Điều cơ bản thường bị lãng quên: tìm hiểu nhu cầu thị trường
Theo một thống kê, 90 % những ý tưởng khởi nghiệp xuất phát từ ý tưởng gần gũi trong cuộc sống. Nhưng không ít bạn trẻ khởi nghiệp lãng quên việc xác định: thị trường tiềm năng có thật sự có nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ của mình. Điều mà các ý tưởng mang lại cho chúng ta là sự tươi sáng về khả năng phát triển rực rỡ, sản phẩm được hàng triệu người sử dụng. Song hầu hết khởi nghiệp quên mất việc cần thiết đó là tìm hiểu kỹ lưỡng nhu cầu thị trường, quy mô thị trường và biên độ lợi nhuận. Không có sự chuẩn bị kỹ càng này, dự án sẽ dễ dàng thất bại dù sản phẩm bạn làm rất tốt và sở hữu chiến lược cung ứng tuyệt vời.
Ông Danny Warshay, Nhà sáng lập của DEW Ventures, một quỹ đầu tư có trụ sở tại Providence, RI chuyên huấn luyện cho các startup nghĩ rằng các startup không nên chỉ nói với nhà đầu tư rằng thị trường cần sản phẩm của họ mà họ còn cần phải chứng minh được nhu cầu đó bằng những bằng chứng xác thực. Thông thường, các startups bỏ qua những bước nghiên cứu mà Warshay gọi là nghiên cứu “từ dưới lên”, tức thực hiện khảo sát nhu cầu của khách hàng cuối. Warshay, người đã giúp xây dựng hơn 15 công ty cho biết: “Khi các công ty đến với tôi, tôi luôn luôn tìm kiếm các nghiên cứu từ những nguời sẽ thật sự dùng sản phẩm đó”.
“Ai cũng có ý tưởng, nhưng khách hàng chỉ trả tiền cho sản phẩm”
Năm 2006, Marofin.com - start up Việt theo mô hình thương mại điện tử B2C, tương tự vatgia.com từng huy động được 10 cổ đông góp vốn 4 tỷ đồng. Ý tưởng kinh doanh có sản phẩm đi trước thị trường cùng khả năng gọi vốn làm ban lãnh đạo háo hức tự hào về Marofin.com. Dự án lập tức đầu tư ồ ạt tăng đội ngũ lên 30 người để phát triển. Tuy nhiên, chỉ 2 năm rưỡi sau, Marofin.com “đốt sạch” 4 tỷ đồng vốn đầu tư và lâm vào cảnh phá sản khi không thể khai thác doanh thu. Vấn để của khá nhiều startup đôi khi không phải là “đi nhanh đến đâu” mà là “có thể tồn tại trong bao lâu”. Ý tưởng đột phá chẳng có ý nghĩa gì khi điều bạn đang làm không đem lại doanh thu, đồng nghĩa với bạn không có tiền để tồn tại.
Một ý tưởng tốt cho khởi nghiệp có thể dễ dàng xuất hiện tại bất kỳ đâu và với bất kỳ ai. Nhưng để biến nó thành một sản phẩm, dịch vụ thực thụ được khách hàng yêu thích và sẵn lòng chi tiền để mua là một điều không hề dễ dàng. Hãy khởi nghiệp khi bạn có một ý tưởng tốt, một sự tìm hiểu kỹ lưỡng về thị trường tiềm năng và hãy chắc chắn từ thời điểm đó bạn phải tìm hiểu thêm nhiều kiến thức về kỹ năng phát triển và triển khai sản phẩm, kỹ năng quản lý dự án, quản lý thời gian, quản lý tài chính,... Sớm muộn gì khi bắt đầu kêu gọi vốn, các nhà đầu tư sẽ đặt ra câu hỏi bạn sẽ biến ý tưởng của mình thành hiện thực bằng cách nào. Bởi vốn dĩ, họ cũng không chỉ bỏ tiền ra để khen ngợi một ý tưởng.
Chỉ làm khởi nghiệp khi thực sự đam mê
Những các bóng khởi nghiệp quá lớn trên thế giới như Microsoft, Apple, Google, Facebook,… hay tại Việt Nam là VNG, Flappy Bird thường khiến các bạn trẻ choáng ngợp về mức độ thành công và tương lai tươi sáng khi bắt đầu một dự án khởi nghiệp. Tuy nhiên, theo Mashable.com, chỉ có số ít 10% dự án khởi nghiệp trên thế giới có thể thành công. Quyết định khởi nghiệp, điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ làm việc không công trong thời gian dài và nguy cơ “trắng tay” lên đến 90%. Hãy chuẩn bị thật tốt để đón nhận những khó khăn, bế tắc về ý tưởng và các vấn đề tài chính sắp tới.
Ông Đinh Minh Quân, Tổng Giám đốc công ty Định Vị Số - Đơn vị đầu tiên của Việt Nam đoạt giải nhất cuộc thi DEMO ASEAN 2013 với sản phẩm chống trộm và định vị xe máy Smartbike chia sẻ: Hãy thực hiện dự án khởi nghiệp khi bạn thực sự đam mê - điều sẽ giúp bạn vượt qua những “ngõ cụt” trong dự án. Vì khác với những gì trong tưởng tượng, khởi nghiệp sẽ sớm vắt kiệt sức lực và tinh thần của chúng ta trước khi có thể “hái quả ngọt”. Song hãy giữ mọi thứ đơn giản.
Đừng quên chia sẻ ý tưởng của mình
“Doanh nghiệp khởi nghiệp ngành công nghệ hay thất bại là do sự kỳ vọng quá mức, tin tưởng sản phẩm được chấp nhận mà không lường trước các khó khăn khi tung nó ra … nhà sáng lập nên lắng nghe những phản hồi của các quỹ để có thể cải tiến việc kinh doanh”, Ông Thân Trọng Phúc, Giám đốc Điều hành Quỹ DFJ VinaCapital chia sẻ.
Đừng lo lắng ý tưởng sẽ bị đánh cắp khi chia sẻ cùng mọi người. Một trong những yếu tố góp phần vào sự phát triển của một doanh nghiệp là tiếng tăm, vì vậy, không có lý do gì bạn phải giấu nhẹm ý định của mình đi. Khi bạn chia sẻ về ý định khởi nghiệp, mọi người xung quanh sẽ rất tò mò. Bạn sẽ nhận được rất nhiều câu hỏi, nhiều ý tưởng đóng góp rất thú vị giúp bạn hoàn thiện dự án. Ngoài ra, nên tham dự các cuộc thi startup. Đây là bước đi nhanh nhất để quảng bá dự án của bạn, nhận được sự góp ý từ những chuyên gia hàng đầu và tiếp cận các nhà đầu tư hiệu quả.