Các VĐV đến từ 87 quốc gia đã diễu hành trước 40.000 khán giả trên SVĐ Fisht trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố khai mạc. Ngọn lửa Olympic được thắp lên bởi ba cựu huyền thoại thể thao Nga từng ba lần giành HCV các kỳ thế vận hội trước đây Vladislav Tretiak và Irina Rodnina, đã bắt đầu cho màn bắn pháo hoa chiếu sáng cả bầu trời đêm Sochi.
Với chi phí tổ chức lên tới 51 tỷ USD, Olympics Sochi trở thành kỳ thế vận hội đắt nhất trong lịch sử thể thao thế giới. Tuy nhiên, nước Nga không chỉ muốn thế giới nhớ tới Sochi với điều đó mà còn muốn biến Sochi thành bước đệm khẳng định vị thế thể thao Nga đang bị hụt hẫng thập kỷ qua.
Trong quá trình chuẩn bị cho kỳ Olympics này, nhiều nỗi lo ngại về an ninh, tham nhũng, những than phiền về việc công nhân xây dựng các công trình cho sự kiện không được thanh toán tiền công và lo ngại về những vấn đề giới tính tại nước Nga. Tuy nhiên, trong bài diễn văn chào mừng của mình, Chủ tịch Ủy ban Olympics Quốc tế (IOC) ông Thomas Bach đã đánh giá cao Sochi đang nâng cao giá trị Olympic đa dạng và không phân biệt đối xử. “Olympics là những chiếc cầu nối để mang con người lại với nhau”, ông Bach nói.
Người xem trực tiếp trên sân và qua truyền hình trên toàn thế giới đã được thưởng thức màn trình diễn lấp lánh đầy truyền thống xuyên suốt lịch sử nước Nga vốn giàu nghệ thuật, âm nhạc và các điệu múa. Hơn 3.000 diễn viên và 2.000 tình nguyện viên tham gia trình diễn với các bộ trang phục trắng với ánh sáng huyền ảo theo điệu nhạc của đại thi hào Tchaikovsky như là thông điệp hòa bình Nga gửi tới thế giới.
Chỉ duy nhất có một trục trặc nhỏ trong lễ khai mạc, đó là một trong năm bông tuyết khổng lồ đã không thể mở ra như kịch bản để tạo nên biểu tượng Olympic. Tuy nhiên, tổng đạo diễn lễ khai mạc Konstantin Ernst cho rằng đó là lỗi không đáng để ý trong tổng thể màn trình diễn kéo dài gần ba giờ đồng hồ.
Ở đoạn cuối lễ khai mạc, ngôi sao quần vợt Maria Sharapova, người lớn lên tại Sochi, là người cầm ngọn lửa Olympic tiến vào sân trước khi trao tay cho các VĐV đang giữ kỷ lục thế giới của chủ nhà Nga là Yelena Isinbayeva, Aleksandr Karelin và Alina Kabaeva. Sau đó, ngọn lửa được đưa ra ngoài sân và truyền tay cho hai cựu VĐV nổi tiếng khác là cựu vô địch trượt băng nghệ thuật Rodnina và VĐV khúc côn cầu Tretiak để thắp sáng ngọn lửa thế vận hội ở giữa trung tâm Olympic Park, nơi ngọn lửa sẽ cháy cho đến ngày cuối cùng của cuộc thi 23/2.
Nước Nga cũng tạo sự khác lạ so với truyền thống các kỳ Olympic trước đó là các đoàn diễu hành vào sân theo bảng chữ cái nước Nga thay vì bảng chữ cái thông dụng. Tất nhiên, đoàn đi cuối cùng vẫn là chủ nhà Nga trong sự hô vang của khán giả. Trong các quốc gia tham dự, đáng chú ý có Nepal, Mexico và Pakistan chỉ có một VĐV. Ngược lại, đoàn Mỹ với 230 VĐV trở thành quốc gia có thành viên nhiều nhất trong lịch sử thế vận hội mùa đông.
Đây là lần tổ chức Olympics đầu tiên của Nga kể từ năm 1980. “Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là sự công nhận đối với đất nước chúng ta”, Putin từng nói như vậy khi Nga giành quyền đăng cai bảy năm trước. Song Nga không chỉ muốn thế giới nhớ tới Sochi là kỳ thế vận hội đắt đỏ nhất lịch sử hay những vấn đề khác, mà còn là cơ hội để Nga cải thiện vị trí thứ 11 tại thế vận hội mùa Đông bốn năm trước ở Vancouver.
VĐV 9x giành HCV đầu tiên
Ngôi sao trượt ván Sage Kotsenburg mở hàng thành công cho đoàn thể thao Mỹ khi giành HCV nội dung trượt ván vượt chướng ngại vật dành cho nam. Sage Kotsenburg đạt số điểm 93.50, vượt qua đối thủ người Na Uy, Staale Sandbech (91.75) và vận động viên Canada, Mark Mcmorris (88.75). Kotsenburg mới 20 tuổi và đây được xem là chiến thắng bất ngờ.