Đẹp không cố gắng
Chỉ một năm trước, “dùng hàng hiệu, tiêu tiền triệu, yêu siêu xe, đổ rác cũng phải điệu…” gần như là châm ngôn được giới trẻ thích thú đưa vào to do list (những việc phải làm) để không lãng phí thanh xuân. Đầu năm nay, các quan điểm quay ngoắt: tiện nhẹ rẻ mới là sành điệu. Nhiều người nhấn mạnh yếu tố “rẻ” bởi nó được định danh như một sự đánh dấu trưởng thành. Biết quý trọng đồng tiền và biết cách chi tiêu hợp lý mới được nâng level. Ở đây, có một cái bẫy nho nhỏ: khi dùng số tiền ít nhất để làm cho mình đẹp nhất, thong dong nhất và trải nghiệm được nhiều nhất, vậy thì cần một trình độ hưởng thụ cũng như sắp xếp nhất định. Team “mọi thứ đều mua được bằng tiền” bắt đầu hoang mang khi phe kia ít tiền vẫn chụp được ảnh triệu like, tổ chức những chuyến đi gây thương nhớ và tạo phong cách “đẹp không gắng gượng”!
Có vẻ như đây là một xu hướng được lòng đám đông, bởi bất cứ diễn đàn nào mở ra cổ xúy cho tối giản đều được hưởng ứng nhanh chóng và rầm rộ. Trang Stylory được một nhóm biên tập viên sách thời trang tạo ra đã nhanh chóng thu hút 14.000 lượt theo dõi. Xu hướng làm đẹp “liệu cơm gắp mắm” được cổ xúy là “văn minh, phong cách, thân thiện với môi trường”. Theo đó, phụ nữ có thể vẫn đẹp lộng lẫy chỉ với một cái đầm secondhand trị giá hai trăm ngàn. Stylory tập trung vào việc tạo lập các giá trị tinh thần cho phụ nữ. Họ ủng hộ phụ nữ biết cách nghỉ ngơi, hưởng thụ, làm công việc mình thích (dù là “về hưu” hay bán bánh tại gia) và ngừng việc “hy sinh tất cả cho gia đình”. “Nghèo mà đẹp” gần như thành slogan của nhóm này. Hàng ngàn người phản hồi rằng, khi không còn chạy theo thời trang và mua sắm, khi ra đường chỉ với duy nhất son đỏ trong các bước trang điểm, họ sống ung dung với tủ đồ hai mươi món và đẹp hơn bao giờ.
Pháo đài mỹ phẩm cũng đã bị phong trào tối giản ảnh hưởng. Thư Đỗ, chủ thương hiệu Grandpa’s Garden, người tạo ra trào lưu chăm sóc da tối giản từng có gần 10 năm nghiên cứu và làm mỹ phẩm handmade chia sẻ: là một người tạo ra mỹ phẩm, tôi đã không còn thần thánh hóa mỹ phẩm nữa. Với tôi, mỹ phẩm không phải là một phép màu, mà mỹ phẩm là một người bạn của làn da.
Tất cả những hướng dẫn làm đẹp sau đó của Thư gần như đi ngược lại với ngành kinh doanh mỹ phẩm. Cô cho rằng không cần thiết phải rửa mặt ba bước với tẩy da chết, sữa rửa mặt, và toner vào buổi sáng. Cũng không cần tốn tiền mua kem dưỡng mắt, vì rằng nó chỉ là một chiêu quảng cáo chứ thực ra tác dụng không khác gì kem dưỡng thông thường. Một loạt các phụ trợ thần thánh khác như: kem tẩy da chết, serum, những tinh chất thần kỳ bôi một lần là đẹp… lần lượt bị Thư bóc mẽ. Các tín đồ theo Thư cổ vũ nhau tìm kiếm mỹ phẩm từ… trong bếp, tại các nguyên liệu rau củ quả có sẵn và rẻ tiền. Giống như Stylory, Thư Đỗ cho rằng, phụ nữ đẹp ở thần thái, mỹ phẩm và thời trang chỉ là thứ phụ trợ, không cần thiết phải nặng nề, tốn tiền vì nó.
Tối giản là thước đo văn minh
Bởi xu hướng tối giản khuyến khích người ta bỏ sự lệ thuộc vào vật chất, tương đương với quẳng đi rất nhiều gánh nặng, giảm áp lực cho môi trường sống nên nhập môn của lối sống này được nhiều người nổi tiếng cho rằng, nên bắt đầu từ việc thanh lý căn phòng riêng.
Đầu năm 2017, cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật” (tác giả: Sasaki Fumio, NXB Lao Động) xuất hiện, đã cổ vũ mạnh mẽ cho chọn lựa này. Theo tác giả: tối giản là cách sống cắt giảm vật dụng xuống còn mức tối thiểu. Và cùng với cuộc sống ít đồ đạc, ta có thể để tâm nhiều hơn tới hạnh phúc.
Điều thú vị của cuốn sách là nó có hẳn một chương ghi lại những bí quyết cụ thể để cắt giảm đồ đạc trong nhà cũng như bác bỏ hoàn toàn câu viện cớ: “quá bận không có thời gian” để làm việc gì đó như: tập thể dục, đọc sách, đi du lịch một mình v.v... Sasaki Fumio nhấn mạnh rằng: Chẳng có gì là không thể. Những người nói không thể chẳng qua là họ không muốn làm việc ấy.
Một trong những người khởi xướng cho phong cách sống tối giản ở Việt Nam là nhiếp ảnh gia Monkey Minh. Minh có ảnh hưởng tương đối rộng trong số các nghệ sĩ trẻ, được kiến trúc sư Dzung Oko, nổi tiếng là một giám đốc sáng tạo khó tính đảm bảo: “Tôi đã gặp rất nhiều nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước nhưng chưa từng có ai chụp sản phẩm sống động, có hồn và đẹp hơn chàng nhiếp ảnh gia này”.
Trong một lần trả lời phỏng vấn, Monkey Minh khẳng định: anh không chỉ tối giản với đồ vật, mà còn tối giản cả các mối quan hệ. Phong cách bài trí nhà cửa theo phong cách zen của Minh sau đó được share rộng rãi trong cộng đồng designe.
Một dân mạng nổi tiếng khác, chị Trang Lê (chủ blog nổi tiếng “Góc Dani”) cũng là một tín đồ của sống tối giản, thuận tự nhiên. Chị Trang cho rằng, để chạm đến hạnh phúc, người ta phải tập buông bỏ: thói kiểm soát (muốn mọi việc phải theo ý mình), thói tích của, tích danh v.v… Chị cũng khuyên các bạn đọc của mình: Đừng lập kế hoạch hay tự vẽ đường cho cuộc đời của mình, đừng làm gì cả. Không toan tính, không bận tâm, chỉ đón nhận. Đón nhận và đi đến bất cứ nơi nào sự sắp xếp đưa bạn đi, hãy làm bất cứ những gì con tim thôi thúc bạn làm.
Mang nhẹ, làm gì cũng dễ
Những ngày đầu năm mới, người người đi du lịch. Tối giản lần nữa lên ngôi. Họa sĩ trẻ Tạ Quốc Kỳ Nam (chuyên làm bìa cho thương hiệu sách Nhã Nam) chia sẻ hình ảnh hành lý từ “to đùng” thành “bé tí” nhận được sự ủng hộ của rất nhiều tay phượt. Các phượt thủ đình đám khác như Tâm Bùi, Hằng Đinh, Tuân cuồng Chân, Nguyễn Hương Linh v.v… lần lượt khẳng định: hành lý họ mang theo kể cả cho những chuyến đi mấy chục ngày vẫn chỉ gói gọn trong phạm vi mang vác được bên người.
Các con nghiện thời trang, yêu nữ hàng hiệu khẳng định kiên trì tối giản bằng những Hội chợ từ thiện gần như diễn ra liên tục trong năm. Họ kêu gọi nhau dọn bớt quần áo, giày, túi trong tủ, đem bán thanh lý với giá rẻ để quyên tiền xây trường cho trẻ em miền núi, giúp đỡ người bệnh trọng tại các bệnh viện lớn.
CEO Lê Hoàng Oanh (sở hữu trang cá nhân có gần 10.000 lượt theo dõi) chia sẻ: Chị chọn lối sống tối giản bắt đầu bằng việc chỉ để dành trong tủ đủ bảy bộ đồ phối hợp công sở và tiệc tùng. Giày giữ lại ba đôi, một đi phố, một đi làm và một đi tập thể dục. Túi xách cũng chỉ hai cái thay đổi, mắt kính thì cái cận cái điệu.
Thay vì cứ đau đầu nay mặc gì đi gặp ai? Phối cái gì với cái gì sẽ hợp? Rồi mốt nào đang thịnh? Nghĩ vòng vo là thấy tiêu tốn nhiều năng lượng. Mặc cái gì cũng được, miễn sao phơi phới ở trong lòng.
Ban đầu, tối giản, thuận theo tự nhiên chỉ phổ biến ở những người đã trưởng thành (từ 25 tuổi trở lên), gần đây, nó lan sang cả thế hệ Millennials (thế hệ trưởng thành trong bầu khí quyển internet, khát khao thể hiện cái tôi và thích “tị nạn giáo dục”). Thay vì chọn châu Âu và Mỹ với chi phí đắt đỏ, khiến cả nhà gồng cố, nhiều người trẻ quay sang châu Á để hoạch định tương lai. Indonexia, Hàn Quốc, Philippin, Trung Quốc v.v… là những quốc gia “đang lên” trong bản đồ du học hiện nay. Bỏ qua những hào nhoáng sang chảnh, nhiều teen bắt đầu quan tâm hơn đến giá trị lõi và chọn cách thể hiện mình đơn giản, ít tiền hơn. Trong một bình chọn qua mạng, từ khóa “Less is more” (ít hơn tức là nhiều hơn) hiện đang chiếm vị trí đầu bảng trong tất cả những tìm kiếm liên quan đến trend, thời thượng và hạnh phúc.