Trong một tuần qua (từ 6-13/8) Hà Nội ghi nhận thêm 3.578 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) mới. Đây cũng là tuần có số ca mắc SXH cao nhất từ đầu năm đến nay, cho thấy dịch SXH vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Ngày 16/8, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, hiện đã có 21 tỉnh hỗ trợ Hà Nội máy phun hoá chất diệt muỗi dập dịch SXH. Theo ông Cảm, với số máy phun cỡ lớn này về cơ bản có thể giúp Hà Nội diệt được lượng muỗi trưởng thành. Tuy nhiên, nếu các tỉnh thành khác hỗ trợ thêm máy phun Hà Nội sẽ tiếp nhận để dập dịch nhanh chóng hơn. Trong ngày 16/8, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội tiếp tục triển khai phun thuốc diệt muỗi trên địa bàn 21 quận, huyện. Việc phun thuốc diệt muỗi sẽ diễn ra từ nay đến hết tháng 8 tại các ổ dịch trọng điểm và 100% các bệnh viện, trạm y tế, phòng khám, trường học, chợ, khu lán trọ công trình.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Bộ Y tế cũng đã cấp thêm cho Hà Nội 30 máy phun đeo vai và 300 lít hóa chất Hantox-200. Ngoài hỗ trợ máy phun, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái còn đưa cả bác sĩ và cán bộ kỹ thuật tăng cường cho Thủ đô chống dịch.
Sở Y tế Hà Nội cũng mới có cuộc họp bàn với các chuyên gia của Bộ Y tế về các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh SXH. Bộ Y tế yêu cầu y tế Hà Nội chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện tốt việc phân loại bệnh nhân, giảm tình trạng quá tải, hạn chế thấp nhất tử vong, tăng cường tập huấn, hỗ trợ điều trị cho các bệnh viện tuyến dưới, các trạm y tế trên địa bàn thành phố, chú trọng điều trị ngoại trú.
Bác sĩ Nguyễn Đình Đính, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây (Hà Nội) cho biết, bệnh viện vừa cứu sống sản phụ L.T.H (29 tuổi, ở huyện Ba Vì) bị SXH. Trước đó, sản phụ được cấp cứu trong tình trạng mang thai 37 tuần, chuyển dạ, giảm tiểu cầu và SXH. Các bác sĩ chỉ định phẫu thuật gấp, bảo đảm an toàn cho cả hai mẹ con. Còn tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) vừa tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân 26 tuổi (ở quận Đống Đa) mang thai 4 tuần và bị sảy thai do SXH.
TPHCM: Không được chủ quan
“Trung ương, thành phố chỉ đạo việc gì, quận đều triển khai rốt ráo đến từng tổ dân phố, tới bây giờ không còn cái gì để chỉ đạo nữa nhưng dịch bệnh vẫn tăng”, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Đỗ Đình Thiện phát biểu tại buổi làm việc của UBND TPHCM với 24 quận, huyện về phòng chống dịch bệnh diễn ra chiều 16/8.
Đến thời điểm này, quận Bình Tân đã có 1.870 ca mắc bệnh SXH, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2016 và là địa phương có số ca mắc bệnh cao nhất TPHCM. Ông Thiện cho biết toàn quận có 10.800 điểm có nguy cơ bùng phát dịch, trong đó đáng lưu ý là các công trình thi công dở dang và nghĩa trang Bình Hưng Hòa.
Theo BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, dịch SXH cả nước tăng 34% (các tỉnh phía Nam tăng 30,4%) so với cùng kỳ. Riêng tại TPHCM số ca cộng dồn đến tuần 32 là 12.291 ca, tăng gần 27% so cùng kỳ, trong đó có 4 ca tử vong. Có 18/24 quận huyện có số ca nhập viện tăng mạnh so với cùng kỳ như quận 12 (tăng 133%), Cần Giờ (125%), Hóc Môn (83%), Bình Tân (64%).
BS Nguyễn Trí Dũng cảnh báo qua kiểm tra, có nhiều địa phương còn lơ là với việc phòng chống SXH. “Trong tháng này, qua kiểm tra, phường 10 (quận 6) xử lý sót ca trong ổ dịch, thời gian theo dõi ổ dịch thiếu, không tái kiểm tra đối với những điểm nguy cơ có lăng quăng. Phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân) khoanh vùng ổ dịch không đúng, sót ca dẫn đến ổ dịch lan rộng. Còn tại phường Bình Chiểu (quận Thủ Đức) không sử dụng hệ thống viễn thám địa lý khoanh vùng ổ dịch dẫn đến sót 3 ổ dịch”, ông Dũng lưu ý.
“Các quận, huyện không được chủ quan. Không được so sánh số ca với dân số dẫn đến chủ quan. Môi trường rất mong manh, cao điểm SXH còn kéo dài. Dứt khoát không để dịch bùng phát. Chểnh mảng để dịch bùng phát thì tính mạng của 13 triệu dân bị đe dọa, hậu quả khó lường. Dịch bệnh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế. Du lịch đang là nguồn thu khá lớn, nếu có dịch, du khách sẽ hạn chế đến. Đặc biệt, hội nghị cấp cao APEC sắp diễn ra tại TPHCM”, Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, tính đến ngày 10/8, tổng số ca mắc sốt xuất huyết tại địa bàn TPHCM là 12.217 ca, tăng 27% so với cùng kì. Trong 7 tuần vừa qua số ca mắc sốt xuất huyết hàng tuần không gia tăng thêm mà đang có dấu hiệu chững lại.