Sự cố thủy điện Sông Bung 2 là bài học xương máu

Sự cố tại Thủy điện Sông Bung 2 là bài học xương máu. Ảnh H. Văn.
Sự cố tại Thủy điện Sông Bung 2 là bài học xương máu. Ảnh H. Văn.
TPO - Sự cố tại thủy điện Sông Bung 2 (huyện Nam Giang, Quảng Nam) là bài học xương máu. Sự cố xảy ra ngay khi các hồ dưới còn dung tích để chứa, nếu sự cố xảy ra khi các hồ đó đã chứa tương đối nhiều vấn đề sẽ phức tạp và hậu quả không biết đến mức nào.

Đây là nhận định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh tại buổi làm việc với các nhà máy thủy điện về công tác vận hành nhà máy thủy điện trong mùa mưa lũ năm 2016, sáng 10/10.

Theo đó, ông Thanh đề nghị lãnh đạo Cty thủy điện Sông Bung 2 phải đặc biệt lưu ý khẩn trương thanh thải tất cả công trình phía hạ du, trả lại dòng chảy bình thường, phải tranh thủ thời tiết, đẩy nhanh tiến độ, không để các công trình ngăn cản dòng chảy. 

Đồng thời công ty phối hợp với lãnh đạo địa phương sớm triển khai công tác bồi thường hỗ trợ cho dân sau sự cố, đặc biệt tài sản có thể xác định được rõ ràng như nhà ở, hoa màu…

Theo ông Trương Thiết Hùng – Giám đốc BQL dự án Thủy điện Sông Bung 2 thì sau sự cố, hiện đơn vị đang tiến hành cùng lúc nhiều việc gồm khắc phục thiệt hại, kiểm đếm bồi thường; tháo gỡ công trình và khơi thông dòng chảy cũng như xây dựng các phương án phòng chống lũ cho vùng hạ du. Theo vị lãnh đạo đại diện công ty này mùa mưa bão năm nay công trình tuyệt đối không tích nước.

Sự cố thủy điện Sông Bung 2 là bài học xương máu ảnh 1

Quảng Nam làm việc với các nhà máy thủy điện về công tác vận hành nhà máy thủy điện trong mùa mưa lũ.

Không để người dân bị động thông tin

Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam, quy hoạch thủy điện Quảng Nam gồm 42 dự án đã được phê duyệt, với tổng công suất 1.606,76 MW, bao gồm 10 dự án thủy điện bậc thang  Bộ Công thương phê duyệt và 32 dự án thủy điện vừa và nhỏ do UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt. 

Hiện nay, một số đập thủy điện được xây dựng trên cùng một hệ thống sông và cùng điều tiết nước về vùng hạ du. Do vậy phương án phòng, chống lũ, lụt cho vùng hạ du của từng hồ thủy điện theo quy định công văn 7277/ BCT-ATMT không còn phù hợp trong tình huống tất cả các hồ thủy điện cùng tham gia điều tiết lũ. Việc dự báo khí tượng thủy văn có độ chính xác chưa cao ảnh hưởng đến công tác vận hành, điều hành, điều tiết lũ các hồ chứa thủy điện.

Trước mùa mưa lũ 2016, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các nhà máy thủy điện trên địa bàn thực hiện nghiêm túc 2 chỉ thị 11 (22/4/2016) về công tác đảm bảo vận hành an toàn hồ chứa trong mùa mưa lũ và chỉ thị số 15  (17/5/2016) về công tác phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn năm 2016.  Quảng Nam hay xảy ra lũ cục bộ, mưa tập trung trong thời gian ngắn, vì vậy sẽ dẫn đến những tình huống phức tạp.

Trước hết phải thực hiện tổng kiểm tra về cửa van, vận hành các trang thiết bị, máy móc, hệ thống dự phòng, hệ thống loa còi cảnh báo lắp đặt phía dưới vận hành có tốt không; các mốc cảnh báo lũ. Đồng thời thực hiện công tác kiểm định an toàn đập theo quy định.

Vị lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị các đại diện chủ hồ lưu ý, tăng cường công tác truyền thông hiệu quả và triển khai phương án phòng chống bão lụt cho vùng hạ du, lập các Bản đồ ngập lụt cho vùng hạ du, có phương án triển khai về diễn tập các tình huống.

Tích hợp giữa việc xả lũ điều hành với phương án phòng chống thiên tai ở cộng đồng địa phương. Đặc biệt không để người dân bị động về thông tin. Người dân phải có được thông tin chính thống bằng nhiều cách, có thể nghiên cứu phương án nhắn tin trực tiếp đến người dân thông qua mạng di động.

Thực tế, các trạm đo mưa ở lưu vực các hồ thủy điện hiện còn rất thưa so với quy định (chỉ 17/40 trạm). Do đó cần tính toán lắp đặt trạm đo mưa, tăng dày mốc báo lũ và trạm cảnh báo lũ cho khu vực hạ du. “Lắp đặt đưa ra dự báo quan trọng. đi xử lý tình huống và quyết định không chính xác và hậu quả lớn nếu dự báo không chính xác” – ông Thanh nhấn mạnh.

Tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các cty thủy điện làm báo báo quan trắc khí tượng thủy văn để gửi về sở TN&MT trước 20/10; hoàn thành báo cáo hiện trạng an toàn đập và thực hiện các quy chế phối hợp trong quá trình vận hành đặc biệt quy chế ký kết với VP BCH phòng chống thiên tai của tỉnh và quy chế phối hợp với các địa phương cấp huyện, xã.

MỚI - NÓNG