Sóng ngầm ở xóm “Đàn bà vượt cạn chỉ có một mình”

Không liên lạc được với chồng, với cha nên các gia đình kiểm ngư thường xuyên theo dõi tin tức qua báo đài. Ảnh: Công Khanh
Không liên lạc được với chồng, với cha nên các gia đình kiểm ngư thường xuyên theo dõi tin tức qua báo đài. Ảnh: Công Khanh
TP - Khuất nẻo dưới chân cầu Bính (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), ít ai biết có một xóm quy tụ những gia đình kiểm ngư. Nơi đó những người chồng đi biển bằn bặt còn ở nhà những người phụ nữ vừa đóng vai vợ, vai chồng, vừa làm bổn phận của mẹ, của cha để những người đàn ông yên tâm và vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió.

Hậu phương vững chãi 

Đã hẹn từ trước, tôi được chị Hoàng Thị Hiền vợ của Kiểm ngư viên Trần Minh Tuấn đón ở chân cầu Bính (Hải Phòng) đưa vào xóm Kiểm ngư. Trước lúc đón tôi, chị Hiền còn tranh thủ lấy ít bánh để chiều đưa hàng. Vì thế đi đằng sau người phụ nữ đó tôi chỉ nhìn thấy thấp thoáng những hộp bánh khổng lồ di chuyển, cùng tiếng xích xe máy lọc xọc do lâu ngày không được tra dầu, căng xích.   

Vòng vèo qua mấy ngã rẽ, tôi cũng đến được xóm nhỏ với vài ba dãy nhà tập thể cấp bốn được xây dựng từ những năm 90 thế kỷ trước. Hỏi ra mới biết đây vốn là trạm xá cũ của một đơn vị bộ đội, nay là nơi trú ngụ của các gia đình kiểm ngư, phần lớn trong số họ vẫn chỉ thuê chứ ít ai đủ tiền mua được. Ấn tượng ban đầu ở đây là một màu xanh ngăn ngắt của vườn rau, của cỏ, và cả màu xanh lá mạ của tường các căn nhà cấp bốn chỉ vỏn vẹn chừng 20 mét vuông. 

Quả thật, nếu không được dẫn đường, khó có thể hình dung ngay dưới chân cây cầu dây văng đẹp nhất thành phố Cảng lại có một xóm nhỏ ven bờ đê với những gia đình kiểm ngư đang quấn túm bên nhau, cùng nhau vượt qua những cơn sóng ngầm của đời thường, để làm hậu phương vững chãi cho ba người đàn ông ngoài nơi sóng cả.

Đó là gia đình của kiểm ngư Trần Tuấn Minh (Tàu 634) và chị Hoàng Thị Hiền, gia đình kiểm ngư Khổng Minh Quyết (Tàu 786) và chị Ngô Thị Bích, gia đình kiểm ngư Chu Ngọc Linh (tàu 786) và chị Nguyễn Thị Thủy. 

Sóng ngầm ở xóm “Đàn bà vượt cạn chỉ có một mình” ảnh 1 Gia đình chị Hoàng Thị Hiền đọc thư chồng Ảnh: Công Khanh

Biết trước sự có mặt của tôi nên cả xóm đã quây quần bên chén trà và rồi chị Thủy đùa “Anh xem, đàn ông đi biển ráo cả, nên xóm này rặt những phụ nữ và trẻ em. Mấy chị em tôi cứ gọi đùa là xóm đàn bà”.
Khi được hỏi về những khó khăn khi chồng vắng nhà lâu ngày, các chị bảo “kể cũng chẳng hết được, vì đã lấy chồng kiểm ngư thì phải xác định mình sẽ phải thay chồng gánh vác nhiều việc”, chị Bích nói. 

Khi mình ốm đau, khi con bệnh, hay điện chập, nước rò... chỉ mong có ông đàn ông bên cạnh. Nhưng chúng tôi đã xác định rồi nên động viên, bảo ban nhau, tập làm việc của đàn ông như thay bóng đèn hỏng, vặn ốc vít… dần cũng quen, cũng thạo. 

Những vất vả thường nhật cũng qua, nhưng các chị bảo rằng khó khăn nhất chính là lúc sinh nở, ao ước có chồng ở bên để vừa chia sẻ nỗi cực nhọc khi mang nặng đẻ đau, cũng vừa chia niềm vui khi được làm mẹ làm cha. Các cụ nói đúng thật “Đàn ông đi bể có chúng có bạn, đàn bà vượt cạn chỉ có một mình” vận đúng vào thân phận của mấy chị em ở đây. 

Chị Nguyễn Thị Thủy, giáo viên trường THPT Thủy Sơn, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng cho biết cả hai lần sinh nở, anh Chu Ngọc Linh đều ở ngoài khơi. Khi vợ có bầu anh chỉ ở nhà với vợ một tuần rồi lại đi ngay.

Có khi vợ chồng chỉ gặp nhau được 30 phút rồi anh lại vội vã lên đường ra phía biển. Đến khi con lớn, bố về, con lạ hơi, lạ tiếng… khi con quen bố thì bố lại lên đường đi công tác. Vì thế hai cháu Chu Nguyễn Hà Phương (6 tuổi), Chu Nguyễn Phương Thảo (3 tuổi) đứa nào cũng mong ngóng cha về, thi thoảng lại buột miệng hỏi “Mẹ ơi, bố đâu rồi?”.  

Sóng ngầm ở xóm “Đàn bà vượt cạn chỉ có một mình” ảnh 2 Khi bố vắng nhà, mẹ bận việc, Trần Hải Đăng dạy em Trần Hoàng Hải học

Hay năm 2011, khi chị Ngô Thị Bích vợ kiểm ngư Khổng Minh Quyết trở dạ, chồng ở ngoài khơi xa, bố mẹ đều ở quê. Thế là các chị em người gọi taxi, người góp áo quần, tiền bạc rồi đưa ra bệnh viện. Đến khi ông bà nội, bà ngoại đến thì bé đã chào đời. Lấy nhau được 5 năm, hai anh chị có hai mặt con là Khổng Nhật Minh (4 tuổi) và Khổng Minh Ngọc (2 tuổi).

Đồng lương của nhân viên phòng bảo quản, bảo tàng Hải Phòng cùng với lương kiểm ngư cũng phải chắt bóp lắm mới đủ chi trả tiền thuê nhà, chi tiêu và học cho các cháu. 

“Năm 2001, anh Tuấn Minh vừa cập bờ vào bốt điện thoại gọi về nhà thì vợ đã sinh con. Biết có con trai đầu lòng, anh vui quá miệng vừa cười, lững thững đi ra biển như mộng du quên cả trả tiền điện thoại, khiến người ta phải gọi giật lại…”, chị Hoàng Thị Hiền nhớ lại lần sinh nở đầu tiên của mình.

Chị Hiền cho biết Tuấn Minh đặt tên con là Hải Đăng để mong con như ngọn đèn biển soi đường cho bố ra khơi, cũng như là ngọn đèn biển dẫn lối để những người con đất liền về nhà. Còn đứa thứ hai anh chị đặt là Hoàng Long. Vì bố xa nhà liên tục, Hoàng Long đi nhà trẻ lúc hơn một tuổi, còn Hải Đăng trở thành người lớn lúc nào không hay. Mới có lớp tám nhưng Hải Đăng đã thoăn thoắt việc nhà, khi thì nấu cơm, rửa bát, trông em thay mẹ, khi thì thay bóng điện hỏng, cầu chì cháy thay bố.

Một người bốn vai

Xóm Kiểm ngư gần bờ đê ấy sợ nhất là mưa bão, nước dâng, gió giật khiến mấy căn nhà cấp bốn cứ chao bên này, nghiêng bên kia, khiến cho sức chịu đựng của mấy người phụ nữ nơi đây tưởng như có thể đến ngưỡng chịu đựng bất cứ lúc nào. Đôi lúc cả ba người phụ nữ ngồi lại với nhau lại lạc quan tếu rằng “chồng mình đi chống bão nơi đâu, chứ bão ở nhà thì chẳng ai đỡ”. 

Sóng ngầm ở xóm “Đàn bà vượt cạn chỉ có một mình” ảnh 3 Chị Nguyễn Thị Thủy vẫn thay chồng sửa chữa những hỏng hóc trong nhà

Có lần giông to quá, mấy mái bếp bị giật bay mất hở ra khoảng trời trống hoác. Sau lần đó các chị đều thống nhất phương án “vườn không, nhà trống” - khi bão đến bồng con tới nhà nào kiên cố trong làng, trong xóm để xin trú nhờ. 

Khi giông gió đi qua, các chị lại bắt tay vào cải tạo mảnh vườn hoang trước dãy tập thể vốn xưa là vườn thuốc của trạm xá. Người cuốc người xới để trồng rau, trồng bí, trồng đậu, thả gà… Chẳng mấy chốc khu vườn hoang xưa, nay có bàn tay của mấy người phụ nữ lại hồi sinh theo mô hình tự cung tự cấp. Khách đến, khỏi cần ra chợ các chị cũng có rau ngon, gà vườn thiết đãi. 

Hỏi ra mới biết, những phụ nữ nơi đây cất công chăm nom vườn rau xanh tốt để dành chờ các đức lang quân, vốn đi biển lâu ngày thèm rau xanh và các món tươi. Thế nên, ba phụ nữ nơi xóm nhỏ ấy, chị nào cũng thủ cho mình một món tủ để chào đón những chàng thủy thủ suốt nơi đầu “bất thùng chi thình” trở về. Chị Hiền có món rau sống, thịt ba chỉ luộc và canh cá chua. Chị Thủy có món gỏi cá chấm tương bần Hưng Yên. Còn chị Bích đặc trị món nộm gà xé phay. 

“Có lần sau mấy tháng liền lênh đênh trên biển làm nhiệm vụ, về tới nhà anh nhà tôi ăn hết cả rổ rau với cả cân thịt ba chỉ luộc, ấy vậy mà vẫn thòm thèm”. Chị Hiền kể về “chiến tích” của chồng mình trong tiếng cười vang của cả xóm.

Đến khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển của Việt Nam, cả ba ông chồng đều ra khơi làm nhiệm vụ. Không thể liên lạc qua điện thoại nên ba gia đình đều quấn túm bên nhau mỗi khi có bản tin thời sự về Hoàng Sa. 

Khi đó những người vợ căng mắt, căng tai để xem để nghe những tin tức về chồng, xem con tàu nào bị đâm, bị húc, xem có ai bị thương. Bỗng Chu Phương Thảo, 3 tuổi con gái út của kiểm ngư viên Chu Ngọc Linh hỏi lớn “Mẹ ơi, sao tàu Trung Quốc ác thế? Liệu bố có bị làm sao không?”. Những câu hỏi của đứa trẻ ba tuổi khiến các bà mẹ giật mình sửng sốt. Rồi các chị lại trấn an các con “Bố của các con sẽ không sao, bố sẽ bình yên trở về”.

“Có khi xem tivi thấy tàu chồng mình ngồi lái bị tàu Trung Quốc xịt vòi rồng, đâm va khiến tay chân bủn rủn. Nhưng định thần một lúc, tôi nghĩ giờ có lo cũng chẳng thể giải quyết được gì, không thể liên lạc được. Vì thế chúng tôi tự động viên nhau, mình không được ốm, không được suy sụp để còn coi sóc con, chăm lo cho gia đình. Để chồng yên tâm làm nhiệm vụ phục vụ Tổ quốc”, chị Hoàng Thị Hiền nói.

Bỗng Chu Phương Thảo, 3 tuổi con gái út của kiểm ngư viên Chu Ngọc Linh hỏi lớn: “Mẹ ơi, sao tàu Trung Quốc ác thế? Liệu bố có bị làm sao không?”. Những câu hỏi của đứa trẻ ba tuổi khiến các bà mẹ giật mình sửng sốt. Rồi các chị lại trấn an các con “Bố của các con sẽ không sao, bố sẽ bình yên trở về”.

> CHÙM ẢNH: Cận cảnh cuộc sống tại xóm Kiểm ngư

MỚI - NÓNG