Sống khỏe trong mùa dịch
Thành lập năm 2014 với cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội, Homefarm hiện là chuỗi bán lẻ hàng đầu về các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu và hàng Việt Nam xuất khẩu chất lượng cao, với mạng lưới hơn 160 cửa hàng phủ sóng chủ yếu tại Hà Nội, Hải Phòng và TPHCM.
Dịch COVID-19 khiến hoạt động kinh doanh của Homefarm gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, điều bất ngờ trong 2 năm dịch bệnh, nếu như nhiều DN phải thu hẹp quy mô, sản xuất, Homefarm lại tăng tốc phát triển rất nhanh.
Điều vui nhất trong mùa dịch đối với Homefarm là nhận được sự đầu tư hàng triệu USD từ quỹ đầu tư nước ngoài |
Cuối năm 2019, Homefarm mới sở hữu hơn 40 cửa hàng, thì đến năm 2020 con số này đã tăng gấp 3 lên 120 cửa hàng. Năm 2021, dù dịch bệnh diễn ra căng thẳng nhưng start-up này vẫn mở rộng được thêm 40 cửa hàng và hoạt động rất tích cực trong thời điểm giãn cách xã hội. Hơn 600 nhân viên trong mùa dịch không ai bị cắt giảm giờ làm, hay phải nghỉ việc.
Chia sẻ với Tiền Phong, anh Trần Văn Trường, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Homefarm cho biết, đối với những start-up, những cú sốc như đại dịch COVID-19 vừa qua rất dễ khiến cho DN gục ngã. Nhưng điều may mắn, do định hướng của Homefarm “đúng thiên thời, hợp địa lợi”, nên các hoạt động kinh doanh rất ổn định.
Vị Tổng Giám đốc này nhớ lại thời điểm Homefarm ra đời cách đây 7 năm khi vấn đề an toàn thực phẩm ở Việt Nam rất nhức nhối. Nỗi lo về tôm bơm tạp chất, mực tẩy trắng, rau sử dụng thuốc trừ sâu… diễn ra nhan nhản hàng ngày khiến bữa ăn của người Việt luôn thấp thỏm. Đó là lúc ý tưởng mang những sản phẩm thực phẩm nhập khẩu chất lượng quốc tế và hàng đầu Việt Nam đến tay người tiêu dùng của chàng thanh niên trẻ 25 tuổi lóe sáng.
“Trong lúc dịch bệnh, người dân càng quan tâm tới vấn đề an toàn thực phẩm với tiêu chuẩn cao hơn. Bên cạnh đó, làm sao phải đặt và giao hàng thuận tiện trong điều kiện giãn cách xã hội là việc cần tính kỹ”, Trần Văn Trường chia sẻ.
Dịch COVID-19 khiến các thói quen tiêu dùng của người dân dần thay đổi. Các ý tưởng khởi nghiệp trong ngành thực phẩm, đồ uống ở Việt Nam nổi lên tìm cơ trong nguy, thu hút rất nhiều sự chú ý của các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài.
Ngay từ khi thành lập, Homefarm định hướng phát triển bán hàng qua thương mại điện tử. Nếu như trong mùa giãn cách, hầu hết các đơn vị kinh doanh thực phẩm truyền thống đều gặp trở ngại trong việc cung cấp hàng, Homefarm lại rất thuận tiện. Các khách hàng chỉ cần gọi điện đặt hàng trực tuyến sẽ có đơn vị giao hàng đến. Các nền tảng thương mại điện tử được DN xây dựng vững chắc thời gian qua giúp thương hiệu này không ngừng bứt tốc. Homefarm cũng là đơn vị duy nhất được hoạt động trên ứng dụng giao hàng của Grab trong khi các đơn vị khác phải dừng, thậm chí ngay cả Grabmart.
Để có thể duy trì được hoạt động trong điều kiện dịch bệnh, anh Trường cho biết, công ty áp dụng quy trình rất khắt khe. Chẳng hạn, trước đây có bộ phận kiểm tra chất lượng các quy trình 24/7, thì bây giờ có thêm đội online giám sát cả đội này và toàn bộ quy trình nữa.
Thực phẩm sạch, tiêu dùng xanh lên ngôi
Trần Văn Trường cho biết, điều vui nhất đối với Homefarm trong thời điểm dịch COVID-19 là nhận được nguồn vốn đầu tư từ Quỹ Đổi mới và Công nghệ eWTP do Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) nắm phần lớn cổ phần.
“Vào cuối năm ngoái, bài toán làm sao xoay đủ tài chính để phát triển là một mục tiêu đầy thách thức đối với công ty. Bởi công ty đang thực hiện cùng lúc nhiều cải tổ lớn. Quỹ eWTP cũng đã đầu tư một số DN ở Việt Nam và khá nổi tiếng trên thế giới. Lúc đó, hai bên cũng nhận thấy có điểm chung nên tìm cách liên hệ nhau. Sau khi vượt qua các vòng kiểm tra, họ đánh giá Homefarm có hướng đi đúng đắn trong xu thế tiêu dùng mới nên quyết định đồng hành với DN”, Trần Văn Trường chia sẻ.
Dù không công bố số tiền đầu tư cụ thể, tuy nhiên theo tiết lộ của anh Trường, khoản đầu tư lên tới hàng triệu USD. Với nguồn vốn mới này, Homefarm dự tính sử dụng để phát triển và mở rộng chuỗi cửa hàng với mục tiêu đạt 1.000 cửa hàng vào năm 2025.
“Mục tiêu dài hạn của Homefarm là sẽ hướng tới văn hóa thực phẩm lành mạnh, trong đó chú trọng các sản phẩm hữu cơ, có nguồn gốc thực vật và theo xu hướng thực phẩm bền vững”, CEO Trần Văn Trường nói.
Thời gian qua, dịch COVID-19 khiến các thói quen tiêu dùng của người dân dần thay đổi. Các ý tưởng khởi nghiệp trong ngành thực phẩm, đồ uống ở Việt Nam nổi lên tìm cơ trong nguy, thu hút rất nhiều sự chú ý của các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài. Trong tháng 7, start-up công nghệ thực phẩm Kamereo với giải pháp mang thực phẩm “từ trang trại đến bàn ăn”, kết nối người mua với người sản xuất nông nghiệp bằng ứng dụng đơn giản cũng đã gọi được 4,6 triệu USD từ quỹ CPF Group thuộc Tập đoàn CP Thái Lan cùng hai quỹ mạo hiểm Quest Ventures và Genesia Ventures dẫn dắt.
Hay FoodHub, một start-up công nghệ cung cấp giải pháp thương mại điện tử dành cho nông sản sạch cũng mới thu hút hàng trăm nghìn USD từ các nhà đầu tư nước ngoài. Đại diện FoodHub cho biết, trong điều kiện giãn cách xã hội và dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng của công ty còn lớn hơn trước rất nhiều.
Vị này đánh giá, quy mô thị trường bán lẻ thực phẩm hiện vào mức hàng tỷ USD. Thị trường này thậm chí còn nhiều dư địa tăng trưởng trong những năm tới và cơ hội cho những start-up Việt trong lĩnh vực này là rất lớn.
“Đối với những start-up, những cú sốc như đại dịch COVID-19 vừa qua rất dễ khiến cho DN gục ngã. Nhưng điều may mắn, do định hướng của Homefarm “đúng thiên thời, hợp địa lợi”, nên các hoạt động kinh doanh vẫn rất ổn định”.
Trần Văn Trường, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Homefarm chia sẻ