Số phận lênh đênh của một doanh nhân

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhiệm kỳ trước mở, nhiệm kỳ này đóng, sở này ủng hộ, ngành kia phản ứng khiến khối tài sản hàng trăm tỷ đồng của doanh nhân Vũ Văn Đảo, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Marina bị “đắp chiếu” dần trở thành phế liệu.

Quan điểm bất nhất, doanh nghiệp lãnh đủ

Một ngày cuối tuần tháng 8, sau nhiều cuộc hẹn tôi gặp lại doanh nhân Vũ Văn Đảo, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Marina. Vậy là gần chục năm tôi mới có có dịp gặp lại ông. Vẻ bề ngoài trông ông không thay đổi nhiều, ngoài khuôn mặt in đậm nếp nhăn, làn da sạm lại. Ông lu bu bởi đang đương đầu và tìm cách giải quyết khối tài sản hàng trăm tỷ bị đắp chiếu, đang dần trở thành đống phế liệu.

Ông kể, Bến thuyền du lịch Vũng Tàu Marina (Bến thuyền Marina) được cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 18/7/2012. Năm 2015, Bến thuyền Marina được cấp giấy phép hoạt động bến thuyền du lịch. Sản phẩm cano, du thuyền do công ty ông sản xuất được cơ quan chuyên môn và các chuyên gia đánh giá cao, Bộ KH&CN tặng cúp vàng. Tuy nhiên, vì vật liệu mới không thể đăng kiểm được. Năm 2012, doanh nghiệp làm việc với Cục Đăng kiểm, được đơn vị này hướng dẫn “mời đăng kiểm nước ngoài đăng kiểm trước, Việt Nam đăng kiểm sau”.

Địa phương cấm, Trung ương tặng bằng khen

Ở diễn biến khác, trong khi BQL các KCN cho rằng, hoạt động của doanh nghiệp là chưa phù hợp, trong khi đó, Công ty sở hữu Vịnh Marina được Bộ VHTT&DL tặng Bằng khen vì "thành tích xuất sắc".

Cụ thể, ngày 11/12/2020, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đã ký Quyết định số 3746 về việc tặng bằng khen cho 6 tập thể và 2 cá nhân ở tỉnh BR-VT. Theo Bộ này, đây là 6 tập thể và 2 cá nhân ở tỉnh BR_VT "đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng và tổ chức hoạt động du lịch tại địa phương năm 2020". Đặc biệt, trong số 6 tập thể có thành tích xuất sắc trên, có Công ty CP Vũng Tàu Marina.

Thế nhưng, sự thật không phải như vậy. Sau khi nước ngoài đăng kiểm xong, ông quay lại Cục Đăng kiểm Việt Nam, đơn vị này lại cho rằng, “đưa vật liệu mới vào sản xuất là vi phạm Luật Giao thông, Luật Hàng hải”. Hậu quả, nhiều chiếc cano ông sản xuất ra phải bỏ xó vì không được cấp giấy lưu hành.

Công ty CP Marina đã có đơn kêu cứu gửi Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT và cho rằng, thông báo yêu cầu công ty tạm ngừng tất cả mọi hoạt động đang đẩy doanh nghiệp và người lao động vào đường cùng gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đề nghị BQL xem xét rút lại văn bản tạm dừng hoạt động để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Mãi đến tháng 6/2015, sự việc lên diễn đàn Quốc hội, được đại biểu mổ xẻ, chất vấn, lúc này mới được Bộ GTVT trực tiếp vào cuộc tháo gỡ. Và ít lâu sau, sản phẩm tàu thuyền sản xuất bằng vật liệu mới của công ty ông mới “thông” được đăng kiểm.

Ông phấn khởi và vui mừng. Ông huy động nguồn lực tài chính, nhân sự, sản xuất hàng loạt cano, du thuyền… Sản phẩm ra lò, đưa đi đăng kiểm, thế nhưng, sự thật lại không như mơ, ông gặp điều trái khoáy ở Cục Đăng kiểm khi đưa ra quy định “vật liệu mới chỉ đăng kiểm cho phương tiện dưới 12 người”. Quy định này dẫn tới tàu thuyền của ông sản xuất ra phải đắp chiếu, Công ty rơi vào khó khăn.

Số phận lênh đênh của một doanh nhân  ảnh 1

Doanh nhân Vũ Văn Đảo nhàu nhĩ với thời cuộc

Cuối năm 2015, trước những khó khăn chồng chất, trước quy định đăng kiểm phương tiện dưới 12 người, lãnh đạo doanh nghiệp đã mất ăn mất ngủ nhiều tháng. Cái khó ló cái khôn, doanh nghiệp đã nghĩ và cho ra đời sản phẩm thuyền buồm. Sản phẩm thuyền buồm ra đời, đưa vào ứng dụng với hứa hẹn, tạo cảnh quan đột biến, điểm nhấn du lịch cho thành phố Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT).

Số phận lênh đênh của một doanh nhân  ảnh 2

Bến thuyền Marina thời hoàng kim

Quả thật, khi sản phẩm ra đời, đưa vào ứng dụng đã được sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền và nhân dân địa phương. Doanh nghiệp đã kết hợp với cơ quan có thẩm quyền tổ chức giải đua thuyền buồm. Giải đua thuyền buồm không những thu hút được du khách trong nước mà còn khiến du khách quốc tế cũng trầm trồ tìm đến. Kết quả đã tạo được điểm nhấn cho ngành du lịch BR-VT nói riêng và cả nước nói chung, vượt kỳ vọng đưa ra. Sản phẩm đẹp, độc đáo ở biển Vũng Tàu mà nhiều địa phương khác không có được. Thuyền buồm sau được đưa vào khai thác tại sông Nhật Lệ (Quảng Bình) và đảo Phú Quốc (Kiên Giang).

Số phận lênh đênh của một doanh nhân  ảnh 3

...Và khi bị đóng cửa

Sản phẩm thuyền buồm tạo nên thương hiệu cho tỉnh BR-VT. Kết quả Bộ VHTT&DL tặng “bằng khen đã đóng góp vào cho ngành du lịch địa phương”.

Thời điểm này (năm 2018 và 2019), doanh nghiệp và người lao động như “cá gặp nước”. Doanh nghiệp tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập trên trung bình. Nhờ đó, doanh nghiệp cũng thu hút thêm được nhiều đối tác, đặc biệt là các đối tác ở tỉnh, thành có biển. Bên cạnh đó, doanh nghiệp bỏ kinh phí đầu tư gửi hàng chục lao động ra nước ngoài đào tạo, học tập nghiên cứu về vật liệu mới trong lĩnh vực tàu thuyền.

Nhiệm kỳ trước mở,

nhiệm kỳ sau đóng

Thế nhưng, cuối tháng 12/2020, thêm một lần nữa, doanh nghiệp rơi vào khó khăn, bến thuyền phải dừng hoạt động do nhiều quan điểm khác nhau từ cơ quan chức năng. Vừa chống chọi với dịch bệnh COVID-19, vừa đối phó với ý kiến trái chiều từ cơ quan chức năng, tới tận hôm nay doanh nhân Vũ Văn Đảo vẫn chưa hết bần thần.

Đáng chú ý, theo doanh nhân Vũ Văn Đảo, dự án Bến thuyền Marina được BQL tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư với 2 mục tiêu chính là xây dựng bến thuyền du lịch và các công trình phụ trợ; sản xuất tàu thuyền thân thiện môi trường. Năm 2015, Bến thuyền Marina đi vào hoạt động đã trở thành điểm nhấn du lịch hấp dẫn của tỉnh BR-VT. Dự án này đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh BR-VT cùng các sở, ban ngành ủng hộ đánh giá cao.

Nhưng nay, ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng BQL các KCN BR-VT (BQL), cho rằng, "việc công ty thực hiện mô hình dịch vụ du lịch trong KCN là không phù hợp với hoạt động KCN. Ngoài ra, công ty không sản xuất tàu thuyền, cano tại đây là chưa đúng so với đăng ký tại giấy chứng nhận đầu tư. Trên cơ sở đó, BQL yêu cầu công ty thực hiện đúng theo những gì đã đăng ký. Từ căn cứ này, ông Triết yêu cầu Công ty CP Vũng Tàu Marina tạm dừng những hoạt động không có trong giấy phép đầu tư. Sau đó, BQL ban hành văn bản yêu cầu công ty dừng mọi hoạt động tại bến thuyền, du lịch, dịch vụ ăn uống.

Quyết định đóng cửa Bến thuyền Marina của BQL như gáo nước lạnh dội vào. Doanh nghiệp thêm lần nữa rơi vào cảnh khó khăn, hàng trăm lao động không còn việc làm. Bên cạnh đó, nhiều tàu thuyền đắp chiếu xuống cấp hư hỏng. Hạ tầng sụt lún, lao động được đào tạo bài bản bỏ đi nơi khác. Khách du lịch thì tỏ ra nuối tiếc về Bến thuyền Marina.

Liên quan đến việc Bến thuyền Marina dừng hoạt động, Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT đã giao BQL chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan làm việc với Công ty CP Vũng Tàu Marina để rà soát, giải quyết các nội dung kiến nghị của nhà đầu tư. Theo đó, BQL đã yêu cầu 12 sở, ngành liên quan cử đại diện tham gia buổi làm việc với Công ty CP Vũng Tàu Marina.

Tại buổi làm việc, Sở GTVT cho biết, đã cấp phép hoạt động tạm hàng năm trên cơ sở có xây dựng bến, đủ điều kiện kiểm định bến theo quy định. Về mô hình hoạt động, Sở ủng hộ chủ trương trên cơ sở đảm bảo các điều kiện pháp lý liên quan.

Theo ông Hoàng Ngọc Linh, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch, Bến thuyền Marina là một sản phẩm du lịch tốt, là điểm tham quan của địa phương được khách du lịch trong và ngoài địa phương công nhận, là điểm đến của các đoàn tham quan và các đơn vị lữ hành, đáp ứng được nhu cầu du lịch của tỉnh. Ông Linh cũng cho rằng, địa phương nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển và Hiệp hội mong muốn BQL và các sở, ngành liên quan tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được hoạt động trở lại.

Phía doanh nghiệp cho rằng, “không có quy định nào bắt doanh nghiệp chỉ được sản xuất tàu, thuyền tại một nơi, khi mà nhà xưởng sản xuất của công ty cũng nằm trong một khu công nghiệp. Về hoạt động du lịch tại bến thuyền du lịch, công ty đề nghị BQL các KCN và các Sở, ngành xem xét cho phép khách được tham quan bến thuyền du lịch”, vị đại diện nói.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.