sống mũi thấp, trụ mũi ngắn, sống mũi nhiều khi không hài hòa với khuôn mặt… nên việc sửa chữa, tạo hình cũng khác nhau.

Theo kinh nghiệm 37 năm làm nghề, nguyên chủ nhiệm khoa Phẫu thuật hàm mặt và tạo hình BV Quân đội TƯ 108 cho biết, phần lớn người châu Á khi làm mũi thường muốn nâng cao sống mũi, trụ mũi, làm dài thân mũi, đầu mũi cao lên, biến lỗ mũi chữ “O” thành chữ “A”, làm mỏng cánh mũi.

Sự thật về kỹ thuật nâng mũi S-line Hàn Quốc ảnh 2 Hình ảnh trước (2 ảnh trên) và ngay sau khi nâng mũi của bệnh nhân (2 ảnh dưới). Ảnh: BS cung cấp

Đối với kỹ thuật nâng sống mũi, TS Nguyễn Huy Thọ cho biết, có hai nhóm phương pháp phổ biến: chỉ đặt trong sống mũi những chất liệu làm mũi cao lên (silicon, sụn tự thân lấy từ sụn sườn hoặc tai…); phương pháp mổ mở mũi (rạch các đường quanh mũi, tác động vào khối sụn mũi) tuy mất thời gian nhưng rất hiệu quả trong việc tạo hình làm đẹp mũi. Việc mổ mở mũi đang được người TP.HCM ưa chuộng tuy rằng nó phức tạp và có thể có nhiều biến chứng hoặc các lưu ý đi kèm.

Về chất liệu để nâng mũi, bác sĩ Thọ cũng tiết lộ về 3 dạng chất liệu mà các chuyên gia đầu ngành về tạo hình mũi thường sử dụng tại Việt Nam.

Việc sử dụng các mảnh silicon đã được đúc sẵn hoặc tự gọt khiến quá trình nâng mũi diễn ra nhanh hơn, ít tốn thời gian; hay việc sử dụng toàn bộ chất liệu tự thân (xương sụn sườn, sụn tai ghép vào sống mũi) khiến bệnh nhân ít lo ngại vì “vật thể lạ” nhưng mất nhiều thời gian hơn…

Đặc biệt, hiện nay còn có sự kết hợp giữa các chất liệu từ silicon và tự thân. Nếu như thân mũi được làm từ silicon thì đầu mũi, vách ngăn được sử dụng chất liệu tự thân.

“Chất liệu kết hợp này đang trở nên phổ biến vì nó hiệu quả hơn, tránh biến chứng từ nâng silicon đơn thuần, làm đầu mũi không đỏ, thân mũi không mỏng…”, bác sĩ Thọ cho biết.

Theo Nguyễn Vũ 

Theo Zing
MỚI - NÓNG