Sự cố hy hữu đáp nhầm sân bay và lời xin lỗi của VietjetAir

Đích thân Giám đốc điều hành Hãng hàng không tư nhân VietjetAir chiều 22/6 gửi lời xin lỗi tới hành khách về sự cố hạ cánh nhầm sân bay vừa qua. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo một hãng hàng không trong nước đứng ra nhận lỗi trước hành khách.

Sự cố hy hữu đáp nhầm sân bay và lời xin lỗi của VietjetAir ảnh 1 Ông Lưu Đức Khánh - Giám đốc điều hành của VietJetAir

Kiểm điểm nghiêm túc

Ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành hãng hàng không VietjetAir, cho hay, trong đêm 19/6/2014, chuyến bay mang số hiệu VJ 8861 chở theo 200 hành khách đã đáp xuống sân bay Cam Ranh trước khi hạ cánh xuống sân bay Liên Khương - Đà Lạt theo hành trình ban đầu.

Nguyên nhân sơ bộ được xác định là do lỗi phối hợp giữa nhân viên điều phái bay và tổ bay. Cục Hàng không Việt Nam đã tạm đình chỉ hiệu lực giấy phép của nhân viên điều phái bay và toàn bộ tổ bay của VietjetAir tại Nội Bài.

Sự cố hy hữu đáp nhầm sân bay và lời xin lỗi của VietjetAir ảnh 2

Sự cố đáp nhầm sân bay cũng xảy ra với các hãng hành không lớn trên thế giới

Ông Khánh cho hay VietjetAir đang phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam làm rõ và nghiêm túc xử lý trách nhiệm của cá nhân có liên quan theo đúng các quy định hiện hành.

Trước đó, một số cơ quan báo chí có nhận được thông tin thay đổi lịch trình bay vì lý do thời tiết. Đây không phải là thông cáo báo chí chính thức từ VietjetAir, mà xuất phát từ nhân viên truyền thông xử lý thông tin trong đêm 19/6/2014. Do nhu cầu cung cấp thông tin gấp từ các cơ quan báo chí nên việc thu nhận thông tin ban đầu của nhân viên này từ các bộ phận khác chưa đầy đủ và chính xác. VietjetAir xin cáo lỗi và đã kiểm điểm nghiêm túc về việc này.

Trên thực tế, những tình huống máy bay hạ cánh xuống sân bay khác so với lịch trình cũng từng xảy ra với các hãng hàng không trên thế giới, kể cả hãng hàng không lớn.

Tuy nhiên, ông Khánh cho rằng mặc dù tình huống này không ảnh hưởng tới an toàn bay nhưng lãnh đạo hãng “ý thức được sự việc này gây ra những bất tiện cho hành khách. Hãng luôn đặt sự an toàn của hành khách lên trên hết. Trong suốt thời gian khai thác vừa qua, hãng không để xảy ra bất cứ một sự cố kỹ thuật nào trong khả năng ảnh hưởng đến an toàn chuyến bay”. Và qua đây, lãnh đạo VietjetAir gửi lời xin lỗi sâu sắc tới hành khách trên chuyến bay. 

Đây là lần đầu tiên lãnh đạo một hãng hàng không trong nước bày tỏ thái độ cầu thị khi đứng lên nhận trách nhiệm và gửi lời xin lỗi sâu sắc tới hành khách về sự cố đáng tiếc hạ cánh nhầm sân bay. 

Sự việc ngoài mong muốn này là bài học thấm thía để hãng hàng không Việt nỗ lực hơn nữa trong mọi hoạt động khai thác bay, nhằm mục tiêu phục vụ khách một cách an toàn, thuận tiện nhất mà vẫn giữ được phong cách trẻ trung, độc đáo, thân thiện của mình.

Hạ cánh nhầm sân bay, chuyện hy hữu?

Không chỉ riêng Việt Nam, hàng không thế giới ghi nhận nhiều vụ hạ cánh nhầm sân bay, kể cả với những hãng lớn. Lạ kỳ, khó tin, kỳ quặc... là những từ thường để nói về những chuyến bay như thế. Tuy không nhiều, nhưng theo số liệu từ Ban An toàn giao thông của Mỹ, thì một năm có trung bình hai chuyến làm hành khách sững sờ như thế. Thường thì lỗi ở đây phần lớn do con người (phi công, điều phái bay, điều hành bay... ), nhưng không loại trừ trường hợp là do trục trặc máy móc, thiết bị.

Có thể kể đến vụ việc chiếc máy bay chở 124 hành khách của hãng Southwest Airlines (Mỹ) ngày 14/1/2014 lẽ ra phải hạ cánh xuống sân bay Branson thì lại đáp nhầm xuống một sân bay nhỏ ở hạt Taney, cách đó 11km cũng ở Hollister, Missouri. Toàn bộ hành khách an toàn nhưng hốt hoảng vì máy bay chỉ dừng lại khi cách khi cách cuối đường băng 150m. Hành khách phải chờ 2 tiếng đồng hồ để chờ xử lý.

Người ta không hiểu là tại sao, cơ trưởng chuyến bay với 14 năm, cơ phó 12 năm làm việc tại hãng lại để ra sai sót nghiêm trọng đến vậy? Tất nhiên, cả hai sau đó đã bị đình chỉ công việc để phục vụ công tác điều tra, còn Southwest Airlines phải xin lỗi trực tiếp từng khách hàng, trả lại tiền vé và tặng khách chế độ miễn giảm cho lần bay sau.

Ngày 21/5/2013, chiếc máy bay Boeing 737 của hãng hàng không Malaysia Airlines cất cánh từ Kuala Lumpur (Malaysia) tới Medan (Indonesia) dự kiến hạ cánh lúc 15h20’ (lịch hạ cánh là 15 giờ 30 phút giờ địa phương) tại sân bay Polonia. Song, lạ lùng là máy bay lại hướng tới đường băng sân bay quốc tế Kuala Namu. Chỉ khi máy bay chuẩn bị hạ cánh vào lúc 15 giờ 30 phút thì phi công mới phát hiện ra lỗi của mình, phải bay vòng lại để hạ cánh ở Polonia, muộn 15 phút so với kế hoạch ban đầu.

Có trường hợp hy hữu, máy bay không cất cánh được vì đáp nhầm xuống sân bay... quá nhỏ, đường băng quá ngắn. Đó là chiếc máy bay vận tải Boeing 747 Dreamlifter lớn nhất thế giới ngày 21/11/2013 khi đang trên đường đến sân bay của không quân Mỹ ở thành phố Wichita (bang Kansas) không may đã vô tình hạ cánh nhầm xuống một sân bay thương mại cỡ nhỏ cách đó 14,5 km.

Nó bị mắc kẹt hơn 10 giờ tại đây trước khi được các kỹ sư tính toán để được phép cất cánh trở lại trên đường băng ngắn hơn yêu cầu. Lạ lùng, ngay khi đã hạ cánh, cả tổ bay vẫn không biết vị trí hiện tại của chiếc máy bay.

Cũng có những trường hợp chuyến bay buộc phải hạ cánh xuống sân bay khác, nhất là do những yếu tố khách quan bất khả kháng như thời tiết, trục trặc kỹ thuật... Chuyện các chuyến bay bị divert (chuyển hướng) ở Việt Nam là không hiếm, nhất là trong điều kiện thời tiết mưa bão, sương mù nhiều như nước ta.

Quay trở lại với sự cố của chuyến bay VJ 8861, trả lời báo chí, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho rằng, cơ trưởng chuyến bay đã không nhận được thông báo về việc thay đổi kế hoạch bay từ Hà Nội đi Cam Ranh sang đi Đà Lạt. Trách nhiệm này thuộc về nhân viên điều phái khi không tuân thủ quy trình là đưa kế hoạch bay chính thức cho Phòng Thủ tục bay tại sân bay phê duyệt trước khi đưa cơ trưởng ký duyệt, trong khi lộ trình bay vẫn theo kế hoạch cũ. Vì thế, tiếp viên vẫn làm thủ tục cho khách bay đi Đà Lạt, còn cơ trưởng thì thực hiện kế hoạch cũ là bay đến Cam Ranh.

Đúng, sai thế nào, “bản án” về trách nhiệm rồi sẽ rõ, nhưng với sự cố hy hữu tuy lần đầu xảy ra ở Việt Nam này nhưng với thế giới thì không có gì là lạ. Quan trọng là sau đó, VietjetAir sẽ nỗ lực khắc phục như thế nào để giành lại lòng tin và điểm số của khách hàng.

Trong gần 3 năm qua, Vietjet Air mang đến thị trường luồng gió mới, tạo ra hàng trăm nghìn cơ hội bay cho mọi người, phong cách độc đáo nổi trội... Với những gì mà hãng hàng không tư nhân trẻ này làm được thời gian qua, hy vọng hãng tiếp tục tự tin bước tiếp.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".