Sóng ngầm trả mặt bằng trên đất vàng Sài Gòn lan tới đại gia ngoại

0:00 / 0:00
0:00
Sóng ngầm trả mặt bằng lan tới các đại gia trên đất vàng Sài Gòn hậu Covid-19. Loạt “ông lớn” F&B, bán lẻ, khách sạn rời đất vàng Sài Gòn, phá sản, tạm ngưng kinh doanh.

Không chỉ các cửa hàng nhỏ lẻ trả mặt bằng mà nhiều “ông lớn” khác trong ngành F&B, nhà hàng, khách sạn, bán lẻ ở khu vực trung tâm TP.HCM cũng phải đóng cửa, tuyên bố phá sản hậu Covid-19.

Mới nhất, tại khu vực Công xã Paris, quán cà phê Mellower Coffee nằm tại tòa nhà Metropolitan (quận 1), có view nhìn trực tiếp ra nhà thờ Đức Bà đã đóng cửa. Với nhiều tín đồ cà phê, đây là quán cà phê có view đẹp nhất ngắm nhà thờ Đức Bà và khu vực trung tâm TP.HCM.

Sóng ngầm trả mặt bằng trên đất vàng Sài Gòn lan tới đại gia ngoại ảnh 1

Cà phê Mellower Coffee đóng cửa. Ảnh: Hồng Phúc

Mellower Coffee là chuỗi cà phê nổi tiếng tại Trung Quốc, được thành lập vào năm 2011. Mellower Coffee có hơn 80 cửa hàng trên toàn thế giới, và đã có mặt tại nhiều nước như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan.

Mellower Coffee vào Việt Nam năm 2019, cửa hàng đầu tiên tại tòa nhà Deutsches Haus (quận 1). Vài tháng sau, quán thế chân The Coffee Bean and Tea Leaf ở tòa nhà Metropolitan. Định vị phân khúc khách hàng của Mellower Coffee là từ trung đến cao cấp, phục vụ dân văn phòng, giới kinh doanh là chính.

Riêng Mellower Coffee nhìn ra nhà thờ Đức Bà, buổi sáng cuối tuần, khách không dễ tìm được một ghế trống ở khu vực bên ngoài để ngắm nhịp sống TP.HCM buổi sáng sớm. Sau khi đóng cửa hàng ở tòa nhà Metropolitan, Mellower Coffee cũng chính thức tạm ngưng kinh doanh tại Việt Nam.

Cách đó không xa, khách sạn Norfolk trên đường Lê Thánh Tôn, đoạn giao với đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, gần đường đi bộ Nguyễn Huệ, cũng đã cửa đóng then cài cả năm qua. Khách sạn Norfolk chuẩn 4 sao và là khách sạn liên doanh đầu tiên giữa Việt Nam và Australia được khai trương vào năm 1991.

Sóng ngầm trả mặt bằng trên đất vàng Sài Gòn lan tới đại gia ngoại ảnh 2

Khách sạn Norfolk trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1 đóng cửa hơn cả năm qua. Ảnh: Hồng Phúc

Sau khi các hoạt động tại TP.HCM trở lại bình thường hậu Covid-19, nhiều người cứ tưởng khách sạn này sẽ từ từ mở cửa trở lại vì vị trí quá đắc địa, kiến trúc bên ngoài cũng rất ấn tượng so với mặt bằng chung các khách sạn ở khu vực trung tâm TP.HCM.

Tuy nhiên, hiện khách sạn Norfolk vẫn đóng cửa. Đồ đạc bên trong được xếp gọn gàng, không bảo vệ, không người trông coi. Được biết, khách sạn Norfolk đã hết hợp đồng thuê 30 năm và chưa có ý định tái ký nên điểm kinh doanh này vẫn đóng cửa.

Norfolk là một khách sạn thuộc Norfolk Group, tập đoàn quốc tế trong lĩnh vực đầu tư, phát triển và quản lý các dự án bất động sản ở Việt Nam và Australia, bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1990.

Trên website chính thức của Norfolk Group, tập đoàn này thông báo sau 30 năm, khách sạn Norfolk trên đường Lê Thánh Tôn sẽ khép lại hành trình phục vụ khách hàng. Tại TP.HCM, Norfolk còn một khách sạn, căn hộ dịch vụ khác trên đường Lý Tự Trọng, quận 1.

“Ông lớn” đình đám khác trong ngành bán lẻ là Parkson cũng quyết định rút khỏi Việt Nam sau gần 20 năm hoạt động. Parkson Retail Asia (công ty mẹ sở hữu Parkson Việt Nam) cho biết Parkson Việt Nam nộp đơn lên tòa án tại TP.HCM và bắt đầu thủ tục phá sản tự nguyện vào cuối tháng 4/2023.

Sóng ngầm trả mặt bằng trên đất vàng Sài Gòn lan tới đại gia ngoại ảnh 3

Parkson Saigontourits trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1 - trung tâm thương mại cuối cùng của Parkson tại Việt Nam. Ảnh: Hồng Phúc

Trung tâm thương mại cuối cùng của Parkson tại Việt Nam là Parkson Saigontourits trên đường Lê Thánh Tôn, đối diện Vincom Đồng Khởi. Đây là trung tâm thương mại đầu tiên, đồng thời cũng là trung tâm thương mại cuối cùng của “ông lớn” bán lẻ này tại Việt Nam.

Parkson Retail Asia cho biết Parkson Việt Nam đang hoạt động thua lỗ. Thậm chí, chuỗi trung tâm mua sắm này càng ngày càng lỗ sau dịch bệnh Covid-19.

Lý giải về nguyên nhân thua lỗ và phải dẫn đến nộp đơn phá sản, theo Parkson Retail Asia, chuỗi không được giảm tiền thuê hoặc giảm không đáng kể ảnh hưởng xấu đến tình hình tài chính. Thuế đất cao cũng là nguyên nhân khiến công ty thêm khó khăn.

Theo Chủ tịch điều hành Parkson Retail Asia Tan Sri William Cheng, tập đoàn đánh giá và xác định việc duy trì hoạt động tại Việt Nam không khả thi về mặt thương mại.

Parkson Retail Asia mở trung tâm thương mại đầu tiên tại Việt Nam là Parkson Saigon Tourist Plaza vào tháng 6/2005 tại quận 1, TP.HCM. Sau đó, Parkson liên tục mở rộng tại Việt Nam. Tuy nhiên, khoảng vài năm trước dịch bệnh Covid-19, các trung tâm thương mại thuộc hệ thống này liên tục đóng cửa.

Tại khu vực trung tâm TP.HCM, mặt bằng bán lẻ, thương mại, dịch vụ, khách sạn trên các tuyến đường vẫn còn treo biển cho thuê, sang nhượng, rao bán hàng loạt.


Link gốc: https://danviet.vn/song-ngam-tra-mat-bang-tren-dat-vang-sai-gon-lan-toi-dai-gia-ngoai-20230506091205348.htm?

Theo Dân Việt
MỚI - NÓNG