Sốt phát ban tấn công cả trẻ lẫn già

Nhiều trẻ sốt phát ban và viêm đường hô hấp đến BV Nhi T.Ư khám những ngày qua
Nhiều trẻ sốt phát ban và viêm đường hô hấp đến BV Nhi T.Ư khám những ngày qua
TP - Số trẻ em và người lớn nhập viện do sốt phát ban gia tăng mấy ngày qua ở Hà Nội. Cùng đó, nhiều trẻ nhập viện do viêm đường hô hấp, tiêu chảy…
Nhiều trẻ sốt phát ban và viêm đường hô hấp đến BV Nhi T.Ư khám những ngày qua
Nhiều trẻ sốt phát ban và viêm đường hô hấp đến BV Nhi T.Ư khám những ngày qua . Ảnh: Thái Hà

Người lớn, trẻ nhỏ đều mắc

Gần 9 giờ sáng, phòng khám số 6 (Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi T.Ư), PGS.TS Phạm Thị Sửu đã tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân sốt phát ban. Hầu hết trẻ mới mắc bệnh ở giai đoạn nhẹ, được bố mẹ đưa đi khám sớm, nên không phải nhập viện điều trị. Bệnh gặp nhiều ở trẻ từ 3- 4 tuổi với biểu hiện phát ban sau đó lên cơn sốt.

Chị Mai Anh (ở phố Đội Cấn) có con 3 tuổi điều trị sốt phát ban cho biết, cháu sốt hai ngày nay nhưng chỉ gần 38 độ C, da bắt đầu nổi mẩn đỏ. Bác sĩ Sửu kết luận không cần điều trị kháng sinh vì kháng sinh không có tác dụng với virus gây bệnh. Trẻ cần uống oserol, bổ sung thêm vitamin và có chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng để tăng sức đề kháng.

Bệnh sốt phát ban ít gặp ở trẻ dưới 6 tháng tuổi, do giai đoạn này trẻ vẫn còn nhiều kháng thể từ mẹ truyền sang trong quá trình mang thai. Tuy nhiên, mới đây Bệnh viện Nhi T.Ư tiếp nhận một bé mới 2 tháng tuổi sốt phát ban toàn thân dày đặc.

Không chỉ trẻ nhỏ, người lớn cũng bị sốt phát ban tấn công. PGS.TS Trịnh Thị Ngọc- Trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai) cho biết, mỗi ngày khoa khám cho hơn 20 bệnh nhân bị sốt phát ban, nhiều người phải nhập viện do sốt cao liên tục.

Tại BV Bệnh nhiệt đới quốc gia, từ cuối tháng 1 đến nay đã tiếp nhận gần 200 bệnh nhân bị sốt phát ban. Phần lớn bệnh nhân sốt kéo dài, một số ít bị biến chứng viêm não.

Bố mẹ kê đơn, con bệnh nặng thêm

Ths. Cù Thị Minh Hiền - Phó trưởng khoa Khám bệnh, BV Nhi T.Ư cho biết, 3/4 trong số gần 40 bệnh nhi đến khám trong một buổi sáng bị viêm đường hô hấp. Tiếp đó là các bệnh tiêu chảy do virus Rota, quai bị…

Cặp song sinh Trần Đoàn Công Bách và Trần Đoàn Công Hậu (6 tháng tuổi, ở Nghĩa Hưng, Nam Định) bị sổ mũi đã hơn 20 ngày, kể từ giữa đợt rét trước tết vừa qua, đến hơn 1 tuần nay cả hai bắt đầu ho dữ dội, nôn khi ho.

Chị Đoàn Thị Xuyên, mẹ hai bé cho biết, những đợt ho kéo dài đã làm cả hai bé sụt cân, quấy khóc liên miên. Chị tự mua kháng sinh cho hai con uống nhưng cơn ho của bé vẫn không giảm, nước mũi vẫn nhiều.

Theo bác sĩ Hiền, nhiều trẻ đến khám khi đã viêm phổi nặng. Nhiều trường hợp trong số đó được gia đình tự điều trị tại nhà bằng kháng sinh không đúng liều lượng như phác đồ chỉ dẫn. Việc tự ý dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ khiến bệnh của trẻ không giảm mà còn nặng lên. Thậm chí có người lớn thấy con sốt virus, tiêu chảy do virus cũng cho con uống kháng sinh trong khi kháng sinh không có tác dụng với virus.

Bệnh nhi H.N (34 tháng tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội) bị viêm phổi nhưng bố mẹ tự mua kháng sinh cho bé uống mà không biết đã dùng liều lượng quá nhẹ so với bệnh của trẻ. Bác sĩ Hiền cho hay, đó là nguyên nhân khiến cháu bé viêm phổi nặng hơn do thuốc không đáp ứng được bệnh.

Một số trường hợp trẻ hen phế quản nhưng do bố mẹ tự ý cho con uống thuốc nên bệnh không thuyên giảm, cơn hen gây khó thở đứa bé khiến trẻ phải đi cấp cứu giữa đêm.

PGS Trịnh Thị Ngọc cho hay, sốt phát ban là do virus gây nên, bệnh lành tính, ít nguy hiểm tới tính mạng nhưng không nên chủ quan, cần tới bệnh viện khi sốt cao liên tục. Do bệnh lây qua đường hô hấp nên khi mắc bệnh cần giữ vệ sinh cá nhân, tránh tiếp xúc mọi người để hạn chế lây lan ra cộng đồng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG