Sống gầm cầu nuôi con ăn học

Sống gầm cầu nuôi con ăn học
“Đời mình khổ đã không được học hành hẳn hoi tử tế rồi, đến đời con không thể để nó thiệt thòi được”. Đó là những lời tâm sự của người đàn ông sống dưới gầm cầu Chương Dương (Hà Nội).

Sống gầm cầu nuôi con ăn học

> Những nữ giáo viên vượt khó trồng người

> Sẽ đóng cửa các trường đại học yếu kém

“Đời mình khổ đã không được học hành hẳn hoi tử tế rồi, đến đời con không thể để nó thiệt thòi được”. Đó là những lời tâm sự của người đàn ông sống dưới gầm cầu Chương Dương (Hà Nội).

Anh Nguyễn Văn Đoàn
Anh Nguyễn Văn Đoàn.
 

Thu nhập ít ỏi

Anh Nguyễn Văn Đoàn, 45 tuổi, quê ở Hưng Yên, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đã lên Hà Nội mưu sinh với hy vọng tích góp được chút tiền nuôi con ăn học đàng hoàng.

Hàng ngày, anh lang thang khắp phố phường nhặt nhạnh vỏ nhựa, giấy rác, túi nilon…Thu nhập mỗi ngày không đáng là bao, ngày nhiều nhất mới được 80 nghìn đồng, còn bình thường được khoảng năm chục, trừ tiền ăn đi, mỗi ngày được khoảng 20, 30 nghìn đồng, có ngày còn không được đồng nào.

“Có khi nhặt được đôi giày hay đồ gì đó vẫn sử dụng được, bán đi lại được chút tiền, hoặc khi trời mưa, chạy quanh quanh bán áo mưa cũng được 2, 3 nghìn/chiếc” – Anh cho biết.

“Ngày trước, tôi còn làm bốc vác, thu nhập có khá hơn, nhưng mất sức lắm, sức khỏe cũng yếu dần nên phải bỏ việc” – anh chia sẻ.

Vì thu nhập quá thấp, nên không có điều kiện thuê phòng trọ, anh thường ngủ dưới chân cầu Chương Dương, có lúc ngủ ở Bờ Hồ, cuộc sống lang thang nay đây mai đó đã kéo dài trong nhiều năm nay, anh cũng quen cảnh bị người ta xua đuổi.

Lần mới về chân cầu Chương Dương, ông Vinh – hành nghề sửa xe ở đó mấy chục năm nay – đã cầm dao dọa chém nếu anh không dọn đi.

Nhiều lần ngủ ở Bờ Hồ, bảo vệ tịch thu chiếu, hôm sau, anh lại lóc cóc lên xin xỏ. Vì con, vì gia đình anh vẫn cố bám trụ ở Hà Nội với cái nghề bao cay đắng này.

Sau một ngày lang thang mệt mỏi, anh tìm đến địa điểm ăn quen thuộc, “ăn ở đây rẻ, đồ ăn nhiều, mỗi bữa chỉ mất 11, 12 nghìn” – anh cho biết.

Đó là một quán ăn nằm sâu bên trong khu chợ Long Biên, quán nhỏ và vài món ăn đạm bạc. Đối tượng khách hàng ở đây chủ yếu là người lao động hoặc những người có thu nhập thấp như anh Đoàn.

Dù nghèo cũng không để con thất học

Vợ chồng anh Đoàn có hai người con, một đứa anh chị đã gửi vào Nam cách đây 4 năm, vừa làm thêm cho dì, vừa nhờ dì cho đi học. Còn đứa thứ hai năm nay lên lớp 6.

Lang thang ngoài Hà Nội 2, 3 tuần lại mang tiền về nhà một lần. Anh luôn chi tiêu tiết kiệm, dành dụm từng đồng vì tương lai của con.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh Nguyễn Văn Đoàn đã lên Hà Nội mưu sinh với hy vọng tích góp được chút tiền nuôi con ăn học đàng hoàng
Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh Nguyễn Văn Đoàn đã lên Hà Nội mưu sinh với hy vọng tích góp được chút tiền nuôi con ăn học đàng hoàng.
 

Tài sản của anh chỉ có một manh chiếu, bao tải với 2, 3 bộ quần áo…

Cứ tối đến, anh lại vác bao lên Bờ Hồ nhặt chai lọ, chiếc bao xanh to đùng che lấp cả tấm lưng của người đàn ông.

“Đời mình khổ đã không được học hành hẳn hoi tử tế rồi, đến đời con không thể để nó thiệt thòi được” – anh tâm sự.

Tan tầm, xe cộ qua lại ầm ầm, đôi mắt anh ngước lên nhìn trời nói nhỏ, kèm theo tiếng thở dài: “Giờ này chắc hai mẹ con đang chuẩn bị ăn cơm”.

Vợ anh làm ở xưởng gốm Bát Tràng, thu nhập không đáng là bao, hàng ngày đạp xe nhiều cây số đi làm vất vả.

Thương vợ, thương con, mong muốn lớn nhất của anh là tích được một chút tiền, sẽ về quê bán hàng sống cho qua ngày, nhưng biết bao nhiêu năm nay, điều đó vẫn còn quá xa vời.

Nhiều lúc nghe điện của đứa con cả trong Nam gọi về, anh lại nhớ con vô cùng.

Trong bóng tối dưới chân cầu Chương Dương, ánh đèn cao áp mập mờ, xe cộ qua lại bấm còi inh ỏi….có một người cha đang sống trong nhọc nhằn vì những đứa con.

Theo Việt An
Vietnnamnet

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.