Sổ tiết kiệm quên 15 năm vẫn được lĩnh lãi đầy đủ

Gửi 7.000 USD và 47 triệu đồng rải rác từ năm 1999-2001 mà quên không đến lĩnh, nay đã già yếu, bà Ngô Thị Hợi vẫn được ngân hàng thanh toán hơn 10.000 USD và 165 triệu đồng.
Sổ tiết kiệm quên 15 năm vẫn được lĩnh lãi đầy đủ ảnh 1

Gửi 20 triệu đồng từ năm 2001, sau gần 15 năm, bà Hợi được thanh toán gần 66,7 triệu đồng tiền gốc và lãi.

Ngày 10/12, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Hoàn Kiếm (BIDV Hoàn Kiếm) thanh toán thẻ tiết kiệm bằng đồng Việt Nam (VND) và  đôla Mỹ cho khách hàng tại Hà Nội, gửi từ các năm 1999 đến năm 2001.

Theo ngân hàng, ngày 13/5/1999, bà Ngô Thị Hợi đã gửi 27 triệu đồng kỳ hạn 6 tháng, lãi suất 0,80% một tháng. Đến 16/10/2001, bà gửi tiếp 20 triệu đồng kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 0,55% và 7.000 USD kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 2,25% một năm.

Qua thời gian dài để quên trong tủ, đến đầu tháng này gia đình Bà Hợi mới nhớ ra. Ngày 9/12, anh Phan Anh là con trai của Bà Hợi đến BIDV Hoàn Kiếm làm thủ tục thanh toán và ngay lập tức được xác nhận sổ hợp lệ, vẫn được tính toán lãi theo đúng thời gian và kỳ hạn. Theo đó, sổ tiết kiệm trị giá 27 triệu đồng gửi năm 1999 được ngân hàng trả cả gốc lẫn lãi gần 98 triệu đồng, sổ trị giá 20 triệu đồng gửi năm 2001 được thanh toán gần 67 triệu đồng còn sổ tiết kiệm ngoại tệ được thanh toán hơn 10.400 USD. 

Đến ngày 10/12, BIDV Hoàn kiếm đã hoàn tất thủ tục và trao lại số tiền gốc và lãi cho gia đình bà Hợi. Đại diện ngân hàng cho biết có thể tính toán nhanh chóng, chính xác số tiền gốc và lãi cho khách hàng là nhờ hệ thống tính lãi tự động, cùng quy trình lưu trữ, bảo mật của hệ thống kho quỹ. 

"Đây cũng là cách chúng tôi bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Khi hết kỳ hạn, khách hàng không đến lĩnh lãi, sổ tiết kiệm sẽ tự động chuyển sang kỳ hạn mới với lãi suất mới được công bố tại ngày chuyển", BIDV cho biết.

Trước đó, một số khách hàng cũng rơi vào tình trạng gửi tiền tiết kiệm nhưng quên không tất toán khi đến hạn. Bà Lê Thị Bích Thủy (Bình Thạnh, TP HCM) có khoản tiền gửi 270 đồng (tương đương gần 2 chỉ vàng thời điểm gửi) tại Quỹ Tiết kiệm Xã hội chủ nghĩa thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ năm 1983. Tuy nhiên, sau 30 năm, bà Thủy mới đến Ngân hàng Công Thương (Vietinbank) để làm thủ tục thanh toán. Do trải qua thời kỳ đổi tiền và giá trị tiền đồng cũng thay đổi, số tiền bà nhận được chỉ là 4.385 đồng. 

Một trường hợp khác ngụ tại TP HCM cũng cho biết còn một cuốn sổ tiết kiệm trị giá 129 đồng từ năm 1977. Đến năm nay, gia đình của bà mới phát hiện ra, song người con trai là Nguyễn Thanh Tuấn lại muốn đem cuốn sổ đi bán đấu giá bởi biết tiền gốc và lãi không được là bao.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG