Sự quan tâm đặc biệt của 'đại bàng' Mỹ, Hàn cùng hàng tỷ USD chờ 'rót' vào Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chỉ trong nửa đầu năm nay, Việt Nam đã đón các đoàn doanh nghiệp lớn từ Mỹ, Hàn Quốc, với nhiều dự án chờ vào nước ta. Môi trường đầu tư ổn định, ưu đãi mới là những yếu tố được doanh nghiệp cân nhắc để quyết định rót vốn, mở rộng hoạt động.

Nhiều “đại bàng” FDI đến Việt Nam

Trước làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư toàn cầu, nhiều tập đoàn nước ngoài cân nhắc "rót" thêm vốn vào Việt Nam. Nhà đầu tư dự tính đầu tư vào nhiều lĩnh vực mới, hướng tới sản xuất xanh, sử dụng năng lượng tái tạo. Sự quan tâm của các “đại bàng” FDI đến thị trường Việt Nam thể hiện rõ hơn qua việc liên tiếp các đoàn doanh nghiệp nước ngoài tới tìm cơ hội đầu tư. Từ đây, nhiều biên bản ghi nhớ (MOU) đã được ký kết.

Sự quan tâm đặc biệt của 'đại bàng' Mỹ, Hàn cùng hàng tỷ USD chờ 'rót' vào Việt Nam ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC). Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Chỉ trong nửa đầu năm, Việt Nam đón 2 đoàn doanh nghiệp lớn từ Mỹ, Hàn Quốc. Tháng 3, hơn 50 doanh Hoa Kỳ đến Việt Nam để thảo luận về các cơ hội đầu tư và kinh doanh.

Đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) cho biết, các công ty Mỹ có xu hướng tiếp tục mở rộng trung tâm sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam trong các ngành bán dẫn, FMCG, đồ chơi, đồ nội thất, lương thực thực phẩm, kinh tế số, kinh tế số sáng tạo, dịch vụ tài chính ngân hàng và chăm sóc sức khỏe. Chủ tịch USABC Ted Osius cho biết, các doanh nghiệp Hoa Kỳ coi Việt Nam là thị trường chiến lược với cam kết đầu tư dài hạn.

Ngoài những buổi làm việc với lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, doanh nghiệp Mỹ đã gặp gỡ, đặt vấn đề tìm hiểu hợp tác với doanh nghiệp trong nước.

Ông Trần Phương Lâm - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (Hansiba) - cho biết, hồi tháng 3, đại diện tập đoàn Boeing đã có buổi làm việc với hiệp hội, doanh nghiệp hội viên. Boeing muốn phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Ông Lâm nhận định, doanh nghiệp Việt Nam nếu được tiếp cận những tư vấn, hướng dẫn chuyên nghiệp, nâng cao danh mục máy móc, kỹ năng về quản lý, quản trị chất lượng sản phẩm, tuân theo yêu cầu cao về chứng chỉ sản xuất, hoàn toàn có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuần trước, hơn 200 doanh nghiệp Hàn Quốc tháp tùng Tổng thống thăm chính thức Việt Nam, đây là phái đoàn doanh nghiệp lớn nhất từ trước tới nay của Hàn Quốc tới Việt Nam. Hàng loạt MOU giữa doanh nghiệp hai nước được ký kết.

Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết, các nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ đổ hàng tỷ USD vào Việt Nam trong thời gian tới. “Chúng tôi có danh sách mấy chục dự án đang chờ, có dự án vài trăm triệu USD, có dự án cả tỷ USD. Chúng tôi sẽ sớm có những thông tin mới về các dự án này”, ông Đỗ Nhất Hoàng tiết lộ.

Trong khoảng 6-7 năm trở lại đây, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam có sự bứt phá. Hiện, Hàn Quốc đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký khoảng 81,5 tỷ USD. Doanh nghiệp Hàn Quốc bày tỏ tin tưởng vào môi trường kinh doanh, tiềm năng thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

Sự quan tâm đặc biệt của 'đại bàng' Mỹ, Hàn cùng hàng tỷ USD chờ 'rót' vào Việt Nam ảnh 2

Samsung đang có kế hoạch mở rộng nguồn cung ứng từ các doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam - cho biết, Samsung đang có kế hoạch mở rộng nguồn cung ứng từ các doanh nghiệp Việt Nam để bảo đảm chuỗi cung ứng ổn định cho nhà máy sản xuất, cũng như tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của tập đoàn.

“Với triết lý tương sinh cùng phát triển, Samsung sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong hỗ trợ chuyên gia tư vấn, xây dựng nhà máy thông minh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Choi nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông GiTaek Jung - Giám đốc điều hành Công ty Shinwoo - kỳ vọng, việc ký hàng loạt MOU sẽ tạo ra sức bật mới cho làn sóng thương mại và đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam trong thời gian tới. Công ty Shinwoo vừa ký một MOU tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc để mở rộng thị trường và sẽ cố gắng để phát triển hơn nữa tại Việt Nam.

Ông Jung đánh giá, sự quan tâm của nhà đầu tư Hàn Quốc tới thị trường Việt Nam ngày càng lớn. Doanh nghiệp tin tưởng vào sự quan tâm của chính phủ hai nước, thúc đẩy môi trường đầu tư, kinh doanh.

Sự quan tâm đặc biệt của 'đại bàng' Mỹ, Hàn cùng hàng tỷ USD chờ 'rót' vào Việt Nam ảnh 3

Nhiều MOU được ký kết tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc

Để Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu

Doanh nghiệp trong nước cũng kỳ vọng mạnh mẽ vào những cơ hội hợp tác đã ký kết. Ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn N&G - cho biết, doanh nghiệp vừa ký, trao hợp đồng hợp tác đầu tư với Tập đoàn SEIN I&D của Hàn Quốc để xây dựng “Tổ hợp Techno Park Việt Nam - Hàn Quốc” tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội. Hai bên đang tiếp tục khảo sát, đầu tư mở rộng tổ hợp công nghiệp công nghệ cao (mang biểu tượng Việt Nam - Hàn Quốc) tại 3 miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam, làm cơ sở hợp tác sâu rộng và bền vững cho các doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ.

Ông Nguyễn Hoàng nhận định, với hạ tầng ngày càng phát triển, lao động trẻ dồi dào có khả năng thích ứng và tiếp cận công nghệ mới, và hàng trăm ngàn doanh nghiệp Việt Nam đang đủ điều kiện tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu trong đó có ngành micro - chip bán dẫn.

Trước đó, trong buổi làm việc với ông Kim Ki Mun - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc (KBIZ), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chỉ rõ với hơn 7 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc (trong đó có rất nhiều các doanh nghiệp sở hữu công nghệ cao - bí quyết của Hàn Quốc - PV), việc xây tổ để hợp tác cùng nhau giữa doanh nghiệp hai nước sẽ là cùng thắng - cùng mạnh hơn nữa trong tương lai gần.

Hiện, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đang cân nhắc việc tăng vốn đầu tư và đầu tư mới nếu như môi trường đầu tư tiếp tục ổn định. Đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao và các công ty tài chính, năng lượng. Để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp công nghệ cao vào Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, nhà đầu tư sẽ cảm thấy an toàn hơn khi đầu tư vào Việt Nam và cảm nhận rõ sự cải thiện về thủ tục hành chính, ưu đãi rộng hơn từ Chính phủ.

Sự quan tâm đặc biệt của 'đại bàng' Mỹ, Hàn cùng hàng tỷ USD chờ 'rót' vào Việt Nam ảnh 4

Sắp tới, nhiều doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc mở rộng nguồn cung ứng, đầu tư vào Việt Nam, trong đó có các "đại bàng" Samsung, LG

Ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) - cho biết, sắp tới sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam. Vừa qua, Công ty Điện tử Samsung - doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam đã đầu tư thêm 20 tỷ USD vào lĩnh vực sản xuất, hoàn tất xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm nghiên cứu R&D quy mô lớn nhất Đông Nam Á từ cuối năm ngoái. Các công ty như Điện tử LG, LG Display, LG Innotek hiện đang mở rộng đầu tư để phát triển thành cứ điểm sản xuất toàn cầu về điện ô tô, thiết bị điện tử và thiết bị gia dụng.

Nếu doanh nghiệp nộp đủ thuế suất 15% tại Việt Nam, Việt Nam sẽ có đủ nguồn tài chính để hỗ trợ lại các doanh nghiệp các khoản chi phí như nghiên cứu và phát triển, đầu tư trang thiết bị, sản xuất công nghệ cao.

Hiện tại, để thu hút “đại bàng”, Việt Nam đang khẩn trương nghiên cứu, đánh giá các tác động của thuế tối thiểu toàn cầu.

Ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế - cho rằng, cần xây dựng nguồn hỗ trợ doanh nghiệp FDI. Phương án triển khai tùy theo đặc điểm của từng loại hình doanh nghiệp. Để có nguồn tài chính cho các hình thức hỗ trợ, ông Minh cho rằng, cần đảm bảo quyền đánh thuế bằng cách áp dụng cơ chế thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn.

Ông Michael Kokalari - Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital - nhận định, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hàng đầu cho FDI. Lý giải cho nhận định này, ông Michael Kokalari cho rằng, Việt Nam đang theo đuổi “Mô hình phát triển Đông Á” - cách tiếp cận mà các nền kinh tế được ví như “Con hổ của châu Á” đã vận dụng để trở nên giàu có.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, đến ngày 20/6/2023, tổng vốn FDI đăng ký ước đạt 13,43 tỷ USD, bằng 95,7% so với cùng kỳ (giảm 4,3%). Trước đó, 5 tháng, mức giảm là 7,3%. Như vậy, mức giảm đã thấp hơn so với các tháng trước. Giải ngân FDI ước đạt 10,02 tỷ USD, tăng nhẹ 0,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Các nhà đầu tư đến từ châu Á, các đối tác đầu tư truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn (Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan). Sáu đối tác này đã chiếm tới 76,1% tổng vốn đầu tư của cả nước trong 6 tháng.

MỚI - NÓNG