Sử dụng ‘dao có tính sát thương cao’ để lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không coi là vũ khí

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trường hợp sử dụng “dao có tính sát thương cao” phục vụ mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt hằng ngày thì không coi là vũ khí, nhưng phải được quản lý chặt chẽ, bảo đảm an toàn, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ sử dụng “dao có tính sát thương cao” vào mục đích vi phạm pháp luật.

Sáng 29/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) với đa số đại biểu Quốc hội tán thành.

Báo cáo giải trình, tiếp thu trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, nhiều ý kiến nhất trí quy định dao có tính sát thương cao thuộc nhóm vũ khí thô sơ làm căn cứ xử lý đối với tội phạm sử dụng dao để gây án; tuy nhiên, đề nghị quy định bảo đảm phù hợp hơn và không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của người dân.

Sử dụng ‘dao có tính sát thương cao’ để lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không coi là vũ khí ảnh 1

Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo luật. (Ảnh: Như Ý)

Ý kiến khác đề nghị nghiên cứu quy định danh mục; đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể để có cách hiểu, thực hiện thống nhất trong thực tiễn; đồng thời bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng dao có tính sát thương cao.

Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) lý giải, dự thảo Chính phủ trình đề nghị bổ sung dao có tính sát thương cao nhằm tăng cường công tác quản lý, tạo cơ sở pháp lý để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật sử dụng dao có tính sát thương cao.

Để bảo đảm rõ ràng, chặt chẽ, phù hợp với yêu cầu quản lý Nhà nước và đấu tranh phòng, chống tội phạm, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung và giải thích từ ngữ “dao có tính sát thương cao”.

Trên cơ sở giải thích từ ngữ “dao có tính sát thương cao”, UBTVQH đề nghị quy định 3 chế độ quản lý “dao có tính sát thương cao” gắn với mục đích sử dụng.

Cụ thể, trường hợp sử dụng “dao có tính sát thương cao” phục vụ mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt hằng ngày thì không coi là vũ khí, nhưng phải được quản lý chặt chẽ, bảo đảm an toàn, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ sử dụng “dao có tính sát thương cao” vào mục đích vi phạm pháp luật.

Theo đó, UBTVQH đề nghị bỏ quy định tại khoản 2 Điều 32 dự thảo luật Chính phủ trình và bổ sung Điều 74 về “Áp dụng quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đối với dao có tính sát thương cao” và giao Chính phủ căn cứ quy định của luật này để quy định việc quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng, vận chuyển “dao có tính sát thương cao”.

Trường hợp sử dụng “dao có tính sát thương cao” với mục đích thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ, thì quy định là vũ khí thô sơ.

Trường hợp sử dụng “dao có tính sát thương cao” với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật, thì quy định là vũ khí quân dụng.

“Để bảo đảm tính thống nhất trong áp dụng pháp luật, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan rà soát quy định của Bộ luật Hình sự có liên quan đến vũ khí thô sơ, vũ khí quân dụng để thống nhất ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng quy định về hành vi phạm tội liên quan đến dao có tính sát thương cao khi luật này có hiệu lực thi hành”, ông Tới nêu.

Sử dụng ‘dao có tính sát thương cao’ để lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không coi là vũ khí ảnh 2

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới. (Ảnh: Như Ý)

Khai báo vũ khí thô sơ để quản lý chặt chẽ

Về khai báo vũ khí thô sơ, theo ông Lê Tấn Tới, một số ý kiến đề nghị làm rõ sự cần thiết; mục đích của hoạt động khai báo và phạm vi vũ khí thô sơ cần được khai báo; ý kiến khác cho rằng, quy định về quản lý, khai báo vũ khí thô sơ, trong đó có dao là khó khả thi, sẽ làm phát sinh thủ tục hành chính, gây khó khăn cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh dao; ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân, đề nghị cân nhắc quy định bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Theo ông Lê Tấn Tới, UBTVQH thấy rằng, vũ khí thô sơ là phương tiện đặc biệt, liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ con người và công tác bảo đảm an ninh, trật tự, cần được quản lý chặt chẽ.

Trong hoạt động trưng bày, triển lãm, làm đồ gia bảo có những loại vũ khí thô sơ vẫn còn khả năng gây sát thương; hiện nay có nhiều bảo tàng có số lượng hiện vật rất lớn.

Quy định khai báo vũ khí thô sơ được kế thừa quy định của luật hiện hành, cần thiết để quản lý chặt chẽ và làm cơ sở để xác minh, xác định trách nhiệm khi xảy ra hành vi vi phạm. Vì vậy, UBTVQH đề nghị cho giữ quy định này như dự thảo luật Chính phủ trình.

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý Điều 31 dự thảo luật tiếp thu, chỉnh lý thành: “Khai báo vũ khí thô sơ để trưng bày, triển lãm, làm đồ gia bảo”; đồng thời bổ sung quy định giới hạn việc khai báo đối với “vũ khí thô sơ quy định tại điểm a khoản 4 Điều 2” như dự thảo luật tiếp thu, chỉnh lý.

Dự án luật được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, riêng một số điều (17, 32 và khoản 1 Điều 49) có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

MỚI - NÓNG