Sự học ở xứ ruồi vàng

Phòng lưu trú của HS nam.
Phòng lưu trú của HS nam.
TP - Chỉ nghe tên gọi của các địa danh như thôn Lán Tranh, dốc Cổng Trời đã gợi lên sự nghèo khó và địa hình hiểm trở của Đưng K’Nớ (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), một trong những xã nghèo nhất Nam Tây Nguyên. Rồi thì giao thông cách trở, khí hậu khắc nghiệt, vấn nạn ruồi vàng… càng làm cho đường đến trường của trẻ em K’Ho gian nan gấp bội.

Tựu trường sớm để học sinh có thời gian từ rừng trở về

“Những năm học trước thường xẩy ra tình trạng nhập học chính thức rồi mà vẫn thiếu rất nhiều học sinh (HS), đặc biệt là HS các lớp 8 và 9. Nguyên nhân do kỳ nghỉ kéo dài tới mấy tháng, các em theo cha mẹ lên rừng, đi rẫy quá lâu, cách nhà cả chục cây số nên quên cả thời điểm khai giảng năm học mới”, thầy Khổng Linh Phát (36 tuổi, Tổng phụ trách Đội Trường TH &THCS Đưng K’Nớ) tâm sự.

Để khắc phục tình trạng trên, năm nay xã Đưng K’Nớ quyết định cho học sinh tựu trường vào giữa tháng 8, tức sớm hơn 1 tuần so với toàn tỉnh Lâm Đồng để rung chuông báo động các HS rời rừng trở về nhập học. “Trong tuần lễ phụ trội này, giáo viên và HS chủ yếu dọn vệ sinh trường lớp, tập dượt nghi thức Đội, chuẩn bị cho lễ khai giảng, thăm nắm tình hình các bạn chưa ra lớp để thầy có kế hoạch… đi tìm trò”, thầy Phát nói.

Còn theo ông Phi Srỗn Ha Nràng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đưng K’Nớ, địa phương đã thành lập Ban vận động HS ra lớp do phó chủ tịch xã làm trưởng ban. Ban này trực tiếp làm việc với các già làng, trưởng thôn, chức sắc tôn giáo để cử một số người có uy tín cùng giáo viên đến từng gia đình khuyên bảo, động viên. Với những phụ huynh dẫn con lên rẫy, vào rừng miệt mài kiếm sống quên cả ngày khai giảng thì nhà trường phân công giáo viên theo dõi tình hình. Lúc nào họ trở về nhà dù đêm hôm, mưa gió cũng lặn lội tìm đến thăm hỏi, vận động phụ huynh cho con em đi học.

Sự học ở xứ ruồi vàng ảnh 1 Trường Đưng K’Nớ giữa điệp trùng núi non.

Đưng Trang là thôn xa xôi, hẻo lánh nhất của Đưng K’Nớ, cách trung tâm xã hơn 8 km đường rừng. Vào mùa mưa thôn này gần như bị cô lập bởi núi rừng hiểm trở, đường sá lầy lội. Gần 100% cư dân trong thôn là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó nhiều hộ vì nghèo khó nên chỉ lo kiếm sống, không quan tâm đến chuyện học chữ. Hễ con em không thích đi học là cho nghỉ luôn.

“Mỗi lần gặp trường hợp như thế tôi thường gặp riêng HS trò chuyện để nắm bắt tâm tư, khúc mắc rồi phân tích cho các em thấy lợi ích của việc học. Tôi cũng động viên phụ huynh tạo điều kiện cho con em tiếp tục đến trường để tốt nghiệp THPT rồi học nghề hoặc vào cao đẳng, đại học để có thể đi xa hơn bản làng heo hút, tìm kiếm cơ hội phát triển, thoát khỏi cảnh quanh năm vất vả bám rẫy, “ăn” rừng mà nghèo vẫn hoàn nghèo”, thầy Phát chia sẻ kinh nghiệm.

Thầy kể “ Có lần, một HS nam thổ lộ cha mẹ bảo em nghỉ học ở nhà làm cà phê hoặc vào rừng hái nấm, tìm lan rừng, mật ong giúp gia đình. Trường cử giáo viên tìm đến tận nhà khuyên phụ huynh tạo điều kiện cho con học cái chữ để sau này đọc sách và học hỏi kinh nghiệm làm ăn của người khác, tìm cơ hội đổi đời. Sau đó HS xin thầy cô cho đến lớp một tuần 3 ngày, những ngày còn lại đi làm kiếm tiền lo cho các em. Tôi động viên em dành thời gian đến lớp nhiều nhất có thể và cuối cùng thì HS này cũng đã tốt nghiệp THCS”.

Sự học ở xứ ruồi vàng ảnh 2 Cuộc sống nghèo khổ khiến sự học càng gian nan.

Nhà lưu trú, mái ấm gia đình

Là xã vùng sâu nghèo khó với 98% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng thật bất ngờ số giáo viên từ miền xuôi lên lại chiếm tỉ lệ áp đảo, trong đó nhiều người đã bám trụ cả chục năm như thầy Phát, cô Tứ, cô Thanh… Thầy Phát cho biết khai giảng năm học mới rơi vào đúng mùa mưa. Thời tiết mưa gió còn kéo dài suốt 3 tháng sau đó nên con đường dài hơn 6-7 km từ thôn Đưng Trang đến trường vốn nhỏ hẹp lại càng trơn trượt, đặc quánh bùn đỏ hoặc gập ghềnh sỏi đá rất khó đi. Nhiều HS bước vào lớp học trong tình trạng người lấm lem bùn đất thấy thương lắm! Việc duy trì sĩ số rất khó khăn vì HS cứ “rơi rụng” dần.

Phụ huynh ở thôn Đưng Trang hiến kế, mỗi gia đình đóng góp vài miếng ván, tấm tôn để làm nhà tạm cho con em trọ học tại trường. Ban giám hiệu chuyển đề xuất này đến lãnh đạo địa phương, ngành giáo dục và được đồng ý cho xây dãy nhà cấp bốn gồm 2 phòng ngủ, 1 nhà bếp cho HS vùng sâu lưu trú. “Nhờ vậy mà 2 năm nay không còn cảnh HS mang theo bùn đất vào lớp. Số HS bỏ học giữa chừng giảm hẳn, chất lượng học tập cũng được nâng lên”, thầy Phát hồ hởi nói.

Khi mới tựu trường chỉ có 1/3 trong tổng số HS ra lớp, nay đã đạt tỉ lệ 97%, trong đó có 27 HS đến từ thôn xa xôi heo hút Đưng Trang. Thấy HS THCS địu sách vở và vật dụng cá nhân dẫn theo các em bé bậc tiểu học đi bộ nhiều cây số đến khu lưu trú, nhiều giáo viên vui mừng, xúc động đến ứa nước mắt.

“Đến khi nhìn thấy nụ cười rạng rỡ, ánh mắt trong veo của bầy trẻ nhỏ mới thấy nhẹ lòng”, cô bảo mẫu Trương Thị Diện (28 tuổi) thổ lộ. Cô cho biết, năm đầu tiên cô từ thôn Đinh Trang ra ở chung với các em để tiện chăm sóc. Mới 6-7 tuổi đã phải xa nhà, xa cha mẹ nên các cháu khóc dữ lắm.  Cô cùng các HS lớp 8-9 ôm ấp, dỗ dành mãi bé mới nguôi ngoai.

Theo Ban giám hiệu, mỗi HS lưu trú được huyện hỗ trợ 15 kg gạo và 450.000 đồng/tháng. Với số tiền đó mà lo mỗi ngày 3 bữa ăn là điều rất khó khăn nếu không có sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Dẫu nghèo khó nhưng thỉnh thoảng một số phụ huynh cũng nhặt nhạnh mang ra vài quả bí, nải chuối, giỏ ngô để cải thiện bữa ăn cho HS lưu trú.

“Sáng thứ bảy lẽ ra không có tiêu chuẩn nhưng trường vẫn chuẩn bị cho các cháu món gì đó dằn bụng để còn lội bộ về thăm nhà. Đường sá xa xôi, lầy lội lại đèo dốc quanh co, cây cối sạt lở đổ ra đường, khó khăn vất vả lắm!”, cô Diện nói.

Chúng tôi tình cờ chứng kiến bữa ăn trưa của HS lưu trú, không món ngon, món lạ nhưng đảm bảo tối thiểu dinh dưỡng. Trường không chia khẩu phần ăn cho từng HS mà để các em ngồi ăn chung quanh chiếc bàn tròn như trong một gia đình. Các anh chị lớp trên gắp thức ăn cho các em nhỏ, nhắc các em rửa tay trước khi ăn và ăn uống cẩn thận để không rơi vãi… như trong một gia đình trông thật đầm ấm. Bé K’Sar Ka Jôr (6 tuổi) thật thà: “Ở đây được ăn ngon hơn ở nhà”.

HS có hoàn cảnh đặc biệt nhất năm nay là Rơ Ông Ha Khang ở lớp 1A. Cháu bị tật ở chân nên chỉ tập tễnh vài bước chứ không đi lại bình thường được, do đó cô giáo Võ Thị Hằng luôn phải bồng bế đi vệ sinh. Cháu có thể nghe nhưng hầu như không nói được. Tay phải yếu, không thể cầm bút, thế nhưng thấy cô giáo cầm tay các bạn khác trong lớp hướng dẫn tập viết thì cháu cũng chìa tay ra và ú ớ ra dấu hãy cầm tay cháu, trông đáng thương và cũng rất đáng yêu.

“Chăm sóc vất vả lắm nhưng cháu đi học được là mừng rồi. Tiếp thu được cái gì thì tốt cái ấy. Cháu cũng chăm lắm, hơn 2 tuần nay chưa vắng buổi nào. Bữa thì mẹ chở đến trường, bữa thì người bạn lớn hàng xóm là Rơ ông Ha Mar cõng đi. Ha Mar đang học lớp 5 của trường này. Nhà của hai em cách trường khoảng một cây số”, cô Hằng kể. 

Khi chúng tôi hỏi hiện nay điều gì khiến thầy trò khổ sở nhất? Nhiều người bảo đó là ruồi vàng, loài côn trùng nhỏ bé có bụng màu vàng trông giống con ruồi nhưng chích hút máu người như con muỗi, mà chích rất đau tạo ra nốt sẩn thịt đỏ, gây ngứa lâu dài và dễ bị nhiễm trùng. Cô Th. nói giọng Hà Tĩnh đặc sệt nhưng được các đồng nghiệp giới thiệu là “người Việt gốc hoa” bởi tay chân cô có quá nhiều “hoa” (vết sẹo) do bị ruồi vàng cắn. Có người bị đặt biệt danh “H. ghẻ” chỉ sau vài năm bám trụ ở xứ sở ruồi vàng Đưng K’Nớ.

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.