Sự áp bức tinh vi

Sự áp bức tinh vi
TP - Hoạt động hằng ngày của nhiều tổ chức và cá nhân trên thế giới đã, đang và sẽ bị theo dõi.

> Hiểm họa mất tiền từ máy tính, điện thoại cá nhân
> 19 tổ chức kiện chính phủ Mỹ vì bị theo dõi

Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ giám sát các liên lạc điện thoại và internet; chương trình PRISM của cơ quan này thu thập kho dữ liệu khách hàng của các công ty công nghệ toàn cầu như Microsoft, Apple… Tình báo Anh sử dụng các trang web công cộng để giám sát các nhà ngoại giao.

Bưu điện Mỹ biết nội dung của các bức thư tay mà khách hàng gửi đi. Cục Điều tra Liên bang Mỹ sử dụng máy bay không người lái để theo dõi nghi phạm trong lãnh thổ Mỹ.

Báo chí Mỹ ngỡ ngàng khi biết đang bị Chính phủ theo dõi, còn những người nổi tiếng và chính trị gia lên án báo chí theo dõi họ. Các tập đoàn lén lút theo dõi đối thủ vì lợi nhuận.

Mới đây nhất, gã khổng lồ Google tung ra thiết bị cực kỳ lợi hại - kính Google. Đây thực chất là chiếc máy tính đeo trên mắt cho phép người sử dụng ghi lại mọi thứ họ nhìn thấy và hiển thị kho dữ liệu khổng lồ về thế giới thực ngay trước mắt người sử dụng.

Không kể những lùm xùm quanh việc đưa ứng dụng phim “con heo” vào Google Glass, nhiều người lo ngại rằng, họ sẽ trở thành diễn viên, người mẫu ảnh bất đắc dĩ của loại kính có chức năng quay phim, chụp ảnh, phát hình siêu nét này.

Tâm điểm của cuộc tranh cãi ngày nay là khả năng lạm dụng quyền lực của Chính phủ hoặc tập đoàn nào đó nhằm vươn lên vị trí dẫn đầu. Động cơ đó ngày càng được tiếp tay với sự phát triển của những công nghệ có khả năng giám sát cả địa cầu. Con người liên tục có thêm công cụ để mở rộng tầm nhìn, khả năng ghi nhớ và tầm với. Tuy nhiên, chúng không chỉ mang lại sự giải phóng mà còn tạo ra sự áp bức tinh vi. Công dân và xã hội bị theo dõi, lừa dối, và cuối cùng là đành phải thích nghi.

Xã hội càng cởi mở thì những bí mật của cá nhân ngày càng trở nên nhỏ bé và tạm thời, nhưng bí mật của chính quyền cũng khó lòng bưng bít mãi.

Những trường hợp như Julian Assange, Bradley Manning, Edward Snowden… tuy hiếm nhưng ngày càng tăng. Họ có thể bị coi là tội đồ, nhưng cũng có thể được coi là người hùng. Không có những người như họ, Mỹ và nhiều nước khác có thể ít xáo trộn hơn. Nhưng không có những người như họ, sự áp bức tinh vi mà công nghệ và đối tượng lạm dụng tạo ra mãi mãi nằm trong bóng tối.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG