Sau Tết rau xanh tăng giá sốc, vì sao?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhiều loại rau xanh tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đang tăng giá rất mạnh, có loại rau như bắp cải, cà chua... tăng gấp 2-3 lần. Nguyên nhân giá rau biến động do nhu cầu người dân tăng cao trở lại, và thời tiết chuyển lạnh sâu tại miền Bắc ảnh hưởng đến nguồn cung.

Theo ghi nhận của Tiền Phong tại một số chợ dân sinh như Triều Khúc (Hà Đông), Mễ Trì (Nam Từ Liêm)… ngày 9/2, nhiều tiểu thương đã bán hàng trở lại. Các chợ bắt đầu có người mua khá đông. Đáng chú ý, các mặt hàng rau xanh sau Tết đang tăng giá khá mạnh, thậm chí có loại tăng gấp 3 so với ngày thường.

Chị Trần Thị Thủy, tiểu thương tại chợ Triều Khúc (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, từ ngày mùng 3 Tết, chị đã mở hàng. Tuy nhu cầu rau năm nay không lớn so với mọi năm, nhưng lượng người mua so với trước Tết tăng đáng kể.

“Các nhà hàng, quán ăn bắt đầu hoạt động trở lại nên lượng đặt hàng mua bắt đầu tăng mạnh. Giá các loại rau cũng tăng theo, có thời điểm như mồng 5 Tết, sạp rau vừa mở đã hết veo trong buổi sáng”, chị Thủy nói.

Sau Tết rau xanh tăng giá sốc, vì sao? ảnh 1

Giá các loại rau xanh tại chợ Triều Khúc (Hà Đông) đang tăng khá mạnh

Chị Thủy cho biết, theo quy luật sau Tết Nguyên đán, thường là thời điểm giá rau tăng mạnh do nguồn cung khan hiếm. Thêm vào đó, trước Tết năm nay, đã xảy ra các đợt rét đậm, rét hại liên tục ảnh hưởng đến các vùng trồng, nên lượng rau của các nhà vườn cung cấp về không nhiều. Đặc biệt, quán ăn, nhà hàng…hoạt động trở lại sau một thời gian dài đóng cửa dẫn đến nhu cầu tăng đột biến.

Theo ghi nhận, bắp cải hôm nay được bán với giá 15.000 đồng/kg, tăng giá gấp đôi, rau cần tăng từ 3.000-5.000 đồng lên 15.000 đồng/bó; rau muống tăng 2.000 đồng, từ 10.000 lên 12.000 đồng/bó; cải cúc, cải xanh, mùng tơi đồng giá tăng 3.000 đồng, từ 5.000 đồng lên 8.000 đồng/bó; bắp cải từ 10.000 đồng tăng lên 12.000 đồng/kg; súp lơ xanh tăng 3.000 đồng, từ 15.000 lên 18.000 đồng/cái.

Sau Tết rau xanh tăng giá sốc, vì sao? ảnh 2

Một số loại rau củ cũng tăng giá, như cà rốt từ 15.000 đồng lên 20.000 đồng/kg; cà chua tăng 10.000 đồng lên 30.000 đồng/kg; su su từ 12.000 lên 15.000 đồng/kg; khoai tây 15.000 đồng tăng lên 20.000 đồng/kg.

Còn tại các siêu thị, bên cạnh những siêu thị, cửa hàng tiện lợi mở cửa xuyên Tết như Aeon Mall, Circle K, 24h Cheers…, đến thời điểm này, hầu hết các siêu thị đã mở cửa trở lại, với những khung giờ phục vụ như thường lệ và giá bán ổn định so với thời điểm trước Tết.

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, hầu hết các địa phương đều có kế hoạch dự trữ hàng hóa chuẩn cho trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Giá bán các mặt hàng rau củ, trái cây tại các địa phương thời điểm trước Tết cơ bản ổn định, thậm chí giảm nhẹ so với thời điểm trước do cung khá dồi dào và ổn định.

Sau Tết rau xanh tăng giá sốc, vì sao? ảnh 3

Theo Bộ Tài chính, sự biến động giá rau chỉ là cục bộ và sẽ sớm trở lại như ngày thường

Riêng tại Hà Nội và các tỉnh phía bắc, từ mùng 4 Tết, giá rau xanh biến động tăng do nhu cầu người dân tăng, cũng như thời tiết chuyển lạnh sâu tại miền Bắc, ảnh hưởng đến nguồn cung. “Đây chỉ là biến động cục bộ và giá rau tươi sẽ sớm trở lại giá ngày thường trong các ngày tới khi cung cầu ổn định”, Cục Quản lý giá nhận định.

Để bình ổn giá cả thị trường, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương tăng cường quản lý, điều hành và bình ổn giá sau Tết. Trong đó, giao nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường công tác theo dõi sát biến động giá cả các mặt hàng thiết yếu để kịp thời có các biện pháp quản lý, điều hành phù hợp, đi đôi với đó là đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.