Nói hơi …quá sự thật
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến thời điểm này, cả nước có khoảng 90 nhà máy điện gió (ĐG) và điện mặt trời (ĐMT) với tổng công suất lắp đặt 5.543,8 MW chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia. Riêng hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận có 38 nhà máy với tổng công suất lắp đặt 2.027 MW. Dự kiến, đến tháng 12/2020, công suất ĐMT ở 2 tỉnh này sẽ tăng lên 4.240 MW. Vì vậy, công suất cần truyền tải rất lớn. Với Ninh Thuận là từ 1.000 - 2.000 MW và Bình Thuận là từ 5.700 - 6.800 MW dẫn đến nhiều hệ thống đường dây, trạm biến áp khu vực này quá tải.
Đại diện EVN cho biết với mong muốn Ninh Thuận trở thành Trung tâm Năng lượng tái tạo (NLTT), Chính phủ đã yêu cầu đến hết năm 2020, hạ tầng đấu nối với công suất thiết kế 2.000 MW của các nhà máy ĐG, ĐMT cũng phải hoàn thành và đi vào vận hành. Thậm chí, để bù đắp cho phần công suất phát thiếu hụt giờ thấp điểm của các dự án ĐMT ở khu vực này, một nhà máy thủy điện tích năng đã được quy hoạch.
Tuy nhiên, do việc xây dựng một nhà máy ĐMT chỉ mất vài tháng, trong khi đầu tư một công trình lưới truyền tải mất ít nhất vài năm nên sau 2 năm phát triển, các dự án ĐMT ở Ninh Thuận đã chững lại do quá tải về hệ thống lưới truyền dẫn đấu nối vào lưới điện quốc gia.
Do quá tải hệ thống lưới truyền tải, Trung tâm Điều độ hệ thống Điện quôc gia (A0) phải cắt giảm công suất của các nhà máy ĐG, ĐMT tại một số thời điểm nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống. Tuy nhiên, con số cắt giảm 60% công suất như một số chủ đầu tư đưa ra thực tế chỉ là ở một thời điểm. Nếu trung bình ngày, trong tháng 6 và 7/2019, công suất cắt giảm chỉ dao động ở mức 30 -35%.
Việc quá tải đường dây truyền tải khi các dự án đồng loạt nối lưới đã được ngành điện cảnh báo từ 11/2018 khi các dự án ĐG, ĐMT cùng tập trung một số khu vực phát triển “nóng” trong khi lưới điển chưa phát triển tương ứng.
Theo ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, dù không muốn nhưng trung tâm buộc phải giảm tải các nhà máy để đảm bảo an toàn lưới điện và an ninh hệ thống điện theo yêu cầu về kỹ thuật. Trong thời gian tới, các nhà máy vẫn phải tiếp tục giảm công suất và việc kéo dài này phụ thuộc vào tiến độ cải tạo, nâng cấp và bổ sung các công trình truyền tải mới.
Ông Đạo Văn Rớt, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận cho biết Bình Thuận và Ninh Thuận đã kiến nghị Bộ Công thương xem xét điều chỉnh tiến độ đầu tư, xây mới, cải tạo hoặc nâng cấp các đường dây truyền tải và trạm biến áp 500kV, 220kV, 110kV trước năm 2020 để giải tỏa công suất cho các nhà máy ĐG, ĐMT. Nếu toàn bộ các đường dây đang đầu tư và đưa vào vận hành đúng kế hoạch thì đến 6/2020 sẽ giải tỏa toàn bộ công suất các nhà máy khu vực Ninh Thuận đã phát điện trước 6/2019. Các nhà máy triển khai sau thời điểm này vẫn chưa được giải quyết.
“Xài” chung hay “xài” riêng ?
Trước thực tế này, UBND tỉnh Ninh Thuận đang tìm mọi giải pháp, trong đó đề xuất kêu gọi đầu tư làm đường dây 500 KV nhằm giải tỏa công suất, giảm thiệt hại cho các nhà đầu tư, đồng thời đảm bảo giải tỏa 2.000MW đã được Chính phủ phê duyệt cũng như giải quyết tình trạng quá tải các đường dây 110 KV, 220KV.
Theo ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, chỉ có đường dây 500KV mới đủ khả năng truyền tải công suất trên 2.000MW và công suất cho các đường dây 110KV, 220KV hiện hữu từ Thuận Nam đi Vĩnh Tân.
Theo đó, trạm đường dây 500KV sẽ tải công suất cụm các nhà máy ĐMT khu vực Ninh Thuận (2000 MW), đường dây 110 KV khu vực Ninh Thuận nối lên lưới 220 KV, đường dây 220 KV Tháp Chàm - Vĩnh Tân, đường dây 500 KV Vân Phong đi Vĩnh Tân. Tổng công suất giải tỏa 2.000 MW NLTT và 4.000 MW điện khác.
Việc đầu tư và xây dựng trạm đường dây 500 KV mang đến lợi ích cho nhiều bên. UBND Tỉnh Ninh Thuận vì giải tỏa hết công suất trước cuối năm 2020, đảm bảo cam kết với các nhà đầu tư, giảm thiết hại, tăng nguồn thu ngân sách. Mong muốn của tỉnh Ninh Thuận là trạm và đường dây 500 KV sẽ giải tỏa công suất lên đến 6000 MW. Trạm và đường dây 500 KV không chỉ để giải tỏa công suất 2000 MW của cụm ĐMT mà còn đường dây 220 KV hiện hữu và đường dây 500 KV Vân Phong – Vĩnh Tân của EVN. EVN cũng sẽ không giảm phát công suất các nhà máy NLTT ở tỉnh Ninh Thuận. Các nhà đầu tư các dự án NLTT tại Ninh Thuận cũng không còn nguy cơ giảm phát công suất.
Theo ông Phạm Văn Hậu, nếu được cơ quan có thẩm quyền cho phép, nhà đầu tư sau khi hoàn thành sẽ bàn giao toàn bộ hệ thống trạm đường dây 500 KV cho EVN vận hành, quản lý với giá 0 đồng. Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cho rằng phương án này là “chấp nhận được”.
Về nguyên tắc, EVN đảm bảo điểm đấu nối cho các nhà máy điện độc lập nhưng hiện nay EVN chưa thể đầu tư giải toản hết công suất 2000 MW và giảm quá tải đường dây 220 KV, 110 KV hiện hữu, nếu có sẵn điểm đấu nối và giải toả hết công suất thì các nhà đầu tư đấu nối bằng chính đường dây 110 KV, 220 KV của họ, không cần đến trạm 500 KV. Tuy nhiên thực tế cho thấy vì EVN không thể giải quyết trước năm 2020 nên UBND tỉnh Ninh Thuận kêu gọi xã hội hóa, đầu tư trạm và đường dây truyền tải nhằm giải tỏa công suất các nhà máy.
“Đầu tư đường dây 500 KV là giải pháp lâu dài để tỉnh Ninh Thuận trở thành trung tâm NLTT”, ông Hậu khẳng định.
Tại hội thảo về NLTT vừa diễn ra tại Hà Nội, một số chuyên gia cho rằng với bất kỳ nhà đầu tư nào, việc đầu tư trạm và đường dây 500 KV cũng cân nhắc lợi ích khi triển khai dự án chứ không có chuyện làm...từ thiện. Bỏ ra khoảng 1.200 tỷ đồng, nhà đầu tư sẽ hoàn vốn bằng phương thức đầu tư khác. Phương án này giải quyết hài hòa lợi ích giữa địa phương, EVN và các nhà đầu tư.
Về một số ý kiến lo ngại việc làm đường dây 500 KV chỉ nhằm phục vụ việc truyền tải điện của nhà đầu tư làm đường dây, các chuyên gia khẳng định là không có cơ sở. Trạm, 17 km đường dây 500 KV có tiến diện 600 mm2 với 3 máy biến áp 500 KV – 3 x 900 MVA, 2,700 MVA (tương đương 2,300 MW) sẽ tải cho cụm nhà máy NLTT (2000 MW) và công suất dường dây 220 KV hiện hữu.
Ngoài ra, với 4 mạch đấu nối 220 KV tại khu vực Thuận Nam đấu nối đường dây 500 KV Vân Phong đi Vĩnh Tân thì tổng công suất giải toả là 6,000 MW.