'Sóng ngầm' hàng lậu ở cửa khẩu Cầu Treo

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hết thời “hoàng kim”, giới buôn lậu ở Cửa khẩu Cầu Treo có những lúc tưởng chừng bị chặn đứt. Nhưng thực tế, hàng lậu, hàng cấm, gian lận thương mại ở Cầu Treo vẫn còn âm ỉ, nó như một cơn “sóng ngầm”, đến thời lại nổi lên.

“Sóng ngầm”

Vượt qua đèo Keo Nưa, ánh sáng trong sương mù từ eo “Cô gái” (một địa danh ở huyện Hương Sơn) dẫn chúng tôi đến Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh). Những ngày cuối năm, sương mù dày đặc, quốc lộ 8A đang thi công trở nên lầy lội, hiểm trở hơn khi bên vách núi thăm thẳm, bên vực sâu hiểm trở.

Là cửa ngõ quan trọng, nhiều năm về trước Cửa khẩu Cầu Treo trở thành “thiên đường” buôn lậu, hàng giả, hàng “con” (động vật quý hiếm - PV) tuồn về từ nước bạn.

Cũng từ đây, nhiều người dân huyện Hương Sơn đã trở thành “ông trùm” buôn lậu khét tiếng vùng biên. Đầu nậu, cửu vạn cũng giàu lên nhanh chóng.

'Sóng ngầm' hàng lậu ở cửa khẩu Cầu Treo ảnh 1

Toàn cảnh Cửa khẩu Cầu Treo tấp nập xe cộ cuối năm

Tại nhà Quốc Môn (mặt bằng để phương tiên tại cửa khẩu Cầu Treo) rộng 4.000m2, những ngày cuối năm hàng loạt xe tải chở than, nông sản, nước giải khát… chờ làm thủ tục thông quan. Mỗi chiếc xe chở hàng qua, các chiến sĩ biên phòng, hải quan liền dùng đèn pin, máy chiếu để kiểm tra ở những hầm chứa, khung gầm, ghế lái.

Chỉ tay vào những chiếc xe đang chờ thông quan, một cán bộ hải quan nói: “Nhìn nhộn nhịp vậy thôi nhưng sóng ngầm cả đấy. Nếu ngành chức năng kiểm tra lơ là, mất cảnh giác thì hàng lậu, ma tuý sẽ tuồn vào nội địa ngay. Vì vận chuyển hàng lậu, hàng cấm các đối tượng sẽ nguỵ trang rất khó phát hiện”.

Theo Hải quan Cửa khẩu Cầu Treo, buôn lậu hàng điện tử, hàng con, đã giảm, nhưng pháo, ma tuý vận chuyển qua cửa khẩu diễn biến phức tạp. Ông Nguyễn Tiến Sơn, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Hải Quan Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo cho biết, có những đối tượng giấu hàng trong thùng xe, được lắp ráp, sơn lại như mới, bằng mắt thường khó phát hiện.

Nếu không có thông tin từ bên kia biên giới và hồ sơ theo dõi thì rất khó để lật tẩy. Áp lực của ngành chức năng tăng lên nhiều lần khi tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng không ít đối tượng lợi dụng sự thông thoáng này để buôn lậu, gian lận thương mại. Vì thế đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ, kiểm soát gắt gao của hải quan và biên phòng.

“Hoạt động buôn bán chất cấm, hàng lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp. Trong khi đó trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác kiểm tra, giám sát còn thiếu chưa đáp ứng được yêu cầu công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại. Vì thế có những thời điểm phải huy động thêm cả chó nghiệp vụ để thực hiện kiểm soát”, ông Sơn nói thêm.

Chặn hàng lậu từ đỉnh Keo Nưa

Cửa khẩu Cầu Treo như lòng chảo nằm giữa đỉnh Trường Sơn, giáp với bên kia là nước bạn Lào. Nơi đây từng diễn ra nhiều cuộc chạm trán, đấu súng quyết liệt của lính biên phòng và lực lượng hải quan với các “ông trùm”, “chân rết” buôn bán ma tuý. Địa điểm này cũng là “yết hầu” chặn bắt hàng lậu vượt đường biên vào nội địa. Địa hình hiểm trở, không có dân cư, nhiều đối tượng buôn lậu, buôn hàng cấm tận dụng thời cơ để cắt đường rừng chuyển, vác hàng về xuôi.

Những ngày cuối năm, sương mù bao phủ, có những thời điểm lạnh buốt thấu xương nhưng những người lính biên phòng vẫn phải căng mình tuần tra hai bên cánh gà để đảm bảo không để hàng cấm, hàng lậu tuồn vào nội địa thông qua đường rừng. “Vào dịp cuối năm mưa nhiều, nhiệt độ giảm sâu, sương mù dày nên anh em tuần tra gặp không ít khó khăn. Ngoài ra tại khu vực thông quan qua cửa khẩu, các đối tượng gia cố hầm hào, ngụy trang xe để đưa hàng lậu, hàng cấm qua nước ta rất tinh vi; bằng mắt thường rất khó có thể phát hiện được”, Đại úy Võ Anh Tuấn - Trạm trưởng Trạm Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo nói.

Dù nhân lực hải quan, biên phòng được huy động toàn bộ quân số, túc trực kiểm soát 24/24, tuy nhiên hàng hóa xuất, nhập khẩu với khối lượng lớn, nhiều xe gia cố thêm hầm chứa hàng nên ngành chức năng gặp không ít khó khăn trong kiểm tra, kiểm soát. “Xác định nếu lơ là, sơ hở hàng lậu, hàng cấm sẽ dễ tuồn về xuôi nên anh em lúc nào cũng phải kiểm tra kỹ càng. Chúng tôi thường xuyên nắm bắt từ nhiều nguồn như ngoại biên, nhà xe, hay các cơ sở, để nắm rõ những đối tượng nằm trong đường dây để giám sát chặt chẽ hơn”, đại uý Tuấn cho biết. Ngồi chờ làm thủ tục thông quan, anh Hoàng Quốc Khánh (tài xế container chở than) nói: “Cuối năm hàng hoá nhiều hơn nên tôi chỉ chở hàng đến tập trung ở cửa khẩu rồi quay đầu trở lại Lào. Chúng tôi sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng để lo thực hiện, nhiệm vụ kiểm tra kiểm soát hàng hóa theo quy định. Tôi không buôn hàng cấm, chở hàng lậu thì không có gì để lo”, anh Khánh nói.

'Sóng ngầm' hàng lậu ở cửa khẩu Cầu Treo ảnh 2

Lực lượng chức năng kiểm soát tại cửa thông quan Cửa khẩu Cầu Treo

Trên quốc lộ 8A, những chuyến xe hàng từ Lào về Việt Nam và ngược lại nối đuôi nhau, nhưng không còn không khí tấp nập như năm nào. Bởi sau sự cố sạt lở quốc lộ 8 tại Lào vào hồi tháng 8 vừa qua khiến phương tiện, hàng hóa qua cửa khẩu Cầu Treo giảm mạnh. Trước đây mỗi ngày có tới 200 lượt phương tiện qua lại, nhưng nay giảm trên 60%. Rời cửa khẩu, về xuôi thị trấn Tây Sơn - “thủ phủ” của hàng lậu năm nào, nay bình yên đến lạ thường. Hết cảnh hàng hoá tấp nập vỉa hè, xe sang, xế hộp chạy quanh phố. Những đầu nậu hàng Thái Lan nay cũng tứ tán chuyển hoạt động kinh doanh hoặc đi nơi khác để làm ăn. Cửa hàng đóng cửa, treo biển cho thuê, nhà tầng im lìm đóng. Người đàn ông tên Thanh (trú tại thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn) cho hay, chỉ riêng thị trấn Tây Sơn thời điểm còn vượng có gần 100 doanh nghiệp và hơn 500 hộ kinh doanh buôn bán. Hàng hóa đổ về tràn ngập phố, nhất là những ngày cuối năm. Nhưng từ sau khi hết chính sách ưu đãi, cơ quan chức năng siết chặt kiểm soát hàng hóa, nhất là hàng nhập lậu, vùng này rơi vào cảnh đìu hiu. “Trước đây, khi không có việc, chỉ cần lên cửa khẩu đứng một lúc là có người thuê bốc vác hàng. Thậm chí có những lần xuyên đêm vác hàng cắt đường rừng từ Lào về đưa máy giặt, tủ lạnh về Việt Nam. Cứ đi vài ngày về lần là có ngay chục triệu tiêu”, ông Thanh nói.

Theo ông Nguyễn Tiến Sơn, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Hải Quan Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị đã phối hợp với lực lượng chức năng: Bắt 16 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; bắt 4 vụ vận chuyển trái phép pháo nổ, 7 vụ vận chuyển trái phép chất ma túy; Xử phạt vi phạm hành chính 127 vụ với tổng số tiền nộp phạt ngân sách Nhà nước là 1,29 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG