Sự cố trong trường học: Lãnh đạo ngành giáo dục đều cho rằng đã quán triệt

Năm 2018, vữa trần phòng học Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) rơi trúng học sinh khiến 3 em phải nhập viện
Năm 2018, vữa trần phòng học Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) rơi trúng học sinh khiến 3 em phải nhập viện
TP - Sau mỗi sự cố xảy ra, lãnh đạo ngành giáo dục đều cho rằng, họ đã có văn bản quán triệt thường xuyên. Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục khẳng định, để xảy ra vấn đề trong trường học, trách nhiệm thuộc về người đứng đầu.

Dù có nhiều văn bản, trên thực tế ở các địa phương vẫn xảy ra những chuyện đau lòng vì sự bất cẩn của người quản lý. Về sự cố đổ tường rào khiến 1 học sinh tử vong tại địa phương, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An, ông Nguyễn Trọng Hoàn, nói: “Sự cố hôm nay sẽ là bài học đau xót cho những người làm quản lý, phải tìm nguyên nhân để làm mạnh hơn nữa các giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh”.

Theo ông Hoàn, cứ kết thúc mỗi năm học, Sở làm việc với các huyện, thành phố về các giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh. Cụ thể, đi rà soát sông suối gần trường, cắm biển báo nguy hiểm; rà soát cơ sở vật chất từ quạt trần, tường xây, hố ga, hố nước; làm việc với các nhà dân xung quanh trường học để tránh những nguy cơ mất an toàn khác. Tuy nhiên, vẫn xảy ra sự cố mà chính những người quản lý không lường hết được.

Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội), bà Phạm Thị Lệ Hằng, cho rằng, học sinh rất hiếu động, đặc biệt sau thời gian nghỉ học kéo dài, được đến trường sẽ chạy nhảy, leo trèo nhiều nơi. Do đó, các trường phải thường xuyên nhắc nhở, bố trí giáo viên, cán bộ Đoàn, Hội đi kiểm tra hành lang, cửa sổ, sân chơi… để kịp thời phát hiện, nhắc nhở. Ngoài ra, lực lượng bảo vệ, đội ngũ giáo viên, hiệu trưởng đều được tập huấn về phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh; học sinh được học kỹ năng tự bảo vệ, thoát hiểm trong những tình huống nguy hiểm như: có cháy, bị bỏ quên trên ô tô, bị xâm hại tình dục…

Theo bà Hằng, dù có làm nhiều việc như thế nhưng trường học với hàng nghìn học sinh vẫn có thể xảy ra những tình huống không lường hết được. Do đó, ngoài quy trách nhiệm cho hiệu trưởng, người đứng đầu nhà trường, rất cần ý thức cao của những người tham gia công tác giáo dục.

Sau các sự cố, mới đây, Bộ GD&ĐT gửi văn bản tới UBND các tỉnh, thành phố đề nghị các địa phương rà soát cơ sở vật chất trường, lớp để đánh giá lại chất lượng các công trình trong nhà trường, nhất là khi mùa mưa bão sắp đến. Bộ GD&ĐT cũng khẳng định, để xảy ra các tình trạng như sập cổng trường, sập trần nhà… ở một số địa phương là do công trình được xây dựng từ lâu nhưng không được kiểm tra, bảo trì, cải tạo theo quy định. Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học đã hết hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh - sinh viên (Bộ GD&ĐT), nói rằng, ngoài đảm bảo an toàn các điều kiện cơ sở vật chất, trường học cần phải dạy học sinh kỹ năng sống, kỹ năng thoát hiểm để các em có thể tự xử lý tình huống gặp phải. Phía Bộ GD&ĐT, ngoài việc ban hành văn bản, năm học 2020-2021, Bộ có kế hoạch kiểm tra chuyên đề về an toàn trường học, đạo đức nhà giáo ở 15 tỉnh, thành phố và các trường đại học. Tuy nhiên, do dịch COVID-19, đơn vị chưa triển khai được, dự kiến từ tháng 10, đoàn sẽ đi kiểm tra, đánh giá các trường. Tuy nhiên, ông Linh nói rằng, trong trường học, hiệu trưởng, thầy cô phải là những người đưa ra nội quy, hướng dẫn và sát sao với học sinh để những chuyện đáng tiếc không xảy ra.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.