Khảo sát tại các chợ dân sinh như: Diêm Gỗ (Long Biên); Gia Lâm (Long Biên, Hà Nội); Thành Công, Kim Liên (Đống Đa)…, nhiều loại rau củ tăng đột biến.
Trưa 25/2, tại chợ Diêm Gỗ (Long Biên, Hà Nội), súp lơ có giá 20.000 đồng/cây (tăng 5.000 đồng/kg); cải canh giá 25.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg)... Thậm chí, hành lá trước giá 15.000 đồng/kg nay tăng đột biến lên 200.000 đồng/kg.
Đặc biệt, gừng và sả có giá 30.000 đồng/kg (tăng 50% so với trước) và bán chạy nhất trong thời điểm Hà Nội có nhiều ca F0 nhất cả nước.
Tiểu thương bán rau tại ngõ chợ Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội) cho biết, rau xanh tăng giá do thời tiết khắc nghiệt và giá xăng dầu tăng. Thậm chí, nhiều loại rau không có bán thời điểm này. Ảnh: Ngọc Mai. |
Củ sả được nhiều gia đình mua thời điểm này. Ảnh: Việt Linh. |
Không riêng rau xanh tăng giá, các loại thịt và hải sản cũng leo lên mức giá mới. Theo các tiểu thương, nguyên nhân tăng giá mới xăng, dầu tăng giá mạnh khiến chi phí vận chuyển đội lên.
Cụ thể, giá thịt nạc vai, ba chỉ, sườn thăn… lên tới 160.000 đồng/kg, thịt sấn cũng ở mức 100.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng so với trước.
Giá thịt bò cũng ở mức cao từ 250-350.000 đồng/kg. Gà ta nguyên lông cũng lên 140-150 nghìn đồng/kg, tăng 10-20.000 đồng/kg.
Trứng gà, trứng vịt cũng tăng từ 4.000 đồng/quả lên 5.000 đồng/quả. Ảnh: Ngọc Mai. |
Các loại thủy sản cũng tăng giá tới 20.000- 100.000 đồng/kg tùy loại. Trong đó, tăng mạnh nhất là các loại cá biển như cá thu, mực ống ở mức 230-350.000 đồng/kg...
Ngoài ra, các mặt hàng hoa quả như cam, nước dừa cũng tăng giá và cháy hàng. Nước dừa có giá 50.000 đồng/lít (bổ sẵn); cam Hà Giang giá lên tới 45.000 đồng/kg…
Nước dừa được mọi người truyền tai nhau tăng sức đề kháng nên nhiều người đổ xô đi mua. Ảnh: Việt Linh. |
Chợ trên mạng, người kinh doanh cũng tăng giá các loại thực phẩm. Chị Nhung (Hai Bà Trưng, Hà Nội) mới tuần trước chào hàng chả lụa chỉ 150.000 đồng/kg, nay báo giá mới lên 170.000 đồng; cá hồi từ 500.000 đồng/kg nhảy lên 700.000 đồng/kg.
“Do chủ hàng họ tăng giá chứ mình không tăng. Chưa kể giá xăng dầu tăng, chi phí vận chuyển tăng đã đẩy giá hàng hóa lên cao”, chị Nhung nói.
Ngoài giá thực phẩm bị đẩy lên, đa số những người kinh doanh online cũng đều báo giá cước giao hàng mới, theo đó, mỗi đơn hàng đều tăng thêm 10.000-15.000 đồng.