Olympic Sochi: Hoành tráng chưa từng có

Tổng thống Vladimir Putin dự buổi xuất quân của đoàn thể thao Nga dự Olympic Sochi. Ảnh: AP
Tổng thống Vladimir Putin dự buổi xuất quân của đoàn thể thao Nga dự Olympic Sochi. Ảnh: AP
TP - Đêm 7/2, Lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông 2014 diễn ra tại Nga, với sự tham dự của hơn 60 nhà lãnh đạo thế giới.

Dù Tổng thống Nga Vladimir Putin đảm bảo Sochi là “địa điểm an toàn nhất hành tinh”, nhưng một số nước vẫn có kế hoạch đưa binh sĩ tới Biển Đen hoặc cử đội đặc nhiệm đi kèm đoàn thể thao tới thành phố này.

Đêm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự Lễ khai mạc cùng với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe… Trước khi các VĐV tranh tài, Olympic Sochi đã đạt kỷ lục về chi tiêu, mức độ an ninh, số lượng nhà lãnh đạo quốc tế tham dự một kỳ Thế vận hội mùa đông. Báo Pháp Les Echos dẫn lời ông Dmitry Chernichenko, Trưởng Ban tổ chức Sochi 2014, cho biết 70% lượng vé đã được bán hết.

“An toàn nhất hành tinh” Sau khi xảy ra một loạt vụ tấn công đẫm máu tại thành phố Volgograd do các nhóm Hồi giáo ly khai tiến hành, Nga thực hiện công tác an ninh chưa từng có nhằm bảo vệ VĐV và quan khách tham dự Olympic Sochi 2014. Nga đã triển khai gần 40.000 cảnh sát, binh sĩ và kỵ binh tại các khu vực trọng yếu, cửa ngõ ra vào thành phố. Cơ quan An ninh Liên bang Nga giám sát chặt chẽ tất cả trao đổi điện thoại và điện tử trong khu vực.

Nga còn triển khai nhiều hệ thống tên lửa đất đối không, hệ thống vệ tinh giám sát, máy bay không người lái; lắp đặt không dưới 5.000 camera theo dõi tại nhiều khu vực.

Trước đó, các lực lượng đặc nhiệm Nga triển khai một loạt chiến dịch truy quét ở khu vực miền nam Nga, bắt hơn 700 phần tử khả nghi, thu giữ nhiều vũ khí… Tờ Le Monde (Pháp) ví Sochi như “chiến hào của ông Putin”.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn lên kế hoạch đưa lực lượng quân đội tới Biển Đen, để sơ tán toàn bộ VĐV và công dân Mỹ trong tình huống xấu. Pháp cũng tính chuyện cử đội đặc nhiệm đi kèm đoàn thể thao của nước này đến Sochi.

Ngân sách kỷ lục

Tổng thống Putin đánh giá Olympic Sochi là sự kiện lịch sử lớn nhất thời hậu Xô Viết. Sự nỗ lực và quan tâm của Tổng thống Nga dồn vào sự kiện thể thao này lớn đến mức khiến nhiều người gọi đây là kỳ Olympic của ông Putin.

Năm 2007, Ủy ban Olympic Quốc tế nhóm họp để chọn địa điểm tổ chức Thế vận hội mùa đông 2014, Tổng thống Putin đăng đàn để đăng cai cho Nga. Ông Putin thông báo ngân sách dự trù tổ chức lên tới 12 tỷ USD - một khoản tiền lớn chưa từng có chi cho một kỳ Thế vận hội mùa đông. Đây chính là yếu tố chính góp phần đánh bại hai ứng viên là thành phố Salzbourg (Áo) và Pyeongchang (Hàn Quốc). Ngân sách Olympic Sochi đến nay vượt 50 tỷ USD, xô đổ kỷ lục hơn 30 tỷ USD của Thế vận hội mùa hè Bắc Kinh 2008.

Suốt 7 năm qua, Sochi trở thành công trường khổng lồ sôi động, với khoảng 60.000 nhân công làm việc liên tục. Hầu như tất cả các dự án từ hạ tầng đến công trình phục vụ thi đấu thể thao đều được xây mới, như tuyến đường sắt dài 200km, sân bay, sân vận động chính Fitch, ba làng Olympic, hai sân hockey, hai sân trượt băng… Địa điểm trên núi cách trung tâm Sochi khoảng 50km được biến thành khu trượt tuyết. Khu thi đấu này được kết nối với thành phố bằng tuyến đường cao tốc với kinh phí xây dựng lên tới 8 tỷ USD.

Nhà sử học Alain Blaum công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Nga-Pháp ở Mátxcơva, cho rằng, với Tổng thống Putin, Thế vận hội mùa đông 2014 được xem như một cách thể hiện sức mạnh mà ông luôn đặt lên hàng đầu từ khi lên nắm quyền. Kỳ Olympic lần này nhằm đánh dấu sự trở lại của Nga trên trường quốc tế với vị thế của một cường quốc trên nhiều khía cạnh như quân sự, ngoại giao, kinh tế… Đây cũng sẽ là dịp để các nước đang có bất đồng xích lại gần nhau.

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.