Sóng ngầm nơi hậu trường VPF

0:00 / 0:00
0:00
HĐQT VPF cần có sự đoàn kết cao thay vì bất đồng trong nội bộ. Ảnh: Đức Cường
HĐQT VPF cần có sự đoàn kết cao thay vì bất đồng trong nội bộ. Ảnh: Đức Cường
TP - Tranh cãi quanh quyết định tổ chức giải bóng đá vô địch Quốc gia (VĐQG) LS V-League 2021 trở thành cái cớ để người trong cuộc đòi thực hiện cuộc thay đổi quyền lực ở Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF).

Ngày 27/9, Công ty Cổ phần thể thao Hải Phòng có văn bản ký tên Giám đốc điều hành Lê Xuân Hải yêu cầu VPF triệu tập đại hội cổ đông bất thường. Trước đó, Hải Phòng cùng một số đội bóng chủ yếu ở nhóm cuối bảng đã gay gắt đòi VPF huỷ V-League 2021 với lý do dịch COVID-19 và tình hình kinh tế khó khăn. Cùng với đó, Hải Phòng và 5 đội bóng gồm HAGL, Bình Dương, Nam Định, SLNA và Quảng Nam đã yêu cầu VPF tổ chức đại hội cổ đông bất thường để bầu lại các chức danh lãnh đạo.

Tuy nhiên mới đây, HĐQT VPF đã họp và thông báo yêu cầu của 6 cổ đông trên không đảm bảo theo quy định trong Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Công ty. VPF cũng mong muốn các cổ đông đoàn kết, vượt qua khó khăn ở thời điểm hiện tại.

Văn bản của Công ty Cổ phần thể thao Hải Phòng hôm 27/9 tiếp tục chỉ trích VPF “vô cảm với xã hội”, đồng thời cáo buộc việc VPF giữ lại công văn sau 30 ngày mới trả lời là cố tình né tránh trách nhiệm.

Phía dưới tảng băng ngầm

Trước đó, đại diện Hải Phòng tham dự cuộc họp với các đội bóng do VPF tổ chức để quyết số phận V-League 2021 là ông Văn Trần Hoàn, một cổ động viên nổi tiếng đất cảng với biệt danh Hoàn “pháo”. Tháng 4/2021, thành phố Hải Phòng thực hiện chuyển giao CLB bóng đá Hải Phòng từ Công ty Cổ phần thể thao Hải Phòng sang Công ty Cổ phần sông Hồng của ông Văn Trần Hoàn, dù quy định của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) không cho phép.

Không rõ vì lý do gì VFF đứng đầu là Chủ tịch Lê Khánh Hải đến lúc này vẫn im lặng trước vấn đề trên, nhưng do vướng rào cản quy định nên dù ông Hoàn ban đầu muốn cải tổ VPF nhưng văn bản liên quan yêu cầu cải tổ VPF từ đầu, theo chia sẻ của Giám đốc điều hành Lê Xuân Hải, phải “nhờ” Công ty Cổ phần thể thao Hải Phòng gửi. Dù vậy tới văn bản hôm 27/9, ông Hoàn trả lời một số tờ báo lại khẳng định “không biết gì”.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, một bất ngờ khác là cựu Chủ tịch CLB bóng đá Hải Phòng Trần Mạnh Hùng, hiện đang là thành viên HĐQT VPF, chính là người đề nghị trì hoãn cuộc họp HĐQT VPF để quyết việc không tổ chức đại hội cổ đông bất thường. Cụ thể, VPF ban đầu đề xuất họp trực tuyến ngày 9/9. Nhưng ông Trần Mạnh Hùng đề nghị họp trực tiếp dù thời điểm trên (đầu tháng 9/2021) dịch COVID-19 đang nghiêm trọng, cả TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đều siết kiểm soát. Lý do vì….vợ chồng ông không am hiểu kỹ thuật để đấu nối thiết bị, họp trực tuyến. Ông Trần Mạnh Hùng đồng thời đề nghị lùi thời gian họp HĐQT sau ngày 15/9 vì cho rằng “còn 25 ngày để trả lời cổ đông”.

Như vậy có thể thấy, ông Trần Mạnh Hùng rất hiểu quy định về thời hạn công ty trả lời cổ đông và bản thân là người đưa ra đề xuất lùi họp, nhưng sau đó Công ty Cổ phần thể thao Hải Phòng của ông lại cáo buộc VPF như trên.

Nhiều người sẽ thấy kỳ lạ hơn với cách các thành viên HĐQT VPF ứng xử với nhau và đối với công việc chung nếu biết thời điểm ông Trần Mạnh Hùng đưa ra đề xuất họp trực tiếp trên, Chủ tịch VPF Trần Anh Tú đang làm nhiệm vụ với đội tuyển futsal Việt Nam tại Lithuania. Như vậy nếu thực hiện theo đề xuất của ông Hùng, ông sẽ… bay từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, còn bầu Tú bay từ Lithuania về để họp.

Với giới trong cuộc thì những chuyện rất lạ đang diễn ra ở VPF chỉ là phần nổi cuộc ganh đua ở hậu trường quanh những chiếc ghế ngồi vốn liên quan nhiều vấn đề và có thể tác động tới cuộc đua ở V-League.

Trước đó, đại diện Hải Phòng tham dự cuộc họp với các đội bóng do VPF tổ chức để quyết số phận V-League 2021 là ông Văn Trần Hoàn, một cổ động viên nổi tiếng đất cảng với biệt danh Hoàn “pháo”. Tháng 4/2021, thành phố Hải Phòng thực hiện chuyển giao CLB bóng đá Hải Phòng từ Công ty Cổ phần thể thao Hải Phòng sang Công ty Cổ phần sông Hồng của ông Văn Trần Hoàn, dù quy định của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) không cho phép.

MỚI - NÓNG