Theo phản ánh của người dân Tứ Liên, những ngày qua, tình trạng mưa ẩm kéo dài khiến lượng muỗi phát triển dày đặc làm đảo lộn sinh hoạt của người dân địa phương. Chập tối, người dân phải đóng kín cửa để hạn chế muỗi vào nhà, sau đó dùng vợt hoặc đèn để diệt muỗi. Một số gia đình phải sử dụng thuốc diệt muỗi và đốt nhang chống muỗi, dù biết có hại cho sức khỏe. “Sống tại Thủ đô mà nhiều gia đình khi ăn cơm, xem tivi, trẻ em học bài... phải chui vào màn để tránh bị muỗi đốt”- bà Lan, một cư dân địa phương cho biết.
Tới phường Tứ Liên, thấy một số đầm ao ở đây thiếu lối thoát nên ô nhiễm khá nặng. Ngay sau trụ sở UBND phường Tứ Liên là một ao rộng, các loại cây mọc đầy trên bề mặt, thuận lợi cho muỗi cư ngụ. Cách đó không xa, phía sau Trường Mầm non Tứ Liên trông khá bề thế là khu vực đầm Tứ Liên nước đen kịt, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Hỏi chuyện một cư dân đang cắm cúi bước nhanh qua khu vực đầm, được biết đây là “nôi chính” để sản sinh ra muỗi trên địa bàn phường. Do người dân đổ rác thải xuống đầm, nên việc thoát nước tại đây ngày càng hạn chế, dẫn đến ô nhiễm, côn trùng phát sinh.
Tại khu vực giáp ranh hai phường Tứ Liên và Quảng An có một con kênh dài chừng 2 km cũng là một tụ điểm cho muỗi sinh sôi. Do nằm ở vị trí nhạy cảm, thiếu sự quản lý chặt chẽ nên nơi đây trở thành tụ điểm đổ rác thải sinh hoạt, thậm chí rác thải công nghiệp. Con kênh hiện bị tắc nhiều chỗ khiến ô nhiễm phát sinh, tạo điều kiện cho muỗi phát triển “tấn công” lại người dân.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND phường Tứ Liên cho biết: Trước tình trạng trên, giải pháp trước mắt phường đã tổ chức khơi thông dòng chảy tại các đầm ao nơi phát sinh ra muỗi, phát quang bụi rậm, phun thuốc diệt trùng trên địa bàn phường. Về lâu dài, phải cải thiện lại hệ thống thoát nước liên quan đến 4 phường là Yên Phụ, Tứ Liên, Quảng An và Nhật Tân mới giải quyết cơ bản tình trạng ách tắc, ô nhiễm như hiện nay.
Cũng theo ông Quang, việc con kênh bị ách tắc, ô nhiễm cũng cần giải quyết sớm. Do đặc thù, con kênh này trước đây thuộc vùng ngoài đê nên không nằm trong hệ thống thoát nước của thành phố. Vì vậy, kênh không được cấp ngân sách để nạo vét, bảo dưỡng nên địa phương gặp khó khăn trong việc duy trì dòng chảy. “Cuối năm 2014, Hội đồng Nhân dân Thành phố đã đề xuất đưa con kênh này vào hệ thống tiêu thoát nước của thành phố trong năm 2015. Khi được khơi thông tốt dòng chảy, tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu vực sẽ được cải thiện đáng kể”- Ông Quang cho biết.